Hỗ trợ quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP

NHÃ PHƯƠNG 16/03/2023 08:13

Những năm qua, ngành liên quan và các địa phương trong tỉnh nỗ lực triển khai nhiều phần việc nhằm giúp các chủ thể sản phẩm OCOP quảng bá, kết nối đối tác, từng bước mở rộng thị trường tiêu thụ nhưng công tác này bao năm qua vẫn còn gặp khó.

Ngành liên quan và chính quyền các địa phương thường xuyên quan tâm hỗ trợ những chủ thể sản phẩm OCOP kết nối đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ. Ảnh: N.P
Ngành liên quan và chính quyền các địa phương thường xuyên quan tâm hỗ trợ những chủ thể sản phẩm OCOP kết nối đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ. Ảnh: N.P

Nỗ lực quảng bá

Bà Nguyễn Thị Lệ Hằng - đại diện cơ sở sản xuất Hằng Moon (xã Quế Thọ, Hiệp Đức) cho biết, hiện nay đơn vị cung ứng ra thị trường 12 dòng sản phẩm các loại. Trong đó, có 2 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh là bột ngũ cốc dinh dưỡng đặc biệt và trà thảo mộc. Những năm qua, nhờ sự hỗ trợ từ nhiều phía, bà Hằng có điều kiện tham gia nhiều hội chợ, triển lãm, ngày hội khởi nghiệp sáng tạo ở trong và ngoài tỉnh.

“Nhờ đẩy mạnh hoạt động quảng bá, thị trường tiêu thụ sản phẩm ngày càng mở rộng nên năm 2022 tổng doanh thu của đơn vị đạt 400 triệu đồng, tăng 30% so với năm 2020” - bà Hằng chia sẻ.

Thời gian qua trang thông tin sản phẩm Quảng Nam tại địa chỉ https://sanpham.quangnam.gov.vn đã cập nhật 585 sản phẩm các loại của 122 cơ sở và doanh nghiệp, trong đó chủ yếu là sản phẩm OCOP, sản phẩm tiêu biểu. Sở Công Thương cũng hỗ trợ 5 doanh nghiệp, cơ sở xây dựng website giới thiệu quảng bá sản phẩm. Đặc biệt, nhờ sự tiếp sức của các ngành liên quan, toàn tỉnh có hàng trăm sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc trưng tham gia các sàn thương mại điện tử như postmart.vn, voso.vn...

Mới đây, tại cuộc làm việc với Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh về tình hình triển khai Nghị quyết số 07 (ngày 13/1/2021) của HĐND tỉnh quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện chương trình OCOP trên địa bàn Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2025, ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT thông tin: Từ năm 2018 - 2022, toàn tỉnh có 333 sản phẩm của 260 chủ thể được công nhận đạt chuẩn OCOP, gồm 275 sản phẩm 3 sao và 58 sản phẩm 4 sao.

Riêng trong 2 năm 2021 - 2022, UBND tỉnh bố trí 22,2 tỷ đồng hỗ trợ thực hiện chương trình OCOP theo Nghị quyết số 07 và kết quả là có 146 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn 3 - 4 sao.

Ông Hường Văn Minh - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho hay, sau khi đại dịch COVID-19 được khống chế, năm 2022 hoạt động xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP có bước chuyển tích cực.

Ngoài việc tổ chức những hội chợ, hội nghị kết nối cung cầu và tổ chức nhiều đoàn doanh nghiệp tham gia các sự kiện tại những thành phố lớn thì lần đầu tiên Sở Công Thương đề xuất UBND tỉnh tổ chức ngày hội sản phẩm Quảng Nam tại TP.Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.

Hàng hóa trưng bày, quảng bá tại ngày hội khá phong phú, đa dạng về chủng loại, mẫu mã và chất lượng đảm bảo. Thông qua ngày hội, các đơn vị, doanh nghiệp của tỉnh đã ký kết nhiều biên bản ghi nhớ, hợp đồng kinh tế trong mua bán, làm nhà phân phối sản phẩm.

Chờ điểm trưng bày

Theo Quyết định số 524 (ngày 26/2/2021) của UBND tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025 Quảng Nam quy hoạch xây dựng 1 trung tâm OCOP cấp vùng tại Hội An, 2 trung tâm OCOP cấp tỉnh tại Tam Kỳ và Hội An, 10 trung tâm OCOP cấp huyện, 45 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Ngày 21/7/2021, UBND tỉnh có Quyết định số 2030 bổ sung quy hoạch 1 trung tâm OCOP cấp tỉnh tại Quế Sơn.

Theo ông Hường Văn Minh, Trung tâm Công nghệ sinh học thuộc Liên minh HTX Việt Nam đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh xây dựng trung tâm OCOP cấp vùng tại khu vực giữa cầu Đế Võng và cầu Phước Trạch (khối phố Thanh Tây, phường Cẩm Châu, Hội An) với diện tích 35ha.

Tuy nhiên, theo ý kiến của lãnh đạo UBND TP.Hội An, khu vực trên được quy hoạch là nơi dự trữ sinh thái, bảo tồn các loại chim cò nên không thống nhất. Đến nay vẫn chưa có vị trí xây dựng trung tâm OCOP cấp vùng.

Trong khi đó, trung tâm OCOP cấp tỉnh dự kiến xây dựng tại Tam Kỳ, Hội An, Quế Sơn thì đến nay vẫn chưa triển khai xây dựng. Còn đối với 10 trung tâm OCOP cấp huyện, thời gian qua mới chỉ có Thăng Bình được UBND tỉnh thống nhất phê duyệt phương án hoạt động của Trung tâm OCOP Thăng Bình tại số 91 đường Tiểu La (thị trấn Hà Lam); các địa phương khác đã và đang triển khai. Trong số 45 điểm bán hàng OCOP dự kiến xây dựng giai đoạn 2021 - 2025 thì đến nay mới xây dựng và đưa vào hoạt động một số điểm tại Tiên Phước, Quế Sơn, Tam Kỳ...

Theo ông Minh và một số ý kiến khác, việc khó xây dựng trung tâm OCOP cấp huyện và cấp tỉnh trong thời gian qua vẫn là chuyện thuê đất nên chưa thu hút được các đối tác đầu tư vào lĩnh vực này.

NHÃ PHƯƠNG