Căng thẳng cung ứng điện các tháng mùa khô
Trước nguy cơ thiếu điện trong mùa nắng nóng, việc tiết kiệm điện và sử dụng điện an toàn được xem là giải pháp quan trọng.
Nguy cơ thiếu điện
Bộ TN-MT vừa có công văn gửi các bộ ngành, địa phương và các đơn vị quản lý, vận hành các hồ chứa nước cần thực hiện các giải pháp cấp bách, giảm thiểu nguy cơ thiếu nước cấp cho hạ du các dòng sông ở miền Trung, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ vào các tháng cuối mùa cạn năm 2023.
Được biết, hiện mực nước tại nhiều hồ chứa lớn ở mức rất thấp, lượng nước trữ trong các hồ thiếu hụt nặng, nhất là khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên. Lưu lượng dòng chảy trên các sông ở Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên thấp hơn trung bình cùng kỳ 20 - 60%.
Tại miền Trung, theo báo cáo của Tổng Công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC), công suất cực đại sử dụng điện các tháng 4 - 5/2023 đều tăng rất cao so với cùng kỳ năm 2022. Dự báo trong các ngày nắng nóng sắp tới, công suất cực đại còn tiếp tục tăng.
Riêng ở Quảng Nam mực nước tại các hồ chứa thủy điện A Vương, Sông Bung 4... xuống mức quá thấp, không bảo đảm mực nước tối thiểu theo quy định.
UBND tỉnh đề nghị chủ đầu tư hai nhà máy thủy điện nêu trên dừng vận hành xả nước phát điện để tích nước, góp phần chống hạn và xâm nhập mặn cho vùng hạ du trong mùa khô năm nay.
Nghiêm trọng như tại hồ thủy điện A Vương có dung tích 343 triệu m3 nước, nhưng hiện nay mực nước hồ đang thấp hơn 6m so với quy định tích nước cho mùa cạn và gần về mực nước chết.
Sản lượng điện từ các nguồn thủy điện tại miền Trung - Tây Nguyên chiếm khoảng 38% tổng nguồn. Vì vậy sẽ có tình trạng khó khăn về nguồn điện khi mực nước tại các hồ thủy điện lớn giảm sâu, đặc biệt trong các tháng 6, 7 và 8.
Nếu tình trạng hạn hán diễn ra nghiêm trọng trên diện rộng thì tình hình cung cấp điện sẽ càng khó khăn. Do đó, EVNCPC đã phát đi thông báo cho biết, nắng nóng kéo dài, nhu cầu tiêu thụ điện tăng cao, nhiều đường dây, trạm biến áp phải vận hành liên tục gây nên quá tải, dẫn đến xảy ra sự cố cục bộ trên lưới điện một số nơi, đồng thời có nguy cơ xảy ra sự cố lưới điện trên diện rộng.
Mặc dù nỗ lực cao nhất để cung cấp điện cho khách hàng, tuy nhiên sẽ có một số thời điểm có thể không tránh khỏi gián đoạn cung cấp điện cho người dân. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng điện đang có xu hướng tăng cao, đặc biệt vào mùa nắng nóng.
Do lượng nước bị thiếu hụt trầm trọng, không ít nhà máy thủy điện ở miền Trung - Tây Nguyên đang phải hoạt động cầm chừng nhiều ngày qua, ảnh hưởng lớn đến việc phát điện.
Theo Công ty Điện lực Quảng Nam (PC Quảng Nam), nắng nóng dẫn đến tiêu thụ điện tăng vọt, thậm chí công suất đỉnh hệ thống đã vượt xa đỉnh cao nhất của năm 2022. Dự kiến ở Quảng Nam, phụ tải cực đại (Pmax) ở đỉnh điểm mùa nóng sẽ đạt đỉnh lên đến 468.2MW - đây là con số kỷ lục trong những năm trở lại đây.
Nhiều giải pháp cấp bách
Trước những khó khăn trong việc cung ứng điện trong mùa nắng nóng tới, mới đây, UBND tỉnh có công văn yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương phối hợp với PC Quảng Nam quyết liệt thực hiện các giải pháp tiết kiệm điện và đảm bảo cung ứng điện an toàn, ổn định trong mùa nắng nóng năm 2023.
UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị thực hiện hiệu quả quy định về sử dụng, bảo dưỡng và sửa chữa các trang thiết bị tiêu thụ điện, đảm bảo tiết kiệm điện năng tiêu thụ hàng tháng 10%; các trường học, bệnh viện, khu điều dưỡng... tiết kiệm điện năng tiêu thụ hàng tháng 5% so với cùng kỳ; các cơ sở dịch vụ, thương mại, tổ hợp văn phòng và tòa nhà chung cư giảm 50% công suất chiếu sáng quảng cáo trang trí ngoài trời vào ban đêm.
Ngành điện khuyến cáo người dân, các cơ quan công sở và nơi sản xuất cần chú ý sử dụng điện an toàn, tiết kiệm.
Đặc biệt tuân thủ các biện pháp sử dụng điện tiết kiệm hiệu quả như: thường xuyên bảo dưỡng các thiết bị điện; ngắt nguồn điện các thiết bị khi không sử dụng; sử dụng hợp lý điều hòa nhiệt độ (26 - 28ºC); không sử dụng đồng thời nhiều thiết bị điện có công suất lớn, nhất là vào khung giờ cao điểm để giảm thiểu nguy cơ quá tải của lưới điện, vừa hạn chế hóa đơn tiền điện tăng đột biến.
Đối với các khách hàng công nghiệp cần bố trí lịch sản xuất phù hợp, tránh các ngày nắng nóng cực đoan, đồng thời dịch chuyển một phần hoạt động sản xuất sau 22 giờ; tham gia các chương trình điều chỉnh phụ tải...
Ông Nguyễn Hữu Khánh - Giám đốc PC Quảng Nam cho biết, đã lập và triển khai phương án đảm bảo cấp điện mùa khô, đồng thời rà soát kỹ phương án tổ chức thi công, bố trí thời gian tạm ngưng cấp điện phù hợp, tăng cường áp dụng công nghệ sửa chữa điện nóng để không làm gián đoạn cung cấp điện phục vụ người dân.
Công ty xây dựng và triển khai phương thức cấp điện mùa nắng nóng với nguyên tắc: đảm bảo hệ thống điện vận hành an toàn, tin cậy, kinh tế và chất lượng điện năng; vận hành hiệu quả các nguồn điện phân tán, điện mặt trời mái nhà, nhà máy thủy điện; ưu tiên cung cấp điện liên tục cho các phụ tải quan trọng, trạm bơm phục vụ chống hạn, phòng mặn.