Nỗ lực gầy dựng thương hiệu hàng hóa
Xây dựng, quảng bá thương hiệu sản phẩm, hàng hóa xứ Quảng là cách khẳng định hình ảnh, uy tín, vị thế của Quảng Nam trong tiến trình hội nhập và phát triển.
Phát triển sâm Ngọc Linh
Sâm Ngọc Linh được xem là quốc bảo, cộng đồng doanh nghiệp Quảng Nam đang huy động các nguồn lực để trồng, bảo tồn gen, phát triển vùng nguyên liệu, chế biến các sản phẩm từ sâm phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Ông Trương Đình Kiểm - Giám đốc Công ty TNHH MTV Bảo Ly (Công ty Bảo Ly, Tam Kỳ) cho biết đang đầu tư sản xuất 3ha sâm ở thôn 3 xã Trà Cang (Nam Trà My). Bên cạnh những cây sâm đang thu hoạch, ông Kiểm chú trọng dưỡng cây sâm lấy hạt để phát triển vùng nguyên liệu. Với cây giống sâm Ngọc Linh, ông Kiểm bán cho người dân bản địa giá 300 nghìn đồng/cây để trồng, chăm sóc rồi thu mua sâm khi đến kỳ thu hoạch.
Kỷ niệm 15 năm ngày Thương hiệu Việt Nam (20/4/2008 - 20/4/2023), Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp triển khai Tuần lễ Thương hiệu quốc gia năm 2023 từ ngày 17 - 23/4 nhằm xây dựng và quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam có hàng hóa, dịch vụ chất lượng, tạo dựng uy tín và nâng cao sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế.
Đến thời điểm này, doanh nghiệp của ông Kiểm đã chế biến được các loại rượu sâm, trà sâm, sâm ngâm mật ong, viên nang sâm, viên nén sâm… cung ứng ra thị trường với giá từ vài trăm nghìn đồng/sản phẩm đến hàng chục triệu đồng/sản phẩm.
Ông Kiểm cũng đầu tư lớn để xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm sâm Ngọc Linh. Cách làm của doanh nghiệp là đăng ký nhãn hiệu, bảo hộ nhãn hiệu, đáp ứng các yêu cầu khắt khe về an toàn thực phẩm và chứng nhận chất lượng cho hàng hóa.
Hiện tại, các sản phẩm hàng hóa từ sâm của Công ty Bảo Ly không chỉ lưu thông ở thị trường trong nước mà còn bán chạy ở các quốc gia châu Âu và châu Mỹ.
“Tôi quan niệm với chất lượng hàng hóa đã được khẳng định thì sản phẩm có sức cạnh tranh, chiếm ưu thế và ngày càng xâm nhập sâu hơn vào các thị trường tiềm năng, thị trường mới” - ông Kiểm nói.
Ông Kiểm nói rất mừng khi chính quyền địa phương, các bộ, ngành đã vào cuộc để có những giải pháp trồng, bảo tồn, phát triển sâm Ngọc Linh. Về lâu dài, thương hiệu quốc gia sâm Ngọc Linh sẽ được xây dựng, Quảng Nam sẽ phát triển ngành công nghiệp sâm.
Doanh nghiệp nỗ lực xây dựng, phát triển sâm Ngọc Linh và mong Nhà nước tiếp tục có các giải pháp căn cơ, nhất là chính sách, cơ chế hỗ trợ, đồng hành với doanh nghiệp ngành sâm.
Quảng bá thương hiệu
Nhiều sản phẩm, hàng hóa khác của Quảng Nam, nhất là các sản phẩm OCOP, đặc sản cũng đang vận động để xây dựng thương hiệu, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Đó là cách đón đầu của các doanh nghiệp trước làn sóng hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng khi nước ta tham gia vào các hiệp định thương mại tự do.
Ông Đặng Bá Dự - Giám đốc Sở Công Thương cho rằng, bên cạnh nỗ lực của doanh nghiệp, cơ quan chức năng có nhiều hình thức hỗ trợ quá trình khẳng định thương hiệu để hàng hóa của doanh nghiệp xâm nhập sâu hơn thị trường như quảng bá sản phẩm, kết nối cung cầu, giao thương hàng hóa, hội chợ, triển lãm…
Theo Sở Công Thương, xây dựng thương hiệu là chuyện hệ trọng của các doanh nghiệp. Người tiêu dùng dựa trên thương hiệu để nhận biết về doanh nghiệp, sản phẩm, dịch vụ chất lượng nổi trội để mua sắm, sử dụng.
Để nâng cao giá trị thương hiệu cho doanh nghiệp, cách trợ giúp của ngành công thương thời gian đến là nâng cao nhận thức, kiến thức về xây dựng, quản trị thương hiệu; nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp; tăng thêm tần suất các hoạt động quảng bá, giới thiệu nhằm giúp sản phẩm hàng hóa Quảng Nam có vị thế tốt hơn ở “sân chơi” trong nước và toàn cầu.