Tiếp tục hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP
Trong giai đoạn 2018 - 2021, nhiều địa phương trong tỉnh đã hỗ trợ nguồn kinh phí đáng kể để các chủ thể phát triển sản phẩm OCOP; nguồn lực này đang tiếp tục được triển khai đến các địa phương để khắc phục hạn chế, nâng chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Tập trung hỗ trợ chủ thể
Ông Nguyễn Đức Chơi – Trưởng phòng Kinh tế Điện Bàn cho hay, từ năm 2018 – 2021, thị xã có 18 sản phẩm đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh, gồm 16 sản phẩm 3 sao và 2 sản phẩm 4 sao.
Với nguồn kinh phí do cấp trên phân bổ kết hợp lồng ghép những kênh vốn khác, trong giai đoạn này địa phương đã hỗ trợ gần 2,5 tỷ đồng cho các chủ thể sản phẩm OCOP để có điều kiện xây dựng, nâng cấp, sửa chữa cơ sở vật chất; lắp đặt các trang thiết bị, máy móc phục vụ sản xuất; thiết lập mẫu mã – bao bì sản phẩm; đăng ký thương hiệu - nhãn hiệu hàng hóa...
“Năm 2022, Điện Bàn có 7 tổ chức, hộ cá thể đăng ký tham gia phát triển mới 7 sản phẩm OCOP và địa phương đã chi hơn 600 triệu đồng hỗ trợ các chủ thể. Hiện nay, hồ sơ của 7 sản phẩm đã gửi về tỉnh để đánh giá, phân hạng sao OCOP. Nhiều khả năng, có 1 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao, còn lại là 3 sao” – ông Chơi nói.
Trong điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng hơn 4 năm qua huyện Nông Sơn vẫn triển khai hiệu quả Chương trình OCOP. Ông Trần Thiện Thắng – Trưởng phòng NN&PTNT Nông Sơn cho biết, giai đoạn 2018 – 2021, bình quân hằng năm huyện chi 400 triệu đồng hỗ trợ các chủ thể phát triển sản phẩm OCOP.
Tính đến cuối năm 2021 toàn huyện có 10 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP, trong đó có 9 sản phẩm 3 sao và 1 sản phẩm 4 sao. Năm 2022, từ nguồn kinh phí do tỉnh phân bổ và vốn ngân sách địa phương, UBND huyện Nông Sơn tiếp tục chi hơn 500 triệu đồng hỗ trợ các chủ thể phát triển mới 5 sản phẩm OCOP.
Trong số đó, khả năng sẽ có 4 sản phẩm được xếp hạng đạt chuẩn OCOP 3 sao. Theo kế hoạch, giai đoạn 2023 – 2025, bình quân hằng năm huyện sẽ hỗ trợ 500 – 600 triệu đồng cho các chủ thể phát triển mới 4 - 5 sản phẩm OCOP.
Theo ngành nông nghiệp, từ năm 2018 – 2021, UBND tỉnh phân bổ cho ngành liên quan, chính quyền các địa phương hơn 292 tỷ đồng để thực hiện nhiều phần việc của Chương trình OCOP, trong đó chủ yếu là hỗ trợ các chủ thể đăng ký tham gia phát triển sản phẩm OCOP.
Tính đến cuối năm 2021, Quảng Nam có 268 sản phẩm được xếp hạng đạt chuẩn OCOP 3 sao trở lên, gồm 222 sản phẩm 3 sao, 45 sản phẩm 4 sao, 1 sản phẩm đã gửi hồ sơ đề nghị trung ương công nhận 5 sao.
Ông Trương Xuân Tý – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, năm 2022 UBND tỉnh tiếp tục phân bổ 11 tỷ đồng từ kinh phí sự nghiệp ngân sách tỉnh cho các địa phương để thực hiện Chương trình OCOP theo Nghị quyết số 07 (ngày 13/1/2021) của HĐND tỉnh. Năm nay toàn tỉnh có tổng cộng 111 sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình OCOP theo Kế hoạch số 2134 (ngày 8/4/2022) của UBND tỉnh. Trong đợt 1 năm 2022, UBND tỉnh đã công nhận 14 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 – 4 sao...
Khắc phục hạn chế
Theo đánh giá của lãnh đạo Sở NN&PTNT, thời gian qua một số địa phương thiếu sự quan tâm, chưa thật sự tập trung chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP. Đội ngũ cán bộ phụ trách, tham mưu tại cấp huyện chủ yếu là kiêm nhiệm và thường xuyên thay đổi nên việc triển khai chương trình này ở một vài nơi vẫn còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu.
Việc rà soát, đăng ký sản phẩm tham gia chương trình ở một số địa phương cấp huyện chưa được sàng lọc, đánh giá kỹ, còn nhiều sai sót, dẫn đến tình trạng sau khi sản phẩm được UBND tỉnh thống nhất đưa vào thực hiện trong kế hoạch năm nhưng lại phải điều chỉnh, bổ sung nhiều lần.
Đáng chú ý, xây dựng phương án kinh doanh là hoạt động bắt buộc (bước thứ 2 trong chu trình OCOP), thế nhưng, nhiều chủ thể chưa nhận thức đầy đủ, còn xem nhẹ việc này. Từ đó, dẫn đến nhiều phương án kinh doanh xây dựng một cách sơ sài, thiếu tính thực tiễn, làm mang tính đối phó.
Nhiều ý kiến cho rằng, tuy Quảng Nam có khá nhiều sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP các hạng sao nhưng hơn 4 năm qua việc phát triển những sản phẩm thế mạnh ở các địa phương theo phương thức sản xuất hàng hóa tập trung, liên kết chuỗi giá trị còn rất ít.
Ông Trần Thiện Thắng nói: “Thực tế những năm qua cho thấy, cái khó trong phát triển sản phẩm OCOP ở Nông Sơn là chuỗi liên kết sản xuất còn rất yếu nên không tạo ra sản phẩm hàng hóa, đầu ra gặp nhiều khó khăn. Thời gian tới, huyện Nông Sơn sẽ tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ cá thể phát triển mạnh những mô hình sản xuất theo liên kết chuỗi giá trị”.
Ông Nguyễn Đức Chơi nhìn nhận, mặc dù giai đoạn 2018 – 2021 toàn thị xã Điện Bàn có 18 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 – 4 sao nhưng địa phương vẫn chưa có những sản phẩm chủ lực, tạo ra sản lượng hàng hóa lớn.
Những năm qua, các loại sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm như mắm ruốc, nước mắm, mắm nguyên con... rất dễ tiêu thụ trên thị trường. Trong khi đó, các sản phẩm thuộc nhóm hàng thủ công mỹ nghệ lại khó khăn về đầu ra.
“Theo kế hoạch, từ năm 2023 – 2025, bình quân mỗi năm Điện Bàn sẽ chi 600 triệu đồng hỗ trợ các chủ thể phát triển mới 4 sản phẩm OCOP. Hiện nay, trên địa bàn thị xã có hơn 300ha đất chuyên canh cây ớt. Chúng tôi dự tính, thời gian tới sẽ tập trung hỗ trợ các chủ thể phát triển mạnh sản phẩm OCOP từ trái ớt như tương ớt, muối ớt, ớt khô...” – ông Chơi nói.