Làng nghề nhộn nhịp sản xuất dịp cận tết

LÊ QUÂN 15/01/2023 06:14

Từ các làng nghề bánh tết đến sản phẩm gia dụng truyền thống, trên khắp các vùng xứ Quảng, đâu đâu cũng một không khí tất bật của mùa... lao động thời vụ.

Các cơ sở tất bật sản xuất hàng phục vụ thị trường Tết. Ảnh: X.H
Các cơ sở tất bật sản xuất hàng phục vụ thị trường Tết. Ảnh: X.H

Thơm lừng bánh mứt

Làng nghề bánh in An Lạc (Duy Thành, Duy Xuyên), những ngày này có thêm nhiều người trẻ cùng tham gia các công đoạn sản xuất.

Ông Huỳnh Tấn Ánh (chủ một cơ sở làm bánh trong làng) cho biết, ngay đầu tháng Chạp, ông phải gọi thêm 2 người nữa ở làng khác cùng qua phụ. Còn tại cơ sở bánh Thanh Vân của gia đình ông Nguyễn Mật, thì “cả gia đình huy động hết nhân lực để kịp làm cho xong hàng chục đơn hàng từ Đà Nẵng, Tam Kỳ, Nam Phước gọi vào”.

Ông Mật còn cho biết, ngoài người nhà, ông còn gọi thêm hàng chục lao động nữa để tranh thủ làm cả ngày cả đêm, đến chừng 25 tháng Chạp là kết hàng bỏ sỉ để chuyển qua làm lai rai cho phụ nữ trong làng bán các chợ gần nhà.

Dọc theo lưu vực Thu Bồn, nơi hình thành và gần như giữ gìn nguyên vẹn các nghề truyền thống, phong tục cổ truyền, tết còn đó những phong vị từ bánh mứt quê xưa. Ở làng Tân Phong (Duy Châu, Duy Xuyên), bắt đầu từ rằm tháng Chạp, sau khi đồng ruộng đã được xuống giống, những chiếc “dí” - là các vòng nan tre được quây lại thành các lò nướng bánh lại được bày biện ở nhiều gia đình. Đó là cách để người dân ở đây bắt đầu hành nghề bánh nổ.

Ông Đỗ Văn Tuấn (một người dân trong làng) nói, làm bánh nổ không khó, nhưng ngay từ khâu lựa chọn nguyên liệu, phải làm sao để nếp không lẫn gạo, gừng tươi và thơm, rồi đến nướng bánh, phải làm sao để chiếc bánh giòn, hạt nổ vàng óng nhưng không bị cháy... Làng Tân Phong mỗi giáp tết có từ 20 hộ trở lên cùng làm bánh nổ và các loại bánh cổ truyền để đưa ra thị trường tết.

Tết đến với những ngôi làng dọc theo dòng sông mẹ Thu Bồn, bắt đầu từ mùi hương bánh mứt cổ truyền được làm nên từ chính nguyên liệu của đất và người xứ sở này. Và nguồn lao động “thời vụ” cũng là những con người quê chân chất, mộc mạc... 

Tăng gia sản xuất hàng OCOP

Gần như được bảo chứng từ mã code OCOP - mỗi xã một sản phẩm, mùa tết năm nay chứng kiến sự lên ngôi của các dòng sản phẩm được định vị là đặc sản chất lượng cao của Quảng Nam.

Giỏ quà tết là sản phẩm OCOP đang được nhiều người lựa chọn. Ảnh: X.H
Giỏ quà tết là sản phẩm OCOP đang được nhiều người lựa chọn. Ảnh: X.H

Ông Phan Đình Tuấn - chủ thương hiệu bánh dừa nướng Bảo Linh (sản phẩm đạt OCOP 4 sao của Quảng Nam) cho biết, năm nay ngoài lượng nhân công cố định, cơ sở sản xuất của ông phải kêu thêm lao động thời vụ mới kịp hàng cho các đại lý trên cả nước. Hiện tại, gần 50 nhân công luân phiên ngày đêm sản xuất để kịp những chuyến hàng tết.

Tại HTX Nông nghiệp Hoàng Hải Tam Quang (xã Tam Quang, Núi Thành), từ đầu quý IV/2022 đã hoạt động hết công suất để đáp ứng thị trường tết và nhu cầu của các đối tác.

Ông Nguyễn Thanh Vũ - Giám đốc HTX cho biết, đơn vị đang tốc lực sản xuất các hộp trà nấm linh chi cho thị trường tết, dự kiến trong dịp này sản phẩm bán ra lên đến 13 nghìn hộp.

Các sản phẩm OCOP như nấm linh chi nguyên tai, trà nấm linh chi của HTX đang tăng doanh số vì được người tiêu dùng chọn làm thức uống ngày tết để bồi bổ sức khỏe, phù hợp hỗ trợ tiêu hóa. Để đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu thụ, HTX đã huy động thêm nhiều người để tham gia các công đoạn sản phẩm và làm dịch vụ thị trường...

Ông Lê Hồng Thái (chủ nhân của Trung tâm Trưng bày, phân phối sản phẩm OCOP Quảng Nam và Trung tâm Trưng bày, phân phối sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu Quảng Nam) cho biết, những ngày này trung tâm tất bật để chuẩn bị các giỏ quà tết là sản phẩm OCOP cho các cơ quan, đơn vị.

“Nếu các sản phẩm OCOP, khởi nghiệp quảng bá đơn lẻ thì khó bán hàng hơn, sức cạnh tranh cũng yếu và việc tìm kiếm khách hàng cũng khó khăn. Đó chính là lý do chúng tôi liên kết với các chủ thể, đơn vị sản xuất tạo nên các giỏ quà đa dạng” - ông Lê Hồng Thái nói.

LÊ QUÂN