Trầm lắng thị trường tiêu dùng
Sau tết, hoạt động kinh doanh buôn bán thường trầm lắng, tuy nhiên năm nay bức tranh càng kém sáng sủa hơn khi doanh số bán lẻ tại các chợ, siêu thị khá thấp.
Sức mua thấp
Kết toán tháng 2, doanh số bán lẻ của Siêu thị Pikamart (phường Vĩnh Điện, Điện Bàn) sụt giảm khoảng 40% so với cùng kỳ. Dù đã dự lường từ trước bởi khoảng thời gian sau Tết Nguyên đán hoạt động kinh doanh thường trầm lắng, nhưng sụt giảm 40% là kết quả khá ảm đạm.
Theo ông Nguyễn Hoàng Vỹ - Giám đốc Siêu thị Pikamart, nguyên nhân chính do nguồn tiền trong dân eo hẹp, chưa kể hiện nay một bộ phận công nhân vẫn thất nghiệp hoặc ít việc làm nên thắt chặt chi tiêu. Trong khi phần khách hàng của Pikamart là người lao động, công nhân làm việc tại Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc và các cụm công nghiệp trên địa bàn.
Khảo sát sơ bộ hệ thống chợ truyền thống và siêu thị bán lẻ trên địa bàn tỉnh những ngày qua nhận thấy sức mua tương đối yếu, kể cả với các mặt hàng thực phẩm thiết yếu.
Bà Nguyễn Thị Xuân - tiểu thương bán thịt heo chợ Nam Phước (Duy Xuyên) cho biết, nếu trước đây bình quân mỗi ngày bán khoảng 40kg thịt thì nay chưa đến 20kg. Không chỉ thực phẩm, các mặt hàng khác tiêu thụ cũng khá ế ẩm, nhất là trang phục, giày dép.
Theo bà Trần Thị Như Lai - Giám đốc Co.opMart Tam Kỳ, bên cạnh nguyên nhân thời tiết bất lợi, mưa nhiều thì thời điểm ra tết hàng hóa trong dân còn tồn cũng ảnh hưởng đến khả năng mua sắm.
Tại Co.opMart Tam Kỳ, sức mua thấp hơn năm ngoái khá nhiều, sản phẩm tiêu thụ chủ yếu tập trung vào hàng tiêu dùng (xà phòng, bột giặt, sữa, đường, dầu, mắm…); các sản phẩm vật dụng, áo quần… hầu như bán rất ít.
Chờ thị trường phục hồi
Từ cuối năm 2022 nhiều công ty, nhà máy sản xuất đã phải tạm đóng cửa cho công nhân nghỉ việc vì thiếu đơn hàng. Dù hiện tại tình hình sản xuất tạm ổn định nhưng nhìn tổng thể vẫn khá khó khăn, thu nhập của người lao động bị ảnh hưởng khiến khả năng chi tiêu giảm sút.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 2 dù tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước (đạt gần 5,1 nghìn tỷ đồng) nhưng vẫn giảm 8,9% so với tháng 1/2023, riêng doanh thu bán lẻ hàng hóa giảm 11,3%.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 3 nhóm hàng gồm văn hóa, giải trí và du lịch, đồ uống và thuốc lá; may mặc, mũ nón, giày dép, đều giảm. Không phủ nhận, bên cạnh sự tác động của bức tranh kinh tế đến khả năng chi tiêu của người dân thì sự cạnh tranh của thương mại điện tử, bán hàng online cũng khiến doanh số bán hàng theo phương thức truyền thống sụt giảm. Trong đó, bán hàng online đến nay hầu như nằm ngoài sự kiểm soát của các công cụ thống kê, mặc dù tỷ lệ tăng trưởng luôn khá cao.
Trước tình hình trầm lắng của thị trường, bên cạnh một vài doanh nghiệp kiên trì chờ phục hồi thì nhiều cơ sở, doanh nghiêp, siêu thị cũng bắt đầu triển khai các chương trình khuyến mãi, giảm giá, thúc đẩy tiêu dùng, tuy vậy hiệu quả hầu như chưa cao.
Tại Co.opMart Tam Kỳ, từ ngày 23/2 - 8/3 bắt đầu tung ra hàng loạt chương trình khuyến mãi hấp dẫn như tích tem đổi quà, miễn phí tiền vận chuyển trong bán kính 6km, giảm giá bán sản phẩm, thậm chí lên đến 40%... nhằm kích thích tiêu dùng, nhưng lượng khách vẫn chưa như kỳ vọng, chủ yếu đông dịp cuối tuần, ngày thường khá vắng.