Người Trà My nâng tầm quế thương phẩm Tây Bắc

NGUYỄN BÌNH 11/11/2022 09:28

Hơn 30 năm nay, nhóm “nghệ nhân” làm quế kẹp truyền thống ở vùng Trà My đều đặn đến với huyện Văn Yên (Yên Bái) hành nghề mưu sinh, âm thầm nâng tầm quế thương phẩm vùng Tây Bắc.

“Nghệ nhân” Nguyễn Văn Đường làm quế kẹp tại Văn Yên (Yên Bái). Ảnh: N.B
“Nghệ nhân” Nguyễn Văn Đường làm quế kẹp tại Văn Yên (Yên Bái). Ảnh: N.B

Nghề “hót” xứ người

Quế là loại cây trồng chủ lực của đồng bào dân tộc Dao cũng như các dân tộc anh em huyện Văn Yên với diện tích trồng lên tới 16.000ha. Văn Yên được xem là thủ phủ quế ở vùng Tây Bắc.

Quế Văn Yên có hàm lượng tinh dầu cao thứ hai ở Việt Nam (sau quế Trà My), đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Ông tổ nghề trồng quế được người dân tri ân, thờ phụng trang trọng tại đình Tháp Cái, xã Viễn Sơn. Hằng năm, huyện Văn Yên tổ chức lễ hội quế với quy mô lớn để tôn vinh và quảng bá thương hiệu quế Tây Bắc.

Cây quế vùng Trà My bị “thất sủng” từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước. Từ đó, những người thợ chuyên làm quế kẹp Trà My tìm đến các vùng trồng quế ở phía Bắc để mưu sinh.

Trong đó, nhóm thợ của ông Nguyễn Văn Đường (thị trấn Trà My, Bắc Trà My) có 7 người, kẹp quế cho hai doanh nghiệp quế lớn nhất ở Yên Bái; mỗi năm làm hai vụ với khoảng 5 tháng công. Tính theo lịch âm thì vụ tiên (từ rằm tháng 3 đến tháng 5) và vụ hậu kéo dài hơn, từ rằm tháng 7 đến nửa đầu tháng 10.

Họ được chủ xem như “nghệ nhân” và lo tất cả chi phí đi lại, bố trí ăn ở, sinh hoạt chu đáo và trả công khá cao. Riêng trong 3 năm nay, thị trường quế tiêu thụ chậm do ảnh hưởng đại dịch COVID-19 nhưng thu nhập của mỗi người thợ vẫn được trả ở mức 20 triệu đồng/tháng.

Theo ông Đường, kẹp quế, khâu khó nhất là tề hai đầu miếng vỏ quế để kẹp, tạo thành số 3 đều đặn, lên dầu, giữ được tinh dầu lâu dài; đòi hỏi người kẹp phải có tay nghề cao. Các thành viên trong nhóm luôn sẵn lòng chỉ dạy cho người vãn lai học hỏi làm quế kẹp nhưng hiếm người làm được.

Ông Hoàng Văn Bảy - Giám đốc Công ty TNHH Quế Lâm An Thịnh tại Yên Bái (doanh nghiệp thuê nhóm ông Đường làm quế kẹp), cho hay cây quế được chế biến ra hàng trăm loại sản phẩm; trong đó mang về lợi nhuận cao nhất là quế kẹp số 3.

“Chỉ có những người thợ đến từ Trà My thì mới làm cho cây quế ở Văn Yên cũng như ở phía Bắc có giá trị cao thật sự. Nếu không có sản phẩm quế kẹp thì giá trị cây quế ở phía Bắc rất bình thường” - ông Bảy chia sẻ.

Hơn 3.500 sản phẩm làm từ quế Trà My tham gia Hội chợ công thương đồng bằng sông Hồng - Vĩnh Phúc năm 2022 (từ ngày 19 - 25/10) được thị trường ưa chuộng và tiêu thụ hết. Ảnh: N.B
Hơn 3.500 sản phẩm làm từ quế Trà My tham gia Hội chợ công thương đồng bằng sông Hồng - Vĩnh Phúc năm 2022 (từ ngày 19 - 25/10) được thị trường ưa chuộng và tiêu thụ hết. Ảnh: N.B

Trong khi đó, ông Vũ Duy Khương (chủ doanh nghiệp quế ở xã Xuân Ái, huyện Văn Yên) tín nhiệm, giao trọn cho ông Triệu Lành (một thợ kẹp quế, trú tổ Mậu Cà, thị trấn Trà My) đứng ra thu mua quế nguyên liệu, điều hành nhà xưởng, làm quế kẹp thương phẩm trong nhiều năm qua.

“Những người thợ kẹp quế ở Trà My có tay nghề cao, lại chất phác và làm việc rất có trách nhiệm. Tôi học hỏi được nhiều kinh nghiệm từ anh Lành. Nhờ anh Lành, doanh nghiệp của tôi luôn có được mặt hàng quế kẹp chất lượng cao, tiêu thụ nhanh, duy trì hoạt động, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hơn 20 lao động” - ông Khương thổ lộ.

“Bài học” với quế Trà My

Theo ông Vũ Hồng Sơn (chủ doanh nghiệp quế giống ở Yên Bái), quế Trà My thân thấp, sinh trưởng chậm, phải trên 20 năm tuổi mới cho thu hoạch thương phẩm nhưng sản lượng không cao, ngoài hàm lượng tinh dầu nhiều hơn quế Yên Bái.

Trong khi đó, quế Yên Bái thân cao, thẳng, sinh trưởng nhanh, sau 3 - 4 năm thì cho thu hoạch dần và ổn định từ tỉa cây, nhánh, cành lá… Trên 15 năm thì thu hoạch cây thương phẩm, giá trị kinh tế cao bởi thân cây to, cao và thẳng, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa từ vỏ, thân.

“Xấu nhiều còn hơn tốt lẻ - nhân tố giúp người trồng quế ở Yên Bái thoát nghèo, làm ăn khá giả. Còn tốt nhưng nhỏ lẻ cũng là lý do khiến cây quế Trà My bị thất sủng” - ông Sơn đúc kết.

Ông Sơn còn cho biết thêm, nhiều địa phương miền núi của tỉnh Quảng Ngãi đã mua giống quế Yên Bái về trồng và quế sinh trưởng tốt. Ba năm qua, ông Sơn đã bán được 3 tấn hạt giống quế Yên Bái cho người dân huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi) để ươm trồng.

Ông Đoàn Văn Mỹ (trú tổ Đồng Bàu, thị trấn Trà My), một người trồng quế cũng là thợ kẹp quế lâu năm cùng nhóm ông Đường tại Yên Bái mong muốn thương hiệu quế Trà My sớm được hồi sinh.

“Cần cải tạo giống, loại bỏ giống quế bị thoái hóa, cây chậm lớn, còi cọc, dễ bị nhiễm bệnh ký sinh… hiện khá phổ biến ở vùng Trà My bằng giống quế thân cây cao, tăng trưởng nhanh, vòng đời cho thu hoạch sớm hơn thì mới khuyến khích người dân quay lại trồng quế” - ông Mỹ đề xuất.

Theo ông Thái Hoàng Vũ - Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My, hiện đã có hơn 70 sản phẩm các loại như tinh dầu, hương liệu, đồ dùng, vật dụng… được làm, chiết xuất từ quế Trà My rất được ưa chuộng, tiêu thụ khá mạnh trên thị trường trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, vùng nguyên liệu quế ở Bắc Trà My hiện rất khiêm tốn. Cạnh đó, việc chế biến các sản phẩm từ quế vẫn chưa tận dụng hết các thành phần phụ của cây quế như thân cây, cành, nhánh và lá nên giá trị hàng hóa thu về thấp.

“Huyện lồng ghép, huy động các nguồn lực từ các dự án, chương trình mục tiêu tập trung nghiên cứu cải tạo giống quế, khuyến khích người dân quay lại trồng quế, mở rộng vùng nguyên liệu.

Đồng thời đẩy mạnh quảng bá thương hiệu; có cơ chế xúc tiến, thu hút, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư phát triển, sản xuất đa dạng hóa sản phẩm từ cây quế; đào tạo nhân lực nghề làm quế truyền thống, nhất là kẹp quế…, hướng tới khôi phục thương hiệu quế Trà My trong tương lai gần” - ông Vũ nói.

NGUYỄN BÌNH