Chậm khởi sắc thị trường bất động sản

VĨNH LỘC 17/07/2023 06:10

Mặc dù tỉnh và các sở, ngành, địa phương đã quyết liệt chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn cho thị trường bất động sản, nhưng nhìn chung tình hình vẫn chưa có tín hiệu cải thiện, chí ít trong thời gian ngắn hạn.

Thị trường bất động sản vẫn còn khá ám đạm, chí ít trong thời gian ngắn hạn. Ảnh: V.L
Thị trường bất động sản vẫn còn khá ám đạm, chí ít trong thời gian ngắn hạn. Ảnh: V.L

Ít giao dịch

Sau 6 tháng rao bán, khách sạn P. trên đường Hai Bà Trưng (TP.Hội An) vẫn chưa tìm được đối tác giao dịch. Ông Đ. chủ khách sạn P. thừa nhận, thời điểm này rất khó tìm được khách hàng giao dịch bởi ngân hàng siết chặt nguồn vốn vay tín dụng bất động sản, trong khi tiền mặt không nhiều.

“Vấn đề bây giờ không phải là giá bán rẻ hay mắc mà là không có khách hàng” - ông Đ. phân tích. Ông Đ. không phải trường hợp cá biệt. Tìm hiểu các trang rao bán bất động sản trên mạng dễ dàng nhận thấy không chỉ cơ sở lưu trú (khách sạn, homestay, biệt thự du lịch…) ế ẩm mà các phân khúc đất nền, căn hộ, nhà ở… cũng khá ảm đạm.

Ngày 14/7, Tập đoàn Dịch vụ bất động sản DKRA (DKRA Group) chính thức công bố báo cáo thị trường bất động sản Đà Nẵng và vùng phụ cận quý II/2023. Nội dung cho thấy, mặc dù thị trường bất động sản Đà Nẵng, Quảng Nam đón nhận tín hiệu khả quan về nguồn cung và sức cầu ở một số phân khúc chủ chốt, tuy nhiên thanh khoản thị trường vẫn ở mức thấp so với cùng kỳ năm 2022.

Cụ thể, phân khúc đất nền trong quý 2/2023 tại thị trường Đà Nẵng và vùng phụ cận dù ghi nhận 4 dự án mở bán (nguồn cung khoảng 169 nền) nhưng ỷ lệ tiêu thụ trên nguồn cung chỉ đạt 41% (khoảng 70 nền), bằng 18% so với cùng kỳ năm trước.

Các dự án mở bán mới tập trung chủ yếu tại 2 thị trường Quảng Nam và Đà Nẵng, trong đó Quảng Nam dẫn đầu, chiếm khoảng 66% nguồn cung toàn thị trường. Sức cầu thị trường ở mức khá thấp, giao dịch chủ yếu tập trung ở nhóm dự án đã hoàn thiện pháp lý và có mức giá dao động khoảng 11,4 - 19,5 triệu đồng/m2 (đối với Quảng Nam) và khoảng 49 - 76 triệu đồng/m2 (đối với Đà Nẵng). Riêng ở thị trường căn hộ chỉ ghi nhận một dự án mới tại Đà Nẵng được mở bán, cung cấp ra thị trường khoảng 146 căn, tăng 16% so với quý trước, nhưng giảm 52% so với cùng kỳ năm 2022.

Nguồn cung mới trong quý tập trung ở phân khúc căn hộ hạng A, các phân khúc còn lại không ghi nhận nguồn cung mở bán mới. Sức cầu chung toàn thị trường cải thiện so với quý I/2023 nhưng vẫn ở mức khá thấp, tỷ lệ tiêu thụ trên nguồn cung mới đạt khoảng 44%, tương đương 64 căn, giảm 48% so với cùng kỳ năm trước. Phần lớn dự án tiếp tục dời lịch mở bán để hoàn thiện pháp lý, cũng như chờ đợi tín hiệu tích cực từ thị trường trong thời gian tới.

Tương tự, các phân khúc nhà phố/biệt thự, bất động sản nghỉ dưỡng, nhà phố/shophouse nghỉ dưỡng, condotel… tại thị trường Đà Nẵng và vùng phụ cận cũng ghi nhận mức sụt giảm số lượng và giao dịch so với cùng kỳ, trong đó tỷ lệ nhà phố/biệt thự chỉ tiêu thụ khoảng 13 căn, chỉ bằng 3% so với quý II/2022.

Tháo gỡ khó khăn

Trên địa bàn Quảng Nam hiện có khoảng 176 dự án khu dân cư, khu đô thị đang triển khai và 17 dự án mới được chấp thuận nhà đầu tư. Theo dự báo từ DKRA Group, nguồn cung phân khúc đất nền trong quý 3/2023 có thể sẽ tăng so với 2 quý đầu năm, dao động khoảng 350 - 450 nền, tập trung chủ yếu ở Quảng Nam và Đà Nẵng.

Đặc biệt, mặt bằng giá sơ cấp vẫn duy trì ở mức ổn định so với 6 tháng đầu năm và khó có những đợt tăng giá trong ngắn hạn. Thanh khoản thị trường tập trung chủ yếu ở các dự án có mức giá dưới 20 triệu đồng/m2 (đối với Quảng Nam) và dưới 60 triệu đồng/m2 (đối với Đà Nẵng). Với bất động sản nghỉ dưỡng, thanh khoản thị trường dự kiến sẽ gặp nhiều khó khăn và khó có những đột biến trong ngắn hạn.

Thực tế, thời gian qua việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản đã được UBND tỉnh và các sở, ngành, địa phương triển khai quyết liệt với các văn bản, dự án cụ thể nhằm thúc đẩy thị trường.

Có thể kể đến Quyết định 09 (ngày 21/4/2023), quy định điều kiện, tiêu chí, quy mô, tỷ lệ, diện tích tách khu đất công thành dự án độc lập trên địa bàn tỉnh. Khởi công dự án đường nối từ Võ Chí Công đi khu công nghiệp Đông Quế Sơn nối quốc lộ (QL) 14H và QL 1.

Khởi công cải tạo, nâng cấp QL 14E… mang đến sự kỳ vọng, tạo cú hích cho thị trường bất động sản. Ngày 6/6 vừa qua, UBND tỉnh đã gửi công văn đến các sở, ban ngành liên quan chỉ đạo tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững theo Công điện 469 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, UBND tỉnh giao Sở KH-ĐT chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, Ban Quản lý các khu kinh tế và khu công nghiệp, các sở, ngành, địa phương liên quan rà soát, thống kê số lượng các dự án bất động sản đang triển khai trên địa bàn; phân loại các dự án đang gặp khó khăn, vướng mắc; chủ động làm việc trực tiếp với từng doanh nghiệp, từng dự án có vướng mắc hoặc triển khai chậm để xác định rõ nguyên nhân, kịp thời tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền hoặc tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết.

Đồng thời, rà soát, tổng hợp các vướng mắc thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, Quốc hội trong đó chỉ rõ các điều khoản của quy định, văn bản là nguyên nhân của các vướng mắc để tham mưu UBND tỉnh báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

Đặc biệt, giao UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo, triển khai tốt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư để sớm bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư triển khai dự án đảm bảo tiến độ… Đây được xem là những bước đi cần thiết nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản hiện nay và những tháng cuối năm 2023.

VĨNH LỘC