Tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát thường xuyên tại các kho bãi, các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối… dịp cận Tết Nguyên đán được đặt ra để đảm bảo an toàn cho sức khỏe người dân...
Vẫn còn tình trạng thực phẩm không rõ nguồn gốc, quá hạn có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp dịp cuối năm và cận Tết Nguyên đán. Vì vậy, các lực lượng chức năng đã đẩy mạnh thực hiện các giải pháp nhằm kiểm tra, kiểm soát thị trường, ngăn chặn từ xa các hành vi vi phạm pháp luật.
Ghi nhận ở chợ Tam Kỳ, có đến hơn 20 quầy hàng bày bán sản phẩm thịt khô, đa số không có nhãn mác và với giá bán rất đa dạng. Cụ thể, sản phẩm khô gà có nhiều loại, dao động 160 - 200 nghìn đồng/kg; sản phẩm bò khô thì nhiều loại hơn, giá 110 - 650 nghìn đồng/kg.
Một tiểu thương ở chợ Tam Kỳ cho biết, khô gà loại rẻ tiền ăn sẽ bở và nhạt vị hơn loại đắt tiền; còn bò khô thì rất nhiều loại, nhưng bò búp nguyên lát là tốt nhất vì thịt dai và ngọt. Tuy nhiên, khi được hỏi về nguồn gốc của những sản phẩm này, đa số tiểu thương không biết vì mua qua thương lái, ai bán rẻ hơn thì lấy hàng của người đó.
Dạo quanh một số chợ lớn, tuyến phố lớn trên địa bàn tỉnh, hiện nay, hàng hóa được bày bán đa dạng và phong phú, từ các mặt hàng tươi sống như: thịt, cá, rau củ quả đến những mặt hàng bánh, kẹo, nước ngọt, bia, rượu phục vụ dịp Tết Nguyên đán.
Bên cạnh nhiều loại hàng hóa quen thuộc của các thương hiệu lớn, nguồn gốc, hạn sử dụng rõ ràng, mẫu mã đẹp thì vẫn còn đó tình trạng hàng không đảm bảo chất lượng, hàng hóa quá hạn sử dụng, không có nhãn mác, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.
Tương tự, nhiều hộ kinh doanh tạp hóa hiện nay đang nhập các mặt hàng thực phẩm bán tết. Không thể kiểm soát đầu vào bởi đa số đều là đại lý cấp 3, hàng được vận chuyển đến tận nơi.
Chị L.T.T. - chủ tạp hóa ở phường Tân Thạnh, Tam Kỳ, cho biết, với các loại hạt, bánh mứt, thực phẩm dọn tết, lâu nay có một đầu mối lớn từ TP.Đà Nẵng cung cấp cho đa số các đại lý lớn của Tam Kỳ. Họ đảm bảo về nguồn gốc chất lượng, tuy nhiên, lại không có nhãn mác và đa số đều được vận chuyển với số lượng rất lớn.
Đại diện Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cho biết, tình trạng vi phạm an toàn thực phẩm (ATTP) có chiều hướng giảm nhưng vẫn còn nhiều cơ sở vi phạm, phổ biến nhất là các lỗi về nhãn thực phẩm, đối với các sản phẩm nhập khẩu thường không có nhãn phụ hoặc một số sản phẩm đã hết hạn sử dụng nhưng vẫn được cơ sở trưng bày tại cửa hàng, chưa có hình thức tiêu hủy; chưa có hồ sơ khám sức khỏe cho nhân viên hay tại một số cơ sở chưa được cấp giấy chứng nhận ATTP nhưng vẫn hoạt động…
Quảng Nam đang tổ chức các đoàn liên ngành đồng loạt kiểm tra ở cả 3 cấp tỉnh, huyện và xã, bắt đầu từ ngày 15/12/2022 đến hết ngày 12/3/2023. Các đoàn sẽ tập trung kiểm tra những cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố; các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết Quý Mão và lễ hội Xuân như thịt và các sản phẩm từ thịt, bia rượu, cồn và đồ uống có cồn, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, rau củ quả, phụ gia thực phẩm... tại các cơ sở dịch vụ ăn uống với mục đích kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm ATTP để người dân yên tâm vui xuân, đón tết.