Cơ hội xuất khẩu hàng hóa sang châu Âu
Hàng hóa Quảng Nam có cơ hội tham gia thị trường châu Âu nếu biết xác định những sản phẩm lợi thế và thị trường ngách. Đây là nhận định của các chuyên gia, tham tán thương mại Việt Nam tại một số nước châu Âu trong hội thảo “Khai thác các thị trường tiềm năng và thị trường ngách tại EU” do Bộ Công Thương phối hợp UBND tỉnh tổ chức vừa qua.
Chọn thị trường ngách
Theo ông Nguyễn Thành Hải - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Ba Lan kiêm nhiệm Litva, Phần Lan, Estonia, mặc dù dễ tính hơn so với các thị trường còn lại ở châu Âu như Đức, Pháp, Ý… song hàng hóa Việt Nam vào các nước Đông Âu thời gian qua còn tương đối hạn chế.
Ngoài linh kiện điện tử, máy móc thiết bị, phụ tùng, còn lại chủ yếu cà phê, dệt may, giày dép..., nhưng cũng dưới thương hiệu các nhà phân phối lớn nước ngoài. Do vậy, nông sản Quảng Nam như sâm Ngọc Linh, măng cụt, dưa hấu, chuối, hoa quả nhiệt đới, thủy hải sản… đều có tiềm năng xuất khẩu sang thị trường này.
Các mặt hàng dệt may, giày dép, nhóm mặt hàng sản phẩm ô tô cũng được đánh giá có lợi thế để doanh nghiệp Quảng Nam nghiên cứu đưa vào thị trường Đông Âu.
Để hiện thực mục tiêu này, doanh nghiệp Quảng Nam không chỉ tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến mà còn phải cải tiến mẫu mã chất lượng, giá thành sản phẩm, tạo lợi thế cạnh tranh với các nước khác.
“Đơn cử, sâm Ngọc Linh, hiện chưa có thương hiệu tại Đông Âu, người tiêu dùng gần như chưa biết về tiềm năng của loại sâm này vì họ chưa có thói quen sử dụng sâm trong đời sống. Do đó, cần xác định thị trường ngách để đưa sản phẩm vào, phải xác định đối tượng tiêu thụ trước mắt là cộng đồng người Việt tại đây.
Với các sản phẩm măng cụt, dưa hấu, chuối và hoa quả nhiệt đới, thủy hải sản… mặc dù được tiếp cận thị trường EU với thuế suất 0% sau EVFTA (Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu), nhưng phải tuân thủ các biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt. Chưa kể, dưa hấu, chuối, tôm sẽ đối diện với sự cạnh tranh mạnh mẽ của các nước Nam Mỹ như Ecuador, Chile, Ấn Độ, Thái Lan về chất lượng, giá thành” - ông Hải nói.
Châu Âu hiện là đối tác thương mại hàng đầu Việt Nam và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân đạt 7,5%/năm (chiếm tỷ trọng bình quân 13,6%/năm trong tổng xuất khẩu của cả nước).
Năm 2021 Việt Nam là nhà cung ứng ngoại khối hàng hóa lớn thứ 11 vào thị trường EU. Tính đến tháng 10/2022, Quảng Nam có hơn 60 doanh nghiệp đang tham gia hoạt động xuất nhập khẩu, trao đổi thương mại sang thị trường EU, trong đó kim gạch xuất khẩu qua cảng Chu Lai tính đến cuối tháng 10 ước đạt 50 triệu USD.
Cơ hội xuất khẩu
Tháng 6/2019, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu EVFTA được ký kết, mở ra cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam nói chung và Quảng Nam nói riêng đưa hàng hóa vào thị trường EU nhờ lộ trình ưu đãi cắt giảm thuế quan và mở cửa thị trường mạnh mẽ.
Bà Nguyễn Thảo Hiền - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - Bắc Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết, dư địa thị trường EU còn tương đối lớn. Trong khi, thị phần hàng hóa của Việt Nam mới chiếm khoảng 2%. Chưa kể, cơ cấu xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam - EU mang tính bổ trợ, không cạnh tranh trực tiếp.
Theo ông Đặng Bá Dự - Giám đốc Sở Công Thương, không chỉ EVFTA mà các hiệp định thương mại tự do (FTA) đều mang lại cơ hội rất lớn cho doanh nghiệp Quảng Nam.
Vì vậy, ngay sau khi EVFTA có hiệu lực, Sở Công Thương đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2486 nhanh chóng hoàn thiện các thủ tục, cải cách hành chính và các quy định của tỉnh để phù hợp với EVFTA, giúp các doanh nghiệp tận dụng được lợi thế, giảm hoặc loại bỏ được các dòng thuế xuất khẩu sang EU, nhất là các mặt hàng chủ lực như linh kiện điện tử, dệt may, da giày, nông, thủy sản cũng như những mặt hàng mà tỉnh có lợi thế cạnh tranh.
Mới đây, Sở Công Thương tham mưu UBND tỉnh ban hành Chương trình xuất khẩu đối với sản phẩm có khả năng cao tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2022 - 2025, qua đó xác định sản phẩm chủ lực để đẩy mạnh hỗ trợ các hoạt động xúc tiến xuất khẩu phù hợp với năng lực cạnh tranh, nhu cầu thị trường và tận dụng được các lợi thế từ các hiệp định thương mại mang lại, giúp phát huy nguồn hàng hóa, dịch vụ sản xuất của tỉnh, đầu tư các sản phẩm chủ lực, sử dụng công nghệ cao, chế biến sâu, có giá trị gia tăng cao, gắn với phát triển vùng nguyên liệu.
Dù vậy, trong quá trình thực thi các FTA, Quảng Nam cũng còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Các doanh nghiệp của Quảng Nam chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, năng lực cạnh tranh thấp. Đa số doanh nghiệp vẫn tập trung vào thị trường truyền thống, chưa tìm kiếm, khai thác được các thị trường mới để tận dụng ưu đãi từ thành viên của các FTA, nhất là thị trường EVFTA.
Bên cạnh đó, các cơ quản quản lý nhà nước thiếu hụt thông tin và số liệu liên quan đến thương mại, xuất nhập khẩu, các cam kết, chính sách trong FTA nên khó khăn trong việc đánh giá, phân tích hoạt động xuất nhập khẩu của địa phương.