Làng nghề hối hả vụ tết
Những ngày này, người dân tại các làng nghề trên địa bàn tỉnh hối hả sản xuất để cung ứng hàng hóa cho thị trường Tết Quý Mão 2023.
Nhộn nhịp...
Mặc dù giá rét, người dân các xã vùng Đông huyện Thăng Bình như Bình Triều, Bình Sa vẫn tất bật chăm sóc các loại rau quả cho vụ tết.
Bà Trang Thị Hiền (thôn Hưng Mỹ, xã Bình Triều) cho biết, các loại rau trồng ở đây được canh tác theo phương thức VietGAP, đảm bảo an toàn thực phẩm. Thời điểm này rau quả có giá cao hơn mọi khi, dự kiến sẽ tăng thêm vào các ngày áp tết. Đến nay, 5 sào rau quả của bà Hiền được tư thương đặt mua gần hết, ước tính thu được hơn 15 triệu đồng.
“Nghề này đòi hỏi cần cù, chịu khó, chúng tôi chăm bẵm cho các loại rau quả từ sáng sớm cho đến tối mịt. Vừa áp dụng kỹ thuật canh tác tốt vừa dựa vào kinh nghiệm làm nông nên có thể hạn chế được những bất lợi của thời tiết, hầu như rau quả không bị hư hại” - bà Hiền nói.
Nỗi lo của các hộ dân làm hương ở làng nghề Quán Hương (thị trấn Hà Lam, Thăng Bình) là mưa liên tục nhiều ngày, người dân không thể phơi hương ngoài trời, tuy nhiên nhiều hộ đã sử dụng thiết bị sấy nóng.
Ông Trần Hùng (ở làng nghề Quán Hương) cho biết, một lượng lớn hương đã được thương lái ở Quảng Ngãi, Đà Nẵng đặt mua từ cuối tháng 11 âm lịch. Để tăng lượng hương sản xuất cuối năm, ông Hùng đã trang bị máy móc thay cho thao tác thủ công truyền thống.
“Nhờ cải tiến mẫu mã, giảm nhân công, giảm chi phí sản xuất nên năm nay người làm hương có thu nhập cao hơn trước. Tôi dự kiến có thu nhập hơn 10 triệu đồng vụ tết này” - ông Hùng cho biết.
Còn ở làng nghề nước mắm truyền thống Tam Thanh (TP.Tam Kỳ), người dân cũng tất bật với các công đoạn chiết xuất mắm, đóng chai, dán bao bì, nhãn mác…
Ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch UBND xã Tam Thanh cho biết, làng nghề hiện có 50 cơ sở và 3 hợp tác xã sản xuất nước mắm. Dịp tết này, làng nghề cung ứng hơn 50 nghìn lít nước mắm ra thị trường. Đây là sản phẩm OCOP của địa phương.
“Nhờ xây dựng được thương hiệu nên nước mắm Tam Thanh được nhiều nơi đặt mua, rất ổn định đầu ra. Các hộ sản xuất, hợp tác xã mở rộng nhiều kênh bán hàng như chợ truyền thống, siêu thị, trung tâm thương mại, thương mại điện tử nên thị trường đa dạng” - ông Bình nói.
Tiếp sức cho làng nghề
Ông Nguyễn Thanh Bình cho hay, địa phương sẽ giúp các HTX, cơ sở sản xuất ở làng nghề quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu qua các hội chợ, liên doanh, liên kết với doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Chính quyền địa phương khuyến khích làng nghề tiếp tục xây dựng, tạo điểm nhấn cho nhãn hiệu hàng hóa cũng như hỗ trợ huy động vốn, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong các công đoạn chế biến nước mắm...
Theo ông Võ Văn Hùng - Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình, các làng nghề trên địa bàn thời gian qua đã tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người dân khu vực nông thôn. Sản phẩm của làng nghề ngày càng phong phú, từng bước đáp ứng nhu cầu của người dân trong và ngoài huyện, góp phần thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn.
Cùng với việc tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có, một số cơ sở đã mạnh dạn đầu tư máy móc, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nên năng suất tăng lên. Tuy vậy, quá trình phát triển làng nghề đối diện với nhiều thách thức. Đó là việc tiếp cận các chính sách còn khó khăn, nhất là vốn, công nghệ.
Nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển làng nghề còn ít, chưa đáp ứng nhu cầu. Lao động làng nghề chủ yếu chưa qua đào tạo, lao động có tay nghề cao còn thiếu, một số chương trình đào tạo nghề chưa có chiều sâu, chưa sát với thực tế. Công tác truyền nghề chưa đem lại kết quả như kỳ vọng.
Theo ông Hùng, để tạo cú hích cho phát triển làng nghề, UBND tỉnh cần đầu tư, cải tạo cơ sở hạ tầng như đường giao thông, vỉa hè, hệ thống thoát nước, điện chiếu sáng, bãi đỗ xe, điểm đón khách du lịch.
Đào tạo nghề, nâng cao tay nghề cho người lao động, nâng cao trình độ quản lý cho chủ cơ sở sản xuất ở làng nghề, khuyến khích các nghệ nhân tham gia truyền nghề, đào tạo nghề cần được quan tâm và hỗ trợ nhiều hơn.