Sẽ tăng giá điện bán lẻ
Khung giá bán lẻ điện bình quân đã được Chính phủ điều chỉnh tăng. Nhiều doanh nghiệp và người dân lo lắng khi giá bán lẻ điện sẽ tăng trong thời gian đến.
Tăng mức sàn và trần
Theo Quyết định 02/2023 do Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái ký, khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân (chưa bao gồm thuế VAT) được quy định cụ thể gồm mức giá bán lẻ điện bình quân tối thiểu là 1.826,22 đồng/kWh, tối đa là 2.444,09 đồng/kWh.
Quyết định này được ban hành và có hiệu lực từ ngày 3/2, thay thế cho quyết định 34/2017 của Thủ tướng Chính phủ cho giai đoạn 2016 - 2020 (với mức tối thiểu là 1.606,19 đồng/kWh và tối đa là 1.906,42 đồng/kWh). Như vậy, so với khung giá cũ, khung giá bán lẻ tối thiểu mới tăng 220 đồng/kWh, khung giá bán lẻ tối đa tăng 538 đồng/kWh.
Ngành chức năng khuyến cáo, để ứng phó khi giá điện bán lẻ tăng lên, ngay từ bây giờ, người dân, doanh nghiệp cần chú trọng quản lý, kiểm soát chặt các hoạt động đầu tư liên quan đến sử dụng điện; cần tiết giảm đến mức thấp nhất trong sử dụng điện và chú ý sử dụng thêm những nguồn điện mặt trời, các loại năng lượng khác.
Khung giá bán lẻ điện bình quân là mức sàn và trần để Chính phủ quy định giá bán lẻ điện bình quân. Khung giá này cùng với kết quả kiểm tra chi phí sản xuất, kinh doanh (SX-KD) điện năm 2022 sẽ là cơ sở để Bộ Công Thương ra quyết định về giá bán lẻ điện bình quân năm 2023.
Theo Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), sửa đổi khung giá bán lẻ điện bình quân là cần thiết, phù hợp với bối cảnh hiện tại, phản ánh sự biến động của các thông số đầu vào tới chi phí SX-KD điện.
Cụ thể hơn, khủng hoảng năng lượng tại nhiều quốc gia, áp lực của lạm phát, gia tăng chi phí SX-KD trên toàn cầu đã tác động lớn đến việc tăng giá năng lượng tại nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Như giá than nhập khẩu cung cấp cho các nhà máy điện bắt đầu tăng từ cuối năm 2021 vẫn duy trì đến nay.
Khung giá bán lẻ điện bình quân đã được điều chỉnh tăng thì tất nhiên giá bán lẻ điện sẽ tăng trong thời gian đến. Theo Bộ Công Thương, trong 4 năm qua, giá điện bán lẻ được Chính phủ, bộ, ngành và Tập đoàn Điện lực Việt Nam nỗ lực giữ nguyên nhằm giảm áp lực cho người dân, doanh nghiệp do dịch COVID-19 và khó khăn của nền kinh tế.
Nhiều ý kiến cho rằng, tăng giá điện bao nhiêu, thời gian thế nào cần phải được tính toán một cách rất cẩn trọng để không gây nên xáo trộn trong mặt bằng giá cả của nền kinh tế, đảm bảo nhu cầu cho sản xuất, kinh doanh cũng như ổn định an sinh xã hội.
Mong tăng ở mức thấp
Ngay khi thông tin khung giá điện bán lẻ được điều chỉnh tăng, nhiều doanh nghiệp SX-KD trên địa bàn tỉnh bày tỏ lo lắng.
Ông Nguyễn Quang Hiệu - Chủ tịch công đoàn Công ty CP may Hòa Thọ ở huyện Thăng Bình cho rằng, SX-KD trong năm 2022 gặp nhiều khó khăn, giá nguyên liệu tăng cao, chi phí xăng dầu cũng tăng trong khi đó sức mua trên thị trường không tăng lên vì thu nhập của người dân giảm khiến phải thắt lưng buộc bụng. Từ đầu năm nay nhập khẩu nguyên liệu dễ hơn một chút tuy nhiên sức mua trên thị trường vẫn chưa như kỳ vọng.
“Tăng giá điện sẽ khiến cho chi phí SX-KD của chúng tôi tăng lên dẫn đến lợi nhuận giảm. Càng lo hơn một khi sức mua đã giảm mà giá cả hàng hóa tăng thì SX-KD của doanh nghiệp khó tăng quy mô. Mong giá điện bán lẻ tăng ở mức thấp nhất” - ông Hiệu nói.
Có thực tế trên địa bàn tỉnh là các hộ nuôi tôm phải tự đầu tư trạm biến áp điện phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất.
Ông Ngô Quảng Hòa (thôn Hòa Bình, xã Tam Hòa, Núi Thành) - hộ nuôi tôm thẻ chân trắng trên diện tích 3ha cho biết, tiền điện hiện tại đã lên đến hàng trăm triệu đồng mỗi tháng. Nếu giá điện bán lẻ tăng lên trong thời gian đến sẽ gặp nhiều áp lực.
“Chúng tôi sử dụng máy sục khí tầng mặt, tầng đáy với mật độ nhiều để phục vụ nuôi tôm công nghệ cao. Mọi công đoạn nuôi tôm của chúng tôi đều cơ giới hóa từ hút nước, xử lý nước, cho tôm ăn đến xử lý nước thải… nên tiền điện tốn rất nhiều. Mong Nhà nước cân nhắc không tăng tiền điện ở mức cao” - ông Hòa nói.
Việc điều chỉnh giá điện, cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân hiện nay được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, nếu thông số đầu vào thay đổi làm giá bán lẻ điện bình quân tăng thì giá điện được phép điều chỉnh tăng; ngược lại nếu giảm thì giá điện được điều chỉnh giảm.
Theo ông Đặng Bá Dự - Giám đốc Sở Công Thương, việc điều chỉnh giá điện sẽ được ngành chức năng tính toán, đánh giá, cân nhắc đầy đủ tác động đến lạm phát, đời sống người dân và điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ. Trong bối cảnh hiện tại, mức điều chỉnh và thời điểm điều chỉnh giá điện sẽ được quyết định trong khung giá của mức bán lẻ điện bình quân với dự báo sẽ tăng lên trong thời gian tới.