Giá điện tăng, người dân và doanh nghiệp lo lắng
Trong mùa nắng nóng này, giá điện bán lẻ tăng thêm 3% khiến người dân lo lắng khi chi phí sinh hoạt tăng cao, còn doanh nghiệp “lo sốt vó” vì chi phí đầu vào có thể tăng đột biến.
“Thắt lưng buộc bụng”
Trưa nắng nóng như rang, anh Trần Ngọc Hiệu dàn 3 chậu nước to trước chiếc quạt cũ kỹ để làm lạnh cho căn phòng 15m2 lợp tôn thuê cạnh Khu công nghiệp Bắc Chu Lai (xã Tam Hiệp, Núi Thành).
Anh Hiệu cho biết, tiền lương công nhân 2 vợ chồng chỉ hơn 10 triệu đồng/tháng, chi phí thuê nhà đã 1,5 triệu đồng, cộng với chi phí sinh hoạt, tiền gửi con ở nhà trẻ…, vợ chồng anh Hiệu phải “thắt lưng buộc bụng”.
“Vợ chồng bàn với nhau mua máy điều hòa cỡ nhỏ để dùng quãng buổi trưa, buổi tối cao điểm nóng. Bàn rồi thôi vì tiền điện đang tăng kéo theo các mặt hàng khác cũng tăng giá” - anh Hiệu nói.
Hiện nay ngành công thương đã có thể áp dụng quy định về xử lý vi phạm trong lĩnh vực quản lý giá để quản lý hàng hóa, dịch vụ trên thị trường. Cụ thể, các doanh nghiệp phải kê khai giá hàng hóa, phải niêm yết giá và bán hàng theo giá niêm yết. Đó là công cụ để ngành chức năng quản lý, kiểm tra, xử lý nếu phát hiện sai phạm, qua đó ổn định thị trường.
Chị Trang Thị Huệ - công nhân làm việc ở Khu công nghiệp Bắc Chu Lai sau ca làm việc đi chợ cho biết, từ khi tăng giá điện, từ rau quả đến trứng, thịt, cá đều tăng giá.
Giá các mặt hàng thiết yếu tăng không nhiều nhưng đã “chạm trần” chi phí tiêu dùng nên công nhân rất khổ sở. Nghe đâu tiền nhà trọ cũng rục rịch tăng.
“Tháng 4 thời tiết nắng nóng, hóa đơn tiền điện đã tăng thêm gần 200 nghìn đồng so với các tháng trước đó. Từ tháng 5, lượng điện tiêu thụ sẽ càng nhiều hơn, tăng giá điện coi như tăng 2 lần, cả về lượng tiêu thụ và giá. Trong lúc khó khăn thế này, tôi vá chỗ này, đắp chỗ kia mà vẫn thâm hụt” - chị Huệ nói.
Ông Huỳnh Minh Trí - Giám đốc Hợp tác xã May mặc Sơn Thủy (thôn Xuân Quý, xã Tam Thăng, Tam Kỳ) cho biết, thời điểm này doanh nghiệp đối diện nhiều khó khăn.
Giá nguyên liệu tăng lên cộng thêm tăng giá điện khiến chi phí sản xuất tăng vọt. Đơn hàng xuất khẩu lại sụt giảm đến 40% so với năm trước. Mọi công đoạn may mặc đều dùng điện lại trong mùa nắng nóng tiêu thụ nhiều điện năng nên chất chồng khó khăn.
Cần kiểm soát chặt giá hàng hóa
Theo quan sát của chúng tôi, những ngày này hàng hóa nhấp nhổm tăng giá. Ở nhiều nơi giá trái cây, sinh tố, nước giải khát đã tăng khoảng 3 - 5 nghìn đồng/sản phẩm. Giá cơm, nhất là cơm bán ở các khu, cụm công nghiệp tăng nhẹ. Hàng hải sản, áo quần, đồ điện làm lạnh tăng giá khá cao.
Nhiều hộ sản xuất, kinh doanh nhỏ cho rằng, điện dùng để đun nấu, chế biến và vận hành sản xuất, dịch vụ nên khi điện tăng giá thì hàng hóa, sản phẩm trên thị trường tăng giá là điều bình thường.
Ông Lê Cần - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường cho biết, những ngày qua, hàng hóa, dịch vụ đã tăng giá. Dự báo thời gian tới, giá hàng hóa sẽ còn tăng bởi sau tăng giá điện, giá nhiều loại mặt hàng khác như xăng dầu, cước vận chuyển, nước sinh hoạt, chi phí đầu vào khác của sản xuất đều tăng.
“Chúng tôi tăng cường kiểm tra, thanh tra hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn tỉnh để xử lý những trường hợp bán hàng không theo giá niêm yết, bảo vệ người tiêu dùng, nhất là dẹp bỏ nạn “té nước theo mưa” khi giá điện tăng” - ông Cần nói.
Bình ổn giá hàng hóa, dịch vụ là nhiệm vụ đặt ra cấp thiết trên địa bàn tỉnh. Ông Đặng Bá Dự, Giám đốc Sở Công Thương cho rằng, khó có thể kiểm soát hết tất cả hàng hóa, dịch vụ tăng giá khi giá điện đã tăng lên 3%.
Ngành công thương sẽ yêu cầu các doanh nghiệp kê khai giá thành sản xuất kinh doanh những mặt hàng Nhà nước định giá để tránh việc tùy tiện tăng giá thu lợi bất chính.
Qua rà soát, kiểm tra, sẽ xử lý việc lợi dụng tăng giá điện để tạo hiệu ứng tăng giá các mặt hàng một cách thiếu kiểm soát, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu như gạo, lương thực, thực phẩm…
Mức tăng bình quân 3% giá điện bán lẻ đã ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân, doanh nghiệp, nhất là khi mùa nắng nóng đã tới và Elnino còn gây thêm nhiều khó khăn thời gian tới. Hiện nay ngành điện áp dụng biểu giá điện thang 6 bậc lũy tiến với nguyên tắc dùng càng nhiều thì càng phải tăng bậc với giá cao hơn thực sự là áp lực lớn.