Mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản
Bằng rất nhiều cách quảng bá, giới thiệu sản phẩm, vài năm trở lại đây, nông sản vùng cao Nam Giang dần tiếp cận thị trường, tạo cơ hội mở rộng tiêu thụ, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.
Ông Hồ Viết Căn - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Nam Giang cho biết, sau thời gian loay hoay tìm kiếm thị trường tiêu thụ, nhiều nông sản đặc trưng của địa phương dần có vị thế nhờ hoạt động quảng bá, giới thiệu đến với người dân và du khách. Ngoài không gian bày bán nông sản dọc tuyến đường Hồ Chí Minh, chương trình giới thiệu sản vật “đưa hương rừng ra phố” giúp nông sản được tiêu thụ hiệu quả.
Đặc biệt, chương trình Phiên chợ đêm Nam Giang lần đầu tiên tổ chức mới đây được kỳ vọng mở ra cơ hội rất lớn không chỉ cho nông sản mà còn cho nhiều sản vật đặc trưng khác của địa phương như heo đen, ẩm thực truyền thống, các vật dung đan lát, thủ công mỹ nghệ…
“Với điều kiện khí hậu thuận lợi, những năm qua, người dân Nam Giang đẩy mạnh mở rộng diện tích trồng lương thực có hạt, từ lúa rẫy, bắp nà cho đến các loại đậu đem lại giá trị kinh tế cao. Đồng thời xen canh trồng các loại cây ăn quả tại khu vực vườn đồi và kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm phục vụ nhu cầu thị trường. Nhiều sản phẩm bước đầu hình thành và mang thương hiệu OCOP, được thị trường đón nhận” - ông Căn nói.
Báo cáo của UBND huyện Nam Giang cho thấy, năm 2022 tổng diện tích gieo trồng cây lương thực có hạt ước hơn 3.633ha, sản lượng đạt khoảng 6.834 tấn. Nhiều mô hình trồng cây chất bột có củ, cây thực phẩm và cây công nghiệp ngắn ngày được mở rộng diện tích, trở thành sản vật đặc trưng giúp người dân thoát nghèo.
Phát huy hiệu quả giá trị kinh tế nông sản, những năm gần đây, chính quyền địa phương hỗ trợ nguồn lực giúp người dân đầu tư diện tích trồng cam Vinh, bưởi da xanh tại các thôn, xã vùng cao, xem đó là cây chủ lực trong giảm nghèo bền vững.
Cơ hội dần được khai mở, người dân miền núi Nam Giang bắt đầu tiệm cận với hành trình đưa nông sản đến với thị trường lớn. Để khuyến khích sự tham gia nhiều hơn từ các HTX, doanh nghiệp trong tạo dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp, chính quyền huyện Nam Giang kiến nghị cần tháo gỡ vướng mắc trong cơ chế hiện nay, nhất là chính sách khuyến khích phát triển hợp tác liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo Nghị quyết 17 của HĐND tỉnh về quy định mức đối ứng (70% với miền núi) đối với hạng mục xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ liên kết…