Gian nan phủ điện ở vùng cao

VIỆT NGUYỄN 07/03/2023 06:44

Công trình đường dây và trạm biến áp 110kV dùng chung đấu nối cụm thủy điện huyện Nam Trà My vào hệ thống điện quốc gia vừa được khánh thành, đi vào hoạt động là nỗ lực lớn của các chủ đầu tư, chính quyền huyện Nam Trà My.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu tham quan nhà vận hành công trình đường dây và trạm biến áp 110kV dùng chung đấu nối cụm thủy điện huyện Nam Trà My vào hệ thống điện quốc gia. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu tham quan nhà vận hành công trình đường dây và trạm biến áp 110kV dùng chung đấu nối cụm thủy điện huyện Nam Trà My vào hệ thống điện quốc gia. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Gian truân kéo điện

Dự án đường dây và trạm biến áp 110kV trải dài hơn 44km đường núi hiểm trở qua huyện Bắc Trà My và Nam Trà My. Hơn ai hết, 10 cán bộ, nhân viên trong ban quản lý dự án nhận thấy rõ hiểm trở, gập ghềnh của những cung đường đồi núi. Một bên là vách đá dựng đứng, một bên là bờ vực chênh vênh với nhiều đoạn đường rất hẹp hay “ổ voi, ổ gà” chằng chịt, đá lởm chởm, dốc dựng đứng trơn trượt.

Ông Trần Đức Long - Tổng Giám đốc Công ty CP Tư vấn và phát triển điện Cửu Long - chủ đầu tư chính của dự án cho biết, khó có thể hình dung hết những nhọc nhằn trong cuộc “kéo điện ở vùng cao” từ điểm đầu xã Trà Don (Nam Trà My) đến điểm cuối tại Trạm biến áp 220kV Sông Tranh 2, huyện Bắc Trà My.

Tổng mức đầu tư của công trình đường dây và trạm biến áp 110kV dùng chung đấu nối cụm thủy điện Nam Trà My vào hệ thống điện quốc gia là 360 tỷ đồng. Đường dây 110kV có tổng chiều dài 44,28km; 113 vị trí trụ. Huyện Nam Trà My có 25,029km đường dây (64 trụ), Bắc Trà My có 19,167km đường dây (49 trụ). Trạm biến áp 110kV gồm 2 trạm cắt 110kV, 1 trạm biến áp 110/22kV-25MVA.

Ở huyện Nam Trà My có 1 trạm cắt 110kV Trà Don (đấu nối 6 dự án Tăk Lê, Đăk Di 1&2, Trà Linh 1&2 và Nước Biêu); 1 trạm biến áp 110/22kV Nam Trà My (đấu nối 3 dự án Nước Lah 1&2, Nước Bươu) thuộc xã Trà Mai. Trên địa bàn huyện Bắc Trà My có 1 trạm cắt 110kV Trà My (đấu nối 2 dự án Trà Leng 1&2) thuộc xã Trà Giác.

Để giải phóng mặt bằng, ban quản lý dự án đã cử cán bộ đến từng hộ dân vận động, tuyên truyền, giải thích, tổ chức kiểm đếm và áp giá bồi thường thỏa đáng, đảm bảo quyền lợi của người dân.

Khi triển khai thi công gặp vô vàn khó khăn do thời tiết vùng núi cao sáng nắng chiều mưa, địa hình phức tạp, phải thay đổi hướng tuyến để đảm bảo kỹ thuật và tránh ảnh hưởng đến rừng tự nhiên. Nguồn tiền doanh nghiệp gặp khó khăn do tình hình dịch bệnh COVID-19, nguồn vốn vay của ngân hàng cũng gian nan ảnh hưởng đến giải ngân thanh toán cho nhập hàng, thiết bị...

“Dịch bệnh, giá cả leo thang, thiếu thốn vật liệu xây dựng và nhiều khó khăn khác đều được đội ngũ vượt qua để hoàn thành dự án hôm nay. Mong các nhà đầu tư thu xếp để góp đủ vốn qua đó đảm bảo thông suốt trong vận hành điện” - ông Long nói.

Thúc đẩy phát triển

Ông Trần Duy Dũng - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết, địa phương ở vùng cao nên kinh tế - xã hội còn điểm nghẽn, tỷ lệ hộ nghèo cao, đời sống vật chất, tinh thần của người dân còn thấp.

Hiện tại, tỷ lệ hộ sử dụng điện lưới quốc gia là 69,8%, tuy nhiên đường dây 35kV được kéo từ năm 2003 khi mới tái lập huyện không đảm bảo nên thường xuyên gặp sự cố mất điện, nhất là vào mùa mưa, trời dông lốc, sét gây nên rất nhiều trở ngại trong sản xuất, sinh hoạt của người dân, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

 

Để từng bước giải “bài toán” mất điện, huyện Nam Trà My trải thảm mời các nhà đầu tư thủy điện vừa và nhỏ để không ảnh hưởng đến môi trường sinh thái và mang lại nguồn thu.

UBND huyện đã phối hợp với các sở, ngành của tỉnh rà soát đưa vào quy hoạch và thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư 11 dự án thủy điện trên địa bàn với tổng công suất 201,9MW, cùng dự án đường dây và trạm biến áp 110kV dùng chung đấu nối cụm thủy điện Nam Trà My vào hệ thống điện quốc gia.

Rất vui mừng ở thời điểm hiện tại có 4/11 dự án đã phát điện. Riêng công trình đường dây và trạm biến áp 110kV cấp điện vào hệ thống điện lưới quốc gia đã giải quyết được cơ bản thực trạng mất điện thường xuyên.

“Công trình đưa vào sử dụng đã thể hiện được giá trị, tầm quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Nam Trà My; thể hiện hướng đi đúng đắn của huyện trong tận dụng tiềm năng sẵn có để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống” - ông Dũng nói.

Điện từ công trình đường dây và trạm biến áp 110kV mở ra nhiều kỳ vọng cho người dân các xã vùng cao huyện Nam Trà My. Chị Hồ Thị Mỹ (thôn 2, xã Trà Don) cho biết, thời gian qua, điện mất liên tục, khi có lại chập chờn nên các thiết bị, máy móc hư hỏng rất nhanh.

Nay khắc phục được các sự cố về điện, sẽ đầu tư lại máy xay xát để chủ động dự trữ lương thực và nuôi thêm gia súc, gia cầm tăng thu nhập; trang bị ti vi để cập nhật thông tin, giải trí.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cho rằng, kiện toàn về điện ở huyện miền núi Nam Trà My sẽ giải phóng sức lao động cho người dân, khai sáng nhiều giá trị văn hóa, xã hội, đảm bảo an sinh, quốc phòng, an ninh. Kiện toàn về điện là cú hích cho huyện trong xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, từng bước thay da đổi thịt vùng cao, tăng thu nhập, nâng cao các giá trị cuộc sống của người dân.

VIỆT NGUYỄN