Nhộn nhịp Ngày hội sản phẩm Quảng Nam
(QNO) - Tại sự kiện Những ngày văn hóa đồng hương Quảng Nam tại TP.Hồ Chí Minh 2023, không gian dành cho Ngày hội sản phẩm Quảng Nam thu hút khá đông người dân.
Yên tâm mua hàng
Gian hàng sản phẩm OCOP nằm trong hoạt động giới thiệu sản phẩm đặc trưng Quảng Nam, với sự phối hợp thực hiện giữa Sở Công thương (chủ trì) và Sở NN&PTNT, Sở VH-TT&DL, Sở KH&CN cùng UBND các huyện, thị xã, thành phố, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Ban Điều hành Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo tỉnh và các sở, ngành liên quan.
Đây là không gian dành cho việc giới thiệu, kết nối thương mại các sản phẩm đặc sản vùng miền truyền thống của tỉnh như lồng đèn Hội An, ươm tơ, làm gốm, quế, trầm thương, sâm Ngọc Linh. Điểm nhấn là trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm khởi nghiệp, công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp vùng, quốc gia, sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên.
Để chuẩn bị cho sự kiện, chủ các sản phẩm đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ trước. Tại quầy các sản phẩm sâm Ngọc Linh, ghi nhận có khá nhiều người quan tâm. Nhiều người tỏ ra hào hứng khi lần đầu được thấy tận mắt cây và củ sâm Ngọc Linh.
Chị Nguyễn Thị Huỳnh - Giám đốc Công ty TNHH MTV Huỳnh Sâm, cho biết để có số lượng củ sâm mang vào TP.Hồ Chí Minh tham gia gian hàng, nhiều tháng qua chị phải gom mua từ người dân. Đặc biệt, chị quyết định mang theo vài cây sâm đang có hoa, hạt để cho nhiều người có “cái nhìn thực tế” về cây sâm Ngọc Linh.
Anh Đoàn Hữu Phú (47 tuổi, quê thị xã Điện Bàn) cho biết, anh từ Trảng Bom (Đồng Nai) về TP.Hồ Chí Minh từ chiều qua, cùng vợ và hai con nhỏ. Anh tỏ ra thích thú khi lần đầu thấy cây sâm Ngọc Linh. “Lâu nay toàn coi trên “mạng”. Cũng muốn thấy ở ngoài thực tế, mà như vậy phải về Nam Trà My, đâu dễ gì đi được. Sâm ở đây đã được cơ quan chức năng kiểm tra kỹ lưỡng rồi, nên không sợ” - anh Phú cho biết.
Thêm cơ hội quảng bá, kết nối
Cũng giống như chị Huỳnh, chị Nguyễn Thị Hồng Vân - chủ hộ kinh doanh Nguyễn Thị Hồng Vân (thôn Phú Quý, xã Đại Hiệp, Đại Lộc) cho biết cơ sở chị cũng chuẩn bị kỹ lưỡng để mang sản phẩm vào Nam với bà con xa quê.
Sản phẩm nước cốt chanh của chị Vân đạt giải 3 cấp tỉnh khi thi khởi nghiệp, đạt chứng nhận OCOP 4 sao. Ưu điểm ở cơ sở sản xuất của chị, là sử dụng hết “công dụng” của chanh, không xả bất kỳ thứ gì ra môi trường.
“Ví dụ như hạt chanh thì mình bán cho các cơ sở làm thuốc, họ tán ra làm bột để làm thuốc chữa bệnh. Còn vỏ chanh thì làm mứt, sản phẩm này thích hợp với những ai bị viêm phế quản. Sản phẩm chính, thì tất nhiên là nước chanh” - chị Vân nói.
Cũng theo chị Vân, ban đầu chị tự chủ vùng nguyên liệu, nhưng khi phát triển thì chị kết hợp thêm với 4 hộ dân khác trong huyện. Cuối năm 2022, tổng diện tích vùng nguyên liệu là 7ha, đầu năm 2023 mở rộng lên 9ha.
Khi tham dự ngày hội, có thể không bán được nhiều sản phẩm như kỳ vọng, nhưng sẽ là dịp để quảng bá, kết nối cho sự phát triển sản phẩm sau này.
Đồng quan điểm với chị Vân, anh Từ Quốc Hậu - cơ sở sản xuất trầm hương Thập Vạn Hương (Quế Sơn), chia sẻ: “Chúng tôi mang vào đây mỗi sản phẩm một ít, để vào quảng bá nên không đặt nặng chuyện bán mua. Không chỉ tại đây, mà ông chủ tôi cũng đang thực hiện quảng bá ở Nha Trang nữa”.