Vốn chính sách tạo lực phát triển làng nghề

VIỆT NGUYỄN 27/04/2023 06:43

Tín dụng chính sách thời gian qua đã giúp hộ sản xuất ở các làng nghề truyền thống đổi mới công nghệ sản xuất, nâng chất lượng sản phẩm để xâm nhập sâu vào thị trường, nhất là thi trường xuất khẩu.

Một góc làng nghề Quán Hương. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Một góc làng nghề Quán Hương. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Quán Hương (thị trấn Hà Lam, Thăng Bình) là làng nghề sản xuất nhang hương truyền thống lâu đời nhưng gặp khó khăn do thị trường cạnh tranh, đòi hỏi phải tái cơ cấu sản xuất.

Ông Võ Tấn Hiếu (khu phố 8, thị trấn Hà Lam) - hộ sản xuất hương lâu năm của làng nghề cho biết, ông may mắn tiếp cận được tín dụng ưu đãi của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Thăng Bình để đầu tư máy móc, công nghệ mới.

Từ 50 triệu đồng vốn vay, ông Hiếu đã đầu tư máy xay, máy trộn bột trầm, bột quế; máy sản xuất viên trầm và hương quế để cho ra đời 2 sản phẩm mới là viên trầm và hương quế, thay cho nhang hương thuần túy bấy lâu. Nhờ vậy, ông Hiếu đã tăng năng suất, sản lượng, chất lượng sản phẩm.

Tiếp đến ông Hiếu đăng ký sản phẩm OCOP và được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh cho hương quế và viên trầm. Trong năm 2022, ông cung cấp ra thị trường 1 tấn hương quế và 500kg viên trầm, doanh thu hơn 200 triệu đồng. Sản phẩm của ông Hiếu xuất khẩu sang Campuchia và nỗ lực chinh phục các thị trường xuất khẩu mới.

“May nhờ có vốn ưu đãi mà tôi đã mạnh dạn tạo lối đi mới. Làng nghề cũng chuyển động đầu tư cho viên trầm và hương quế để chinh phục các thị trường khó tính nước ngoài bên cạnh thị trường nội địa quen thuộc” - ông Hiếu nói.

Ông Trần Quốc Tuấn - Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH Thăng Bình cho biết, ở làng nghề Quán Hương hiện có 148 hộ vay vốn chính sách với dư nợ hơn 7 tỷ đồng.

Làng nghề nước mắm Cửa Khe hiện có 25 hộ vay vốn với dư nợ hơn 1 tỷ đồng để sản xuất nước mắm truyền thống. Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH Thăng Bình phối hợp với chính quyền xã, thị trấn, các hội, đoàn thể khảo sát, thẩm định, tiếp vốn kịp thời cho các hộ vay vốn sản xuất, kinh doanh phát triển sản phẩm làng nghề, ngành nghề nông thôn.

Tại Quế Sơn, tín dụng chính sách cũng tạo động lực cho phát triển nghề làm phở sắn truyền thống. Như ông Dương Ngọc Xinh (tổ dân phố Thuận An, thị trấn Đông Phú) đã vay 100 triệu đồng của Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH Quế Sơn để đầu tư máy chế biến phở sắn với các công đoạn xay bột, khuấy bột, ép sợi phở sắn, mở rộng quy mô sản xuất.

Ông Xinh nói, nhờ áp dụng công nghệ mới nên cơ sở nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, chiếm lĩnh thị trường trong nước và còn xuất khẩu ở Thái Lan, Úc… Doanh thu tăng lên, lợi nhuận nhiều hơn giúp ông Xinh và các lao động tăng thêm thu nhập.

Bà Trần Thị Mỹ Hằng - Phó Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH Quế Sơn cho biết, trong năm 2022 ở tổ dân phố Thuận An có 11 hộ vay vốn ưu đãi với tổng số tiền 750 triệu đồng để phát triển nghề chế biến phở sắn. Đây là số tiền từ nguồn vốn ngân sách huyện chuyển giao.

Năm nay, ngân sách huyện chuyển giao thêm 450 triệu đồng phát triển nghề phở sắn. Rất đáng mừng là phở sắn đã trở thành sản phẩm OCOP của địa phương. Theo bà Hằng, từ nguồn tín dụng chính sách, nhiều cơ sở chế biến phở sắn có điều kiện đầu tư phát triển, tạo thêm việc làm, tăng thêm thu nhập cho người dân.

VIỆT NGUYỄN