Sản phẩm vùng cao xuống phố

VĨNH LỘC 29/12/2022 06:23

Lần đầu tiên, một sự kiện quảng bá sản phẩm miền núi của tỉnh được tổ chức tại TP.Hội An với sự tham dự của hàng chục gian hàng đến từ các huyện vùng cao, qua đó giới thiệu nông lâm sản đặc trưng của đồng bào các dân tộc thiểu số đến người tiêu dùng.

Nhiều sản phẩm miền núi được người tiêu dùng quan tâm. Ảnh: V.LỘC
Nhiều sản phẩm miền núi được người tiêu dùng quan tâm. Ảnh: V.LỘC

Kết nối khách hàng

Gian hàng của Tổ hợp tác (THT) thịt heo đen xã Tà Pơ (huyện Nam Giang) lúc nào cũng đông người đến xem. Trên 2 chiếc bàn lớn ghép lại, những bịch chuối rừng, sâm câu, khổ qua rừng, táo mèo, gạo nếp than… được bày biện ngăn nắp.

Bà ALăng Oanh - Tổ trưởng THT thịt heo đen xã Tà Pơ trong bộ đồ thổ cẩm Cơ Tu luôn miệng thuyết minh cho khách về nguồn gốc, chất lượng và công dụng của từng sản phẩm.

“Khách rất quan tâm đến một số mặt hàng như thịt heo đen xông khói, gạo nếp than… nên mình phải giới thiệu cho họ biết để yên tâm mua hàng” - bà ALăng Oanh nói.

Tham dự sự kiện lần này ngoài gian hàng của THT xã Tà Pơ, huyện Nam Giang còn có 2 gian hàng khác được bố trí gần kề với gần 100 loại sản vật địa phương như mật ong rừng, măng rừng, dệt thổ cẩm Zara cùng nhiều loại lâm sản, dược liệu khác.

Trước khi đưa hàng đến Hội An, bà ALăng Oanh và các chủ thể sản xuất tại huyện Nam Giang cũng đã tham dự các hội chợ trong và ngoài tỉnh như Tam Kỳ, Đông Giang, Kon Tum, hiệu quả mang lại khá tốt, nhiều đối tác, khách hàng đã được kết nối, tiêu thụ sản phẩm.

 

Diễn ra từ ngày 26 - 28/12, Tuần hàng quảng bá các sản phẩm miền núi tỉnh Quảng Nam năm 2022 thu hút hơn 60 gian hàng của hơn 30 doanh nghiệp, cơ sở làng nghề trong tỉnh tham gia.

Điểm nhấn của hội chợ lần này là 30 gian hàng đến từ các huyện Nam Giang, Đông Giang, Tây Giang, Phước Sơn, Hiệp Đức, Nam Trà My, Bắc Trà My… Phần lớn hàng hóa là sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu được chế biến, khai thác từ các loại nông lâm thủy sản, thực phẩm, dược liệu như tiêu, quế, gạo lứt đen, khổ qua rừng…

Ông Đỗ Như - cơ sở sản xuất kinh doanh Đỗ Ngọc Ánh Tuyết (thị trấn Khâm Đức, Phước Sơn) chia sẻ, ông đặt kỳ vọng khi tham gia hội chợ, nhất là cơ hội kết nối đối tác, khách hàng, bởi Hội An có rất nhiều khách du lịch. Dịp này, ông mang 30 sản phẩm gồm măng khô rừng, muối tiêu rừng, heo đen sấy khô, rượu nếp than… đến chào bán.

“Những ngày cuối năm công việc tại cơ sở rất bận rộn nhưng tôi vẫn muốn tranh thủ mang sản phẩm xuống Hội An giới thiệu, hy vọng sẽ kết nối được thêm đối tác để đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa trong năm tới” - ông Như nói.

Nâng cao giá trị sản phẩm

Theo ông Hường Văn Minh - Phó Giám đốc Sở Công Thương, Tuần hàng quảng bá các sản phẩm miền núi tỉnh Quảng Nam là sự kiện đầu tiên được tổ chức nhằm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đây còn là dịp để các huyện miền núi giới thiệu những tiềm năng, thế mạnh sản phẩm đến đối tác đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

 

“Chúng tôi kỳ vọng đây sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trao đổi kinh nghiệm, mở rộng quan hệ hợp tác, kết nối giao thương hàng hóa, kích cầu người dân mua sắm tiêu dùng.

Qua đó góp phần mang lại lợi ích thiết thực cho các doanh nghiệp, HTX, chủ thể OCOP, đặc biệt thu hút doanh nghiệp đầu tư vào miền núi để nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm địa phương” - ông Minh nói.

Có thể nhận thấy, các huyện miền núi Quảng Nam hầu hết địa hình hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn, việc canh tác chủ yếu dựa trên phương thức tự cung, tự cấp, hoạt động kinh doanh, buôn bán, vận chuyển, giao thương hàng hóa còn nhiều hạn chế.

Ông Hường Văn Minh nhìn nhận, chỉ cần giải quyết bài toán phân phối, cung ứng hàng hóa ra thị trường thông suốt, ổn định, giá trị sản phẩm vùng cao sẽ nâng lên rõ nét. Để làm được điều này, bên cạnh tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm, việc kết nối xây dựng các nhóm sản phẩm theo chuỗi giá trị cũng cần được các huyện miền núi tính đến.

Ngoài ra, các địa phương cũng cần xây dựng các quy hoạch, định hướng, đầu tư phát triển một số mặt hàng nông sản, sản phẩm đặc trưng của địa phương mình gắn với nhu cầu thị trường.

Đặc biệt, tăng cường bảo hộ sản phẩm, xác lập “chỉ dẫn địa lý” gắn với tìm kiếm, mở rộng các kênh tiêu thụ..., khi đó sản phẩm vùng cao sẽ được người tiêu dùng biết tới và có chỗ đứng trên thị trường. Đó cũng là mục đích Tuần hàng quảng bá các sản phẩm miền núi hướng đến.

VĨNH LỘC