Cơ hội cho sản phẩm miền núi

VĨNH LỘC 05/07/2023 05:38

Ngày hội quảng bá các sản phẩm miền núi Quảng Nam 2023 khai mạc sáng nay 5/7 tại huyện Bắc Trà My được xem là cơ hội giới thiệu, tiêu thụ các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm khởi nghiệp, sản phẩm OCOP...

Ngày hội là dịp để các sản phẩm miền núi Quảng Nam đến gần hơn với khách hàng. Ảnh: V.L
Ngày hội là dịp để các sản phẩm miền núi Quảng Nam đến gần hơn với khách hàng. Ảnh: V.L

Ngày hội quảng bá các sản phẩm miền núi Quảng Nam 2023 có hơn 80 gian hàng của khoảng 40 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, làng nghề, chủ thể OCOP đăng ký tham gia.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Dung - chủ cơ sở dược liệu miền núi Nhật Linh (xã Trà Mai, Nam Trà My), bên cạnh mục đích bán hàng, việc tham gia hội chợ sẽ giúp quảng bá hiệu quả sản phẩm. “Do cơ sở tôi ở xa, đi lại khó khăn, khách hàng ít có cơ hội được trực tiếp tìm hiểu sản phẩm nên hầu như hội chợ nào tôi cũng cố gắng tham gia để bán hàng và quảng bá sản phẩm” - bà Dung cho biết.

Có thể khẳng định, các hội chợ đã trở thành cơ hội tốt để nhiều cơ sở, chủ thể OCOP giới thiệu, quảng bá sản phẩm của mình đến khách hàng, đối tác hiệu quả.

Ông Trần Văn Hơn ở xã Bình Lâm, huyện Hiệp Đức (hộ kinh doanh các sản phẩm mỹ nghệ từ tre) khẳng định, mục đích tham dự hội chợ chủ yếu giới thiệu sản phẩm và kết nối khách hàng.

Nhiều người vẫn nghĩ những dụng cụ được làm từ tre không bền và không giá trị nhưng ngược lại vật liệu tre rất tốt, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường. Tại ngày hội, gian hàng ông Hơn trưng bày gần 10 mẫu sản phẩm được làm từ tre như bàn ghế, xích đu, dù…

Theo ông Hường Văn Minh - Phó Giám đốc Sở Công Thương, Ngày hội quảng bá các sản phẩm miền núi Quảng Nam năm nay thu hút khoảng 40 chủ thể, doanh nghiệp tham gia với rất nhiều nhóm sản phẩm hàng hóa nông thôn như thực phẩm, dược liệu, hàng thủ công chủ yếu đến từ các địa phương phía tây nam của tỉnh như Hiệp Đức, Quế Sơn, Phú Ninh, Tam Kỳ, Núi Thành, Tiên Phước… Nổi bật là các sản phẩm đặc trưng được chế biến từ quế Trà My như quế vỏ, quế kẹp, tinh dầu quế, bột quế gia vị, trà quế thảo dược...

“Sự kiện chính là dịp để các huyện miền núi trong tỉnh liên kết, giới thiệu sản phẩm truyền thống, đặc trưng của địa phương đến du khách và người tiêu dùng. Đồng thời tạo điều kiện cho các chủ thể, người dân sản xuất giao lưu, học hỏi, nâng cao hiểu biết, nhất là trong hoạt động xúc tiến, quảng bá sản phẩm, qua đó giúp mở rộng thị trường tiêu thụ, tăng cường thu hút đầu tư để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp địa phương” - ông Minh chia sẻ.

Thực tế cho thấy, nhiều sản phẩm đặc trưng các huyện miền núi Quảng Nam dù rất nổi tiếng, giá trị kinh tế cao được đông đảo người dân trong nước biết đến nhưng do địa hình hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn dẫn đến hoạt động kinh doanh, buôn bán, vận chuyển, giao thương hạn chế.

Mặc dù những năm gần đây, các huyện miền núi cũng đã bắt đầu chủ động quy hoạch, định hướng, tích cực tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nhưng hiệu quả mang lại vẫn chưa như kỳ vọng.

Ông Hường Văn Minh cho rằng, đây là những vấn đề mà ngành công thương đang phối hợp với các địa phương tích cực tháo gỡ nhằm hỗ trợ phát triển sản xuất, tiêu dùng, nâng cao chuỗi giá trị hàng hóa, tạo thu nhập, sinh kế cho người dân, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa xã hội các huyện miền núi trên địa bàn tỉnh thời gian tới.

VĨNH LỘC