Kết nối nguồn điện cho vùng cao
Để nâng cao độ tin cậy cung cấp điện ổn định cho các huyện miền núi, Tổng Công ty Điện lực miền Trung đã từng bước đầu tư xây dựng các trạm biến áp và nhánh rẽ đường dây 110kV để đảm bảo sự kết nối lưới từ các nhà máy thủy điện tại chỗ và chống quá tải lưới điện, đáp ứng tăng phụ tải ở khu vực.
Cấp điện cho Đông Giang
Hiện hai huyện Đông Giang và Tây Giang được cấp điện từ các trạm biến áp (TBA) trung gian 35kV A Sờ và Hiên. Cả 2 tuyến đường dây cấp điện trên đều khá dài, đến hàng chục cây số, còn phải đi qua khu vực có địa hình rừng núi khá phức tạp, với mật độ giông sét lớn nên nguy cơ xảy ra sự cố rất cao, đặc biệt vào mùa mưa bão.
Thêm nữa, từ khi Khu du lịch sinh thái Cổng trời Đông Giang đi vào hoạt động, sản lượng điện tiêu thụ ở đây tăng mạnh. Theo dự báo, nhu cầu phụ tải tại Đông Giang trong những năm đến sẽ tăng rất nhanh, ước tính tổng công suất năm 2023 sẽ lên đến hơn 12MW và năm 2025 sẽ hơn 25MW.
Để nâng cao độ tin cậy cung cấp điện ổn định cho các huyện miền núi, đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội cho huyện Đông Giang những năm đến, Tổng Công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) đã thống nhất với chính quyền địa phương sẽ đầu tư xây dựng TBA và đường dây 110kV đấu nối ở huyện Đông Giang vào cuối năm 2023 và chậm nhất vào đầu năm 2024.
Theo UBND huyện Đông Giang, nếu được EVNCPC đầu tư TBA và đường dây 110kV trên địa bàn, lãnh đạo huyện cam kết đồng hành và cùng với EVNCPC sẽ chịu trách nhiệm làm tốt công tác giải phóng mặt bằng trên hành lang tuyến đường dây điện đi qua.
Sử dụng nguồn điện tại chỗ
Những năm trước đây, việc cấp điện cho các huyện miền núi chủ yếu từ các đường dây 35kV kéo từ các huyện đồng bằng lên, thường xuyên gặp sự cố. Việc bổ sung đầu tư các TBA và đường dây 110kV đóng vai trò quan trọng trong liên kết lưới điện từ các nguồn tại chỗ để chống quá tải lưới điện, giảm tổn thất điện năng, nâng cao độ ổn định và tin cậy cung cấp điện cũng như đáp ứng nhu cầu tăng trưởng phụ tải, cải thiện chất lượng điện năng cho khu vực miền núi và vùng phụ cận.
Từ khi có TBA 110kV (do các chủ đầu tư cụm thủy điện ở Nam Trà My xây dựng), Công ty Điện lực Quảng Nam (PC Quảng Nam) vừa nghiệm thu và đưa vào vận hành 3 đường dây xuất tuyến trung thế 22kV sau trạm 110kV Nam Trà My, với tổng mức đầu tư gần 8,8 tỷ đồng, cung cấp điện cho 82 TBA phụ tải với hơn 3.400 khách hàng sử dụng điện khu vực Nam Trà My.
Việc nhận điện để kết lưới từ TBA 110kV Nam Trà My sẽ nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, giảm được tổn thất điện năng trung thế và cải thiện chất lượng điện khu vực vùng cao Nam Trà My.
Ngoài ra, PC Quảng Nam còn có kế hoạch kết lưới vòng 22kV với xuất tuyến TBA 110kV Kon Plong (Kon Tum) giáp giới với thôn 2, xã Trà Vinh (Nam Trà My) nhằm dự phòng lưới điện, chuyển tải khi một trong hai khu vực xảy ra sự cố kéo dài. Tương tự, từ xuất tuyến trung áp sau TBA 110kV Khe Diên (xã Quế Trung, Nông Sơn), PC Quảng Nam đã kéo mới 3,7km tuyến đường dây 22kV, 2,46km trung thế 22kV trên không, 0,77km đường dây trung thế 22kV ngầm và 0,6km đường dây trung thế 35kV...
Đây là công trình thuộc dự án trọng điểm “Xây dựng mới đường dây trung áp đấu nối sau TBA 110kV Khe Diên” để sử dụng nguồn điện tại chỗ, giảm phụ thuộc vào các đường dây truyền tải liên huyện, tăng cường năng lực truyền tải, phát triển mở rộng lưới điện phân phối để đưa nguồn điện đến các hộ tiêu thụ, góp phần nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, đặc biệt trong mùa mưa bão, giảm tổn thất điện năng tại 2 huyện Quế Sơn và Nông Sơn.
Trước đó, EVNCPC đã đầu tư và đưa vào vận hành công trình TBA 110kV Phước Sơn và nhánh rẽ cho huyện Phước Sơn và Hiệp Đức. Như vậy, từ điểm cuối nguồn nhận điện từ Thăng Bình, giờ đây Phước Sơn thành điểm đầu nguồn cấp ngược về Hiệp Đức khi có sự cố lưới điện khu vực Hiệp Đức. Theo đó, nguồn lưới đảm bảo cấp điện cho hơn 18.000 khách hàng sử dụng điện trên địa bàn 2 huyện.