"Chần chừ" giảm lãi suất cho vay
Lãi suất huy động đã được các tổ chức tín dụng giảm mạnh nhưng lãi suất cho vay vẫn còn “chần chừ”.
Giảm nhanh và giảm chậm
Ghi nhận thời điểm này cho thấy lãi suất tiết kiệm được các ngân hàng thương mại giảm rất nhanh. Với kỳ hạn tiền gửi 12 tháng, nhiều tổ chức tín dụng đã giảm lãi suất từ 8,5%/năm xuống còn dưới 7%/năm. Đối với các “ông lớn” gồm Vietcombank, Agribank, VietinBank, BIDV, lãi suất tiết kiệm ở mọi kỳ hạn đều thấp hơn nhóm các ngân hàng thương mại khác.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam, đến cuối tháng 5, dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng đạt 106.661 tỷ đồng (tăng 1,6% so với đầu tháng, tăng 8,48% so với đầu năm). Trong đó, tín dụng ngắn hạn tăng 1,4% so với đầu tháng, tăng 15,02% so với đầu năm (chiếm tỷ trọng 59,67%); tín dụng trung dài hạn tăng 1,8% so với đầu tháng, tăng 0,07% so với đầu năm (chiếm 40,33% trong tổng dư nợ). Tổng nợ xấu trên địa bàn đến hết tháng 5 là 1.595 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 1,5% tổng dư nợ, giảm 46,8% so với tháng trước).
Đi rút tiền tiết kiệm đáo hạn, chị Nguyễn Quỳnh Kh. (phường Tân Thạnh, Tam Kỳ) “choáng” vì lãi suất tiền gửi giảm quá nhanh từ đầu tháng 5 đến nay.
“Tôi cũng vẫn chọn gửi tiền tiết kiệm thay vì đầu tư cổ phiếu, đất đai hay dự trữ vàng. Tôi gửi tiết kiệm dài hạn thay cho ngắn hạn vì theo dự báo lãi suất tiền gửi sẽ còn giảm nữa” - chị Kh. nói.
Trong khi lãi suất huy động đã giảm sâu, lãi suất cho vay giảm rất chậm dù Ngân hàng Nhà nước đã liên tiếp giảm lãi suất điều hành.
Bà Vũ Thị Tố Nga - Giám đốc BIDV chi nhánh Quảng Nam cho biết, tổ chức tín dụng không thể đứng ngoài việc giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước và hội sở BIDV. Chỉ có điều việc giảm này theo biên độ, doanh nghiệp, cá nhân có “lai lịch” vay vốn, trả nợ tốt thì được ưu tiên giảm lãi suất cho vay; các nhóm khách hàng khác được giảm ít hơn.
Đối với các lĩnh vực cho vay khác nhau như cho vay nông nghiệp, xuất khẩu, doanh nghiệp vừa và nhỏ hay cho vay tiêu dùng, sản xuất & kinh doanh cũng khác nhau về được giảm lãi suất.
Ông Phạm Trọng - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam cho rằng, các ngân hàng thương mại trên địa bàn có giảm lãi suất cho vay nhưng chậm hơn so với giảm lãi suất huy động. Nguyên nhân là trước đây, số tiền huy động với lãi suất cao chưa được cho vay hết, phải chờ thời gian. Nghĩa là lãi suất cho vay giảm chậm hơn so với giảm lãi suất huy động là việc… bình thường.
Trao đổi với chúng tôi, nhiều doanh nghiệp cho biết, lãi suất cho vay hiện vẫn ở mức cao. Trong khi đó việc tiếp cận vay vốn từ các gói tín dụng với lãi suất ưu đãi còn quá nhiều trở ngại, nhất là gói tín dụng hỗ trợ lãi suất 2%/năm cho doanh nghiệp với quy mô lên đến 40.000 tỷ đồng.
“Doanh nghiệp lo nhất là giữ chân người lao động để sản xuất, kinh doanh lâu dài. Cộng đồng doanh nghiệp cũng đã đóng góp khá lớn vào phát triển kinh tế - xã hội. Chúng tôi cần giảm lãi suất kịp thời của ngân hàng cũng như gia hạn thời gian trả nợ, được giải quyết vay vốn nhanh” - ông Hồ Tấn Thanh (chủ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các sản phẩm gỗ nội thất trên địa bàn Tam Kỳ) chia sẻ.
Cần giảm lãi suất cho vay
Nhiều doanh nghiệp cho rằng, ngoài nỗi lo về đơn hàng, thị trường, vấn đề khiến doanh nghiệp đau đầu hiện nay là lãi suất vay vốn. Doanh nghiệp cần được “rót” nguồn tiền nhanh để kịp đầu tư sản xuất, kinh doanh song phía ngân hàng lần lữa, xét duyệt hồ sơ chậm, nhất là cho rằng khó giải ngân do phương án vay vốn khả thi không cao, dễ phát sinh rủi ro tín dụng.
Ông Phan Bảo Toàn - chủ doanh nghiệp may mặc ở thị trấn Núi Thành (Núi Thành) cho rằng: “Lãi suất cho vay hơn 10%/năm như hiện nay là quá cao. Để tồn tại và duy trì hoạt động cũng đã quá áp lực chứ chưa dám nghĩ đến sản xuất, kinh doanh có lãi. Tiền điện tăng, tiền nước tăng, chi phí đầu vào tăng mạnh trong khi đó phía ngân hàng đánh giá mức vay cho chúng tôi giảm mạnh”.
Các doanh nghiệp đều mong muốn Ngân hàng Nhà nước có thêm nhiều giải pháp hỗ trợ để các tổ chức tín dụng có thể giảm lãi vay. Giải pháp được đề xuất là Ngân hàng Nhà nước giảm thêm lãi suất điều hành để đẩy nhanh hơn nữa việc giảm lãi suất cho vay của ngân hàng thương mại.
Về điều này, ông Phạm Trọng cho rằng, Ngân hàng Nhà nước đã giảm lãi suất điều hành tới 3 lần trong hơn 2 tháng qua nhưng lãi suất cho vay giảm còn chậm và chưa đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp là do ngân hàng lo ngại rủi ro sức khỏe doanh nghiệp.
Bởi vậy, thời gian tới, lãi suất cho vay có thể sẽ giảm mạnh hơn khi các giải pháp trợ lực, tiếp sức, đồng hành với doanh nghiệp đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả giúp doanh nghiệp hoạt động tốt lên.