Sáng chế hệ thống tráng bánh tự động

HOÀNG LIÊN 27/03/2023 08:57

Sau 4 năm nghiên cứu, chàng trai trẻ Nguyễn Hoàng Việt và cộng sự sáng chế ra hệ thống máy tráng bánh tráng tự động với các quy trình công nghệ khép kín, góp phần nâng chất lượng đặc sản bánh tráng Đại Lộc, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Bánh tráng và mì sợi được sản xuất theo công nghệ sấy calorifer. Ảnh: HOÀNG LIÊN
Bánh tráng và mì sợi được sản xuất theo công nghệ sấy calorifer. Ảnh: HOÀNG LIÊN

Công nghệ sấy calorifer

Anh Nguyễn Hoàng Việt (SN 1989) và những người bạn gồm Nguyễn Thái Hiếu, Mai Bá Quốc Ninh, Lê Thiện Tâm, Nguyễn Xuân Việt đều cùng quê huyện Đại Lộc, từng có thời gian làm việc trong lĩnh vực cơ khí, lắp ráp máy móc tại các nhà máy chế biến tinh bột sắn tại các tỉnh/thành.

Khi còn làm việc tại các công ty, anh Việt cùng bạn bè ấm ủ ý tưởng nghiên cứu, thiết kế, lắp ráp dây chuyền sản xuất hiện đại, khép kín để sản xuất bánh tráng Đại Lộc.

Nhóm bạn trẻ đã dành thời gian tìm hiểu, nghiên cứu kỹ các quy trình, công đoạn sản xuất bánh tráng truyền thống và thiết kế, thi công, lắp ráp một hệ thống hoàn chỉnh với mỗi loại máy móc sẽ đảm trách một công đoạn sản xuất.

Năm 2020 - 2021, nhóm đã chế tạo hệ thống máy móc khá đơn giản nhưng khi áp dụng vào thực tiễn lại không đạt yêu cầu. Sau thời gian đi tham quan một số dây chuyền sản xuất phở sắn, bánh tráng Tây Ninh, nhóm cũng nghỉ hẳn việc công ty để chuyên tâm hơn cho “đứa con tinh thần” này.

Sau đó, nhóm bắt tay vào sản xuất thử nghiệm để hoàn chỉnh sản phẩm. Tết Nguyên đán 2023, cơ sở của anh Việt sản xuất lô bánh tráng đầu tiên với khoảng 1 tấn bánh, cung ứng cho một doanh nghiệp tặng quà tết.

Anh Việt cho biết: “Việc hoàn thiện công nghệ và nâng chất lượng sản phẩm vẫn tiếp tục. Từ đây đến cuối năm 2023, chúng tôi sẽ tiếp tục sản xuất một số lô hàng và qua thực tiễn sản xuất, chúng tôi tiếp tục đánh giá, hoàn thiện. Chúng tôi muốn mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm chất lượng và an toàn nhất”.

Dây chuyền tráng bánh tự động gồm nhiều hệ thống máy chính và mỗi công đoạn do một máy đảm nhận. Đó là máy vo, bồn ngâm, vít tải cấp gạo cho máy xay, máy xay cấp 1 và 2, bồn chứa bột, thuyền hấp bánh (bao gồm cả máy tráng), cụm sấy bánh (bao gồm lò sấy, bộ calorifer) và khu thực phẩm (cắt, đóng bao, dán nhãn mác…).

“Dây chuyền công nghệ cho phép sản xuất tới 1,5 tấn bánh/ngày. Vì là dây chuyền khép kín nên chỉ một công đoạn bị ách tắc thì buộc cả hệ thống phải dừng nên việc khởi động lại rất vất vả. Điều này buộc chúng tôi phải hoàn thiện công nghệ” - anh Việt chia sẻ.

Từ khâu sơ chế đến xay bột, tráng, hấp, sấy khô, cắt, đóng gói, hút chân không, đóng bao đều do máy móc đảm nhận. Gạo được vo sạch trong nồi vo, được bơm hút lên bồn ngâm để tinh bột nở, giúp bánh ngon, dẻo, trong. Tiếp tục đưa qua hệ thống xay mịn cấp 1, cấp 2, bột gạo được hút, bơm lên hệ thống băng chuyền tráng bánh.

Bánh tráng xong được đưa qua hệ thống hấp, sấy khô, cắt, đóng gói. Ưu điểm của sấy calorifer là sấy khép kín bằng công nghệ khí nóng gián tiếp, giúp sản phẩm khô đều, thơm ngon, dẻo, sạch, không có tạp chất, bụi bẩn. Đến nay, nhóm của anh Việt đã đầu tư hơn 2 tỷ đồng nghiên cứu, hoàn chỉnh công nghệ sản xuất hiện đại.

Nâng chất lượng đặc sản truyền thống

Lâu nay, các cơ sở sản xuất bánh tráng tại Đại Lộc chủ yếu ứng dụng máy móc bán tự động ở giai đoạn tráng bánh và sấy bánh với công suất thiết kế vừa và nhỏ. Nhiều cơ sở sản xuất thủ công tận dụng ánh sáng mặt trời để phơi sấy bánh tráng.

Trước yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường, mô hình sản xuất với công nghệ hiện đại, sạch, đảm bảo các tiêu chuẩn xuất khẩu, an toàn với sức khỏe người tiêu dùng của anh Việt và cộng sự là hướng đi bền vững. Với công nghệ này, nhóm của anh Việt quyết tâm nâng chất lượng đặc sản truyền thống của quê xứ để mở rộng thị trường.

Các bạn trẻ cũng đã lập công ty chung với tên giao dịch thương mại là Công ty TNHH BADALOC Việt Nam với mục tiêu phát triển sản xuất, kinh doanh bài bản hơn. Ngoài bánh tráng, công ty còn có sản phẩm sợi mỳ khô.

Từ nay đến cuối năm, BADALOC Việt Nam sẽ nỗ lực nghiên cứu, nâng cao năng lực sản xuất, đẩy mạnh khâu cung ứng sản phẩm đến khách hàng thông qua khâu quảng bá, marketing, trưng bày sản phẩm tại các hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh.

“Chúng tôi đang nỗ lực tiếp cận các nguồn lực hỗ trợ của tỉnh, huyện để có thêm động lực hoàn thiện các công đoạn còn lại, đưa sản phẩm đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh” - anh Việt nói.

HOÀNG LIÊN