"Thông tin minh bạch - Tiêu dùng an toàn"

VĨNH LỘC 16/03/2023 08:08

Với chủ đề “Thông tin minh bạch - Tiêu dùng an toàn”, Ngày quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm nay (15/3) hướng đến mục tiêu xây dựng môi trường kinh doanh, tiêu dùng lành mạnh cho người dân và doanh nghiệp.

Ngày quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm nay hướng đến mục tiêu xây dựng môi trường kinh doanh, tiêu dùng lành mạnh. Ảnh: L.V
Ngày quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm nay hướng đến mục tiêu xây dựng môi trường kinh doanh, tiêu dùng lành mạnh. Ảnh: L.V

Khó với kinh doanh online

Chị Nguyễn Thu Phương (phường Điện An, Điện Bàn) “dạo” trên mạng đặt mua chiếc túi xách da màu đen với giá 350 nghìn đồng. Ngày giao hàng chị nhận được một chiếc túi xách đúng màu và nhãn hiệu nhưng khi mở ra xem bên trong, một vài đoạn vách ngăn bị nhíu chỉ. “Túi xách họ giới thiệu trên mạng nhìn rất đẹp nhưng không ngờ sản phẩm mình nhận không đúng như quảng cáo” - chị Phương nói.

Ngày quyền của người tiêu dùng Việt Nam (15/3) là sự kiện thường niên do Bộ Công Thương làm đầu mối. Từ năm 2016 đến nay, Bộ Công Thương đều lựa chọn một chủ đề cụ thể trong ngày này để các cơ quan, tổ chức tập trung thực hiện với hình thức đa dạng, nội dung phong phú nhằm kết nối và lan tỏa hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên cả nước.

Những năm gần đây hoạt động kinh doanh trên mạng phát triển, việc đặt hàng, mua bán online phổ biến, nhất là với những người trẻ tuổi. Song song đó cũng xuất hiện không ít hình thức kinh doanh gian dối, thiếu minh bạch với khách hàng.

Thực tế cho thấy, bên cạnh một số mặt hàng người tiêu dùng có thể kiểm tra trước khi nhận, không ít trường hợp khách hàng bị đặt vào tình thế bắt buộc không được mở hộp hàng.

Riêng với trường hợp chị Phương, sau nửa tháng gửi đổi, chiếc túi xách thứ hai chất lượng cũng không hơn chiếc thứ nhất đành miễn cưỡng nhận vì không muốn mất thời gian...

 Rõ ràng minh bạch trong kinh doanh dù được xem là yếu tố tiên quyết nhưng không phải doanh nghiệp, người bán hàng nào cũng tuân thủ, đặc biệt là hình thức kinh doanh trực tuyến. Trong nhiều trường hợp, việc xử lý thông tin phản ánh của khách về các hành vi gian lận thương mại hầu hết gặp khó khăn.

Ông Lương Viết Tịnh - Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý thị trường tỉnh thừa nhận, khó có thể quản lý kinh doanh online do hoạt động này khá phức tạp, vì phần lớn người bán không có địa chỉ cụ thể.

“Chỉ cần một nick facebook hay zalo là người ta có thể giao dịch bán hàng. Chưa kể, đa số trường hợp người mua và người bán không biết nhau nên khi có phát sinh về hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, người bán xóa nick thì người tiêu dùng chỉ có chịu thiệt. Trong khi muốn xử lý vấn đề này đòi hỏi sự vào cuộc của nhiều cấp ngành, một mình Cục Quản lý thị trưởng khó có thể làm gì được” - ông Tịnh phân tích.

Đẩy mạnh tuyên truyền

Ngày quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm nay được Bộ Công Thương chọn phát động có chủ đề “Thông tin minh bạch - Tiêu dùng an toàn”. Mục đích nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng của thông tin đối với sự an toàn của người tiêu dùng trong quá trình lựa chọn, thanh toán, sử dụng hàng hóa, dịch vụ, đặc biệt trong bối cảnh ngày càng có nhiều hành vi lừa đảo, xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch trên môi trường trực tuyến.

 

Có thể khẳng định, để được bảo vệ, đầu tiên người tiêu dùng phải ý thức được quyền lợi của mình. Tuy nhiên, thực tế thời gian qua Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh cũng như Sở Công Thương không nhận được bất kỳ phản ánh nào của người tiêu dùng về việc quyền lợi của mình bị xâm phạm.

Theo bà Đỗ Thị Hiền - Trưởng phòng Quản lý Thương mại (Sở Công Thương), để đảm bảo thông tin minh bạch, tiêu dùng an toàn, cần tăng cường các hoạt động giám sát, kiểm tra thị trường, đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến nội dung liên quan.

Đồng thời, việc tiếp nhận, giải quyết các khiếu nại, yêu cầu của người tiêu dùng sẽ đóng vai trò quan trọng nhằm kiên quyết xử lý các hành vi xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.

Dự kiến thời gian tới, bên cạnh phối hợp với các sở ngành liên quan, sở cũng sẽ tăng cường triển khai các hoạt tuyên truyền xuống từng địa phương, đến người tiêu dùng, kể cả tư vấn hỗ trợ, giải đáp cho người dân về Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, giúp người dân trở thành người tiêu dùng thông minh.

Đặc biệt, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra (nhất là kinh doanh trên môi trường mạng), hướng dẫn nhận biết hàng thật, hàng giả cho người tiêu dùng, giải đáp kịp thời, chính xác các thắc mắc, hỏi đáp về quyền của người tiêu dùng. Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân, doanh nghiệp, xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, an toàn và phù hợp.

VĨNH LỘC