Nam Giang từng bước phát triển sản phẩm OCOP
Phát huy tiềm năng và lợi thế, thời gian qua huyện Nam Giang nỗ lực xây dựng, thực hiện chương trình OCOP, góp phần nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân.
Nỗ lực tạo chuyển biến
Ông Hồ Văn Luyến - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Nam Giang cho hay, xác định tầm quan trọng của chương trình OCOP đối với phát triển kinh tế nông nghiệp, những năm qua đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch, tập trung rà soát các sản phẩm lợi thế, tích cực khuyến khích các HTX cũng như hộ kinh doanh cá thể đầu tư cải tiến quy trình, ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến vào sản xuất. Đặc biệt, huyện đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn, hướng dẫn các đơn vị và cá nhân đầu tư phát triển những sản phẩm thế mạnh của địa phương thành sản phẩm OCOP.
Giai đoạn 2018 - 2022, từ nguồn vốn do ngân sách tỉnh phân bổ, huyện đã hỗ trợ hơn 887 triệu đồng cho các chủ thể tham gia chương trình OCOP để có điều kiện triển khai những nội dung liên quan. Mặt khác, một số chủ thể khi thực hiện chương trình đã được các tổ chức phi chính phủ hỗ trợ kinh phí xây dựng và nâng tầm giá trị sản phẩm.
Ông Nguyễn Đăng Chương - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang nói, hơn 4 năm qua, địa phương tập trung nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy đảng và chính quyền các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chương trình OCOP. Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân và các tổ chức kinh tế tham gia; khuyến khích cơ sở sản xuất - kinh doanh đẩy mạnh hoạt động liên kết, xúc tiến thương mại, kết nối giao thương sản phẩm OCOP. Ngành chuyên môn tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đảm bảo chặt chẽ, khách quan, đúng quy định...
Đến nay, trên địa bàn Nam Giang có 6 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao, gồm: túi A DHir của HTX Dệt thổ cẩm Za Ra; rượu tà vạt cất của hộ Bh’ling Vinh; chuối rừng khô của HTX Sản xuất - thương mại - dịch vụ Zơ Râm Bách; dưa kiệu A Điu của hộ Trần Thị Mỹ Ý; muối đặc sản đóng hộp và trà đậu đen của Công ty TNHH Sản xuất - thương mại - dịch vụ Trí Nhất.
“Dù kết quả còn khá khiêm tốn nhưng rõ ràng chương trình OCOP đã góp phần làm thay đổi tập quán sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số, tạo ra hướng đi mới trong sản xuất - kinh doanh các sản phẩm truyền thống có lợi thế của địa phương. Qua đó, thúc đẩy quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, hướng đến xây dựng thành công mô hình nông thôn mới” - ông Chương nhìn nhận.
Tiếp tục vượt khó
Là huyện miền núi cao, Nam Giang gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện chương trình OCOP. Riêng năm 2022, các chủ thể đăng ký sản phẩm tham gia chương trình không đảm bảo điều kiện, thủ tục hồ sơ để hỗ trợ kinh phí nên chỉ giải ngân được 14,6 triệu đồng trong tổng số 350 triệu đồng từ nguồn vốn do ngân sách tỉnh phân bổ.
Theo ông Nguyễn Đăng Chương, hiện nay cán bộ phụ trách chương trình OCOP cấp huyện đảm nhận nhiều lĩnh vực, trong khi quy trình thực hiện nhiều bước, đòi hỏi cán bộ phải chuyên sâu nên việc triển khai còn nhiều hạn chế. Đáng chú ý, hầu hết chủ thể chưa qua lớp đào tạo quản lý về sản xuất sản phẩm tại địa phương, chưa xây dựng thương hiệu đối với một số sản phẩm đặc trưng.
Nguồn vốn hoạt động sản xuất - kinh doanh của một số chủ thể còn khá khiêm tốn, thị trường tiêu thụ chưa mở rộng dẫn đến doanh thu thấp. Việc xây dựng phương án và hoàn thiện các thủ tục hồ sơ liên quan của các chủ thể còn chậm nên khâu thẩm định và giải ngân kinh phí hỗ trợ từ chương trình chưa kịp thời...
Ngoài tập trung nâng cao chất lượng các sản phẩm đã đạt chuẩn OCOP 3 sao giai đoạn 2018 - 2022, năm 2023 Nam Giang tiếp tục phát triển mới 4 sản phẩm OCOP, gồm: măng nứa khô; bộ gia vị Cơ Tu; thịt heo đen xông khói; thịt heo đen gác bếp. Từ nguồn kinh phí do tỉnh phân bổ, ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương của huyện sẽ tiếp tục phối hợp hỗ trợ cho các chủ thể khoảng 400 triệu đồng nhằm có điều kiện đầu tư đồng bộ các khâu để hoàn thiện sản phẩm.
Thời gian tới, ông Nguyễn Đăng Chương cho hay, địa phương sẽ đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đổi mới - sáng tạo trong tư duy và phương thức sản xuất, huy động hiệu quả nhiều nguồn lực. Đồng thời kiểm soát chặt chẽ việc áp dụng, tuân thủ tiêu chuẩn kỹ thuật, chuyển giao và ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ trong sản xuất - chế biến sản phẩm; tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất chuẩn hóa hồ sơ, xây dựng thương hiệu và chiến lược phát triển kinh doanh, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa chất lượng cao mang đặc trưng, lợi thế của địa phương nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng...