Siết chặt quản lý thị trường hàng hóa cuối năm
Cuối năm thường là thời điểm sôi động của thị trường, đặc biệt với các nhóm hàng thực phẩm, tiêu dùng. Vì vậy, việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát, kiên quyết xử lý những trường hợp gian lận thương mại đang được các cấp ngành liên quan triển khai quyết liệt.
Xử lý hàng không niêm yết giá
Chợ Vĩnh Điện là một trong những đầu mối mua bán đông đúc ở Điện Bàn, những ngày này dù hàng hóa chưa nhiều nhưng không khí mua bán đã chộn rộn. Đặc biệt, giá một số hàng hóa thực phẩm như cá thịt, rau quả bắt đầu rục rịch tăng.
Tại quầy thịt, cá, tìm hiểu sơ bộ cho thấy, giá tăng từ 10 – 30 nghìn đồng/kg. Một tiểu thương cho biết, chợ không bao giờ có niêm yết giá, kể cả mặt hàng vải vóc, giày dép, chủ yếu thuận mua vừa bán bởi giá tăng giảm hàng ngày và phụ thuộc vào các yếu tố thời tiết, chi phí vận chuyển, nguồn hàng...
Trong hoạt động kinh doanh, niêm yếu giá hàng hóa được xem là yếu tố bắt buộc. Dù vậy, rất ít nơi thực hiện, nhất là tại các chợ truyền thống, tạp hóa buôn bán nhỏ.
Ông Nguyễn Tuất - Trưởng ban Quản lý chợ Vĩnh Điện thừa nhận, rất khó thực hiện mặc dù cũng đã tuyên truyền, nhắc nhở tiểu thương. “Chuyện này của bên quản lý thị trường, còn chúng tôi chỉ quản lý an ninh trật tự, nếu có phát hiện hàng giả, hàng kém chất lượng thì báo cáo các cơ quan chức năng đến kiểm tra, xử lý” - ông Tuất nói.
Thực tế cho thấy, do không niêm yết giá nên tình trạng nâng khống giá thường diễn ra, nhất là trong những thời điểm thiên tai, lễ tết cuối năm, khi nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao.
Theo ông Lương Viết Tịnh – Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý thị trưởng (QLTT) Quảng Nam, bên cạnh nguyên nhân như nguồn cung không đủ thì một số tiểu thương, doanh nghiệp cũng thường lợi dụng những thời điểm khó khăn về hàng hóa để nâng khống giá bất hợp lý, nên bắt buộc tất cả hàng hóa bán phải niêm yết giá. Sắp tới Cục QLTT tỉnh sẽ ra quân tập trung kiểm tra, kiểm soát các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ truyền thống, nơi nào không niêm yết giá sẽ kiên quyết xử lý.
“Trở ngại hiện nay của đơn vị là lực lượng mỏng (hơn 70 người) trong khi địa bàn tỉnh rộng với rất nhiều chợ truyền thống nên các ban quản lý chợ cũng phải phối hợp chặt chẽ. Tuy nhiên không phải ban quản lý chợ nào cũng thực hiện tốt vì cứ nghĩ vấn đề đó không phải của họ, nhưng không vì thế không làm, tất cả hàng hóa bắt buộc phải niêm yết giá, đây là vấn đề cơ bản nhất.
Từ đây đến cuối năm chúng tôi sẽ tập trung kiểm tra kiểm soát về giá, kể cả kiểm tra việc doanh nghiệp đăng ký giá với các cơ quan chuyên môn và công khai giá bán. Xử lý nghiêm trường hợp bán giá không đúng niêm yết” - ông Tịnh cho biết.
Quyết liệt kiểm soát thị trường
Mới đây, Cục QLTT tỉnh đã ban hành Kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thị trường cuối năm 2022 và trước, trong, sau Tết Nguyên đán. Theo đó, 9 đội QLTT trực thuộc sẽ đồng loạt ra quân kiểm tra 63 cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh như các trung tâm thương mại, chợ đầu mối, chợ chuyên doanh và các tuyến phố buôn bán sầm uất…
Nội dung kiểm tra tập trung chủ yếu vào việc chấp hành các quy định về đăng ký kinh doanh, điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp; các quy định về ghi nhãn hàng hóa; bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong trường hợp cần thiết có thể lấy mẫu nguyên liệu, sản phẩm phân tích các tiêu chí về chất lượng theo quy định. Cùng với đó, sẽ phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát các phương tiện lưu thông, kịp thời phát hiện hàng cấm, hàng lậu, hàng giả…
Ông Lương Viết Tịnh nhận định, dịp trước trong và sau tết sẽ là cao điểm của tình trạng gian lận thương mại do các nhóm mặt hàng phục vụ nhu cầu của người dân tăng cao. Vì thế, không chỉ hàng tăng giá khống, dự báo hàng lậu, hàng kém chất lượng cũng sẽ xâm nhập vào thị trường dịp này.
Do vậy, ngoài công tác kiểm tra, kiểm soát của các đơn vị chuyên môn, người tiêu dùng cũng hết sức cảnh giác, kịp thời thông báo về 2 đường dây nóng của Cục QLTT và Ban Chỉ đạo 389 nếu phát hiện các trường hợp vi phạm hoạt động kinh doanh, hàng giả, hàng kém chất lượng để Cục QLTT tỉnh kiểm tra, xử lý.
“Chúng tôi sẽ triển khai nhiệm vụ theo các giai đoạn cụ thể gồm những ngày cận tết, thời điểm này sẽ tập trung kiểm tra nguồn gốc tất cả mặt hàng, trong đó tập trung mạnh vào nhóm hàng lương thực thực phẩm (rượu bia, bánh kẹo…) và hàng hóa tiêu dùng (thời trang, điện tử…), vì lúc này nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao, nhà cung cấp lợi dụng nhu cầu này đề tuồn hàng hóa kém chất lượng ra tiêu thụ.
Sau tết kiểm tra lại thời hạn sử dụng của sản phẩm, chất lượng hàng hóa, tránh trường hợp hàng hóa quá hạn sử dụng, bị hư hại vẫn lưu hành. Đảm bảo trên thị trường địa bàn tỉnh không xuất hiện điểm nóng về chất lượng hàng hóa” - ông Tịnh nói.
Ngoài ra, ngành chức năng cũng sẽ thường xuyên giám sát mặt hàng xăng dầu, kể cả làm việc với nhà cung cấp, doanh nghiệp đầu mối, chi nhánh phân phối trên địa bàn tỉnh khi nguồn cung bị gián đoạn, đảm bảo đủ xăng dầu phục vụ nhu cầu người dân dịp tết, kiên quyết không để xảy ra tình trạng thiếu xăng dầu hoặc tình trạng doanh nghiệp giảm thời gian bán xăng dầu như đăng ký. Đồng thời, phối hợp với Sở Công Thương chỉ đạo, vận động các doanh nghiệp đảm bảo đủ nguồn cung ứng hàng hóa, nhất là vùng sâu vùng xa trong tỉnh.