Duy Xuyên phát triển sản phẩm OCOP chất lượng

MAI NHI – PHI THÀNH 17/11/2022 05:36

Thời gian qua, được sự tiếp sức từ ngành liên quan và chính quyền các cấp, nhiều chủ cơ sở sản xuất trên địa bàn huyện Duy Xuyên đổi mới tư duy, tạo ra những sản phẩm OCOP chất lượng. Qua đó, không chỉ vươn lên cải thiện cuộc sống mà còn đóng góp tích cực vào sự phát triển của địa phương.

Sản phẩm chổi đốt Nhất Tuấn (Duy Trinh, Duy Xuyên) luôn được khách hàng ưa chuộng. Ảnh: N.T
Sản phẩm chổi đốt Nhất Tuấn (Duy Trinh, Duy Xuyên) luôn được khách hàng ưa chuộng. Ảnh: N.T

Đồng hành

Nhiều năm nay, sản phẩm ngũ cốc Duy Oanh không còn xa lạ với người dân Duy Xuyên và các vùng lân cận. Trải qua nhiều công đoạn chế biến, ngũ cốc Duy Oanh cho ra nhiều dòng sản phẩm như trà gạo lứt đậu đen xanh lòng quê, ngũ cốc hạt Granola, bột gạo lứt đậu đen xanh lòng quê... đảm bảo 100% không chất bảo quản.

Chị Phạm Thị Duy Mỹ - chủ cơ sở chia sẻ: “Nhờ sự tiếp sức từ xã Duy Sơn và sự nỗ lực của cơ sở, cuối năm 2021 ngũ cốc Duy Oanh được tỉnh công nhận sản phẩm OCOP 3 sao và đang hướng đến hạng 4 - 5 sao.

Từ nguồn vốn vay ưu đãi 100 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội Duy Xuyên, tôi đã xây dựng cửa hàng trưng bày và bán sản phẩm. Từ đó, ngũ cốc Duy Oanh được khách hàng biết đến nhiều hơn, thị trường tiêu thụ được mở rộng và ổn định hơn”.

Nhiều chủ thể tham gia Chương trình OCOP được cấp ngành huyện Duy Xuyên quan tâm hỗ trợ nhiều khâu để nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo dựng thương hiệu.

Anh Phan Tự - Bí thư Huyện đoàn Duy Xuyên cho hay, các cơ sở đoàn luôn tạo điều kiện để thanh niên nắm bắt cơ chế, chính sách và định hướng phương án sản xuất - kinh doanh phù hợp với nhu cầu thị trường. Đồng thời, phối hợp tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi, phát triển sản phẩm OCOP gắn với tiềm năng, thế mạnh của địa phương.

“Đoàn thanh niên các xã, thị trấn phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tạo điều kiện cho gần 200 thanh niên vay gần 4 tỷ đồng vốn ưu đãi để phát triển kinh tế, trong đó có không ít mô hình khởi nghiệp với sản phẩm OCOP… Đến nay, toàn huyện có 14 tổ hợp tác, hợp tác xã do thanh niên làm chủ phát huy hiệu quả và đang tích cực tham gia vào chương trình OCOP” - anh Tự nói.

Chị Phạm Thị Duy Mỹ (bên phải) tích cực tham gia quảng bá sản phẩm ngũ cốc mang thương hiệu Duy Oanh tại các hội chợ. Ảnh: N.T
Chị Phạm Thị Duy Mỹ (bên phải) tích cực tham gia quảng bá sản phẩm ngũ cốc mang thương hiệu Duy Oanh tại các hội chợ. Ảnh: N.T

Theo ông Trần Huy Tường - Trưởng phòng NN&PTNT Duy Xuyên, thực hiện Chương trình OCOP, ngoài nguồn kinh phí hỗ trợ các chủ thể hơn 1,6 tỷ đồng thì địa phương cũng tích cực hướng dẫn, hỗ trợ cho chủ thể hoàn thiện, nâng chất lượng 14 sản phẩm OCOP đạt chuẩn 3 sao trở lên.

Năm 2022, sau khi rà soát, Duy Xuyên có thêm 3 sản phẩm tham gia chương trình OCOP là đĩa khu đền tháp Mỹ Sơn, nước mắm nhĩ Cửa Đại và quạt gỗ “Quảng Nam miền di sản”. Đến nay, các sản phẩm đã được chấm phân hạng cấp huyện và gửi hồ sơ đề nghị Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP của tỉnh tiếp nhận và đánh giá, phân hạng cấp tỉnh đối với những sản phẩm nêu trên.

Nâng cao chất lượng sản phẩm

Bà Phạm Thị Nhân (xã Duy Trinh) cho hay, cách đây hơn 2 năm, bà mạnh dạn phát triển mô hình nuôi gà ác lấy trứng với quy mô 5.000 con. Đến cuối năm 2021, trứng gà ác mang thương hiệu Hảo Nhân được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.

“Việc tham gia Chương trình OCOP đã góp phần thúc đẩy các doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân phát huy sáng tạo, tạo điều kiện để các loại hình kinh tế ở nông thôn phát triển.

Đây cũng là cơ hội tốt để đưa tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất, từng bước hiện đại hóa nông nghiệp - nông thôn, tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị từ khâu sản xuất, chế biến, phát triển thị trường đến tiêu thụ sản phẩm. Thời gian tới, tôi mong muốn huyện tiếp tục tạo điều kiện để tiếp cận nguồn vốn vay, chính sách ưu đãi để phát triển sản phẩm OCOP bền vững” - bà Nhân nói.

Ông Đinh Công Đức - chủ cơ sở nước mắm nhĩ Cửa Đại (xã Duy Nghĩa) cho rằng, năm 2022 cơ sở tham gia Chương trình OCOP vì đây là một kênh quảng bá thương hiệu, kết nối, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Ông Đức chia sẻ: “Thời gian tới, tôi tiếp tục đầu tư bài bản về cơ sở vật chất, nhà xưởng, dây chuyền sản xuất và quy trình chế biến nghiêm ngặt từ việc đánh bắt, muối cá… đến đóng chai đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như chất lượng sản phẩm.

Và để bắt nhịp với xu thế phát triển chung, tôi tiếp tục khai thác triệt để các ứng dụng mạng xã hội như facebook, zalo nhằm phục vụ hiệu quả cho quá trình sản xuất kinh doanh, nhất là quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm”.

Các sản phẩm OCOP của Duy Xuyên từng bước khẳng định thương hiệu trên thị trường. Ông Trần Huy Tường cho biết, để tiếp tục nâng tầm cho sản phẩm, nhiều chủ cơ sở sản xuất chủ động đổi mới, cải tiến quy trình, đầu tư công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm. Đồng thời, xây dựng mô hình liên kết nhằm nâng cao sức cạnh tranh và tính bền vững cho các sản phẩm OCOP.

Huyện chủ động xây dựng, phát triển các kênh hỗ trợ phân phối và tiêu thụ sản phẩm, tạo điều kiện cho chủ thể tham gia những hội chợ quảng bá sản phẩm, tăng cường xúc tiến thương mại giới thiệu sản phẩm OCOP trên các sàn thương mại điện tử, xây dựng điểm trưng bày sản phẩm OCOP tại các điểm du lịch...

MAI NHI – PHI THÀNH