Tiểu thương - cầu nối hàng Việt

HOÀNG ĐẠO 08/11/2022 04:45

Là người trực tiếp tư vấn, giới thiệu hàng hóa, sản phẩm đến tay người tiêu dùng, tuy nhiên các tiểu thương, chủ đại lý gần như chưa được hỗ trợ trong cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Đại lý, tiểu thương cần được hỗ trợ để phát huy cầu nối hàng Việt đến khách hàng. Ảnh: H.Đ
Đại lý, tiểu thương cần được hỗ trợ để phát huy cầu nối hàng Việt đến khách hàng. Ảnh: H.Đ

Tiểu thương ủng hộ cuộc vận động

Trở về từ TP.Hồ Chí Minh sau đại dịch COVID-19, ông Đỗ Cao Trí (xã Tam Nghĩa, Núi Thành) mở siêu thị mini Như Ý Mart để ổn định cuộc sống tại quê nhà. Để phù hợp với đa số người tiêu dùng ở vùng nông thôn, ông Trí luôn chọn các mặt hàng giá cả phù hợp, có chất lượng tốt để thu hút khách hàng; trong đó, các sản phẩm sản xuất trong nước, hàng Việt Nam chất lượng cao luôn là lựa chọn hàng đầu để giới thiệu, bán cho khách hàng.

Ông Đỗ Cao Trí nói: “Mình không phụ thuộc quá nhiều vào nhân viên tư vấn của các nhãn hàng mà dựa vào chất lượng, thị hiếu của khách hàng làm tiêu chí nhập hàng. Về các hàng tiêu dùng thì mình luôn chọn hàng nội địa vì thông qua báo đài mình hiểu được ý nghĩa của cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam””.

Chính vì vậy, mặc dù cửa hàng có diện tích khiêm tốn nhưng vợ chồng ông ưu tiên riêng 1 kệ hàng để bày bán các sản phẩm sản xuất trong nước, có chất lượng, mẫu mã đẹp để khách có thể thoải mái lựa chọn.

Suốt mấy chục năm qua, bà Phạm Thị Lý - tiểu thương bán buôn các mặt hàng gia vị, nhu yếu phẩm tại chợ Chu Lai (Tam Nghĩa, Núi Thành) luôn chọn nguồn hàng nước mắm, tiêu, muối… là các sản phẩm địa phương hoặc các sản phẩm thương hiệu Việt để bán cho khách hàng của mình.

“Ngoài bán nước mắm đóng chai theo nhu cầu của khách thì tôi bán cả nước mắm được sản xuất thủ công từ xã đảo Tam Hải, tiêu thì mua từ Tiên Phước… vì chất lượng đảm bảo. Và trên hết là mình bán được hàng làm ra từ đôi tay của người dân địa phương” – bà Lý nói.

Với vai trò là đại lý phân phối, ông Lê Hồng Thái – chủ Trung tâm trưng bày, phân phối sản phẩm OCOP Quảng Nam và Trung tâm trưng bày, phân phối sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu Quảng Nam cho biết, niềm tự hào với các sản phẩm đặc trưng, đặc sản từ các dự án, ý tưởng khởi nghiệp, các chủ thể OCOP chính là động lực lớn để ông hình thành 2 trung tâm này. Hiện các trung tâm bày bán gần 200 sản phẩm mang thương hiệu, đặc trưng riêng của xứ Quảng.

“Tôi từng làm nên các sản phẩm mang thương hiệu Quảng Nam nên thấu hiểu các chủ thể khi tạo nên những sản phẩm tâm huyết. Đồng thời, để tạo đầu mối cho khách du lịch, những người mua làm quà tặng bạn bè phương xa… dễ dàng tìm đến các sản phẩm chất lượng nên tôi dành cả tâm huyết cho 2 trung tâm này với mong muốn đưa đặc sản Quảng Nam vươn tầm ra các thị trường lớn” – ông Thái nói.

Phát huy vai trò cầu nối

Theo ông Lê Hồng Thái, các trung tâm trưng bày sản phẩm do người Quảng Nam sản xuất bước đầu đã mang đến doanh thu khả quan là tín hiệu vui. Tuy nhiên, khác với các siêu thị hay các đại lý phân phối cấp 1 chỉ bán hàng chứ không chú trọng tư vấn, các trung tâm của ông phải chấp nhận bỏ ra nhiều chi phí, thời gian để tư vấn, quảng bá các sản phẩm đặc trưng trong khi chiết khấu thấp là một thiệt thòi.

“Mình làm vì đam mê với ý tưởng hỗ trợ cho các sản phẩm OCOP, hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh vươn tầm cao mới nên cũng phải chịu thiệt thòi hơn so với siêu thị hay đại lý phân phối. Vì vậy, chúng tôi rất mong chính quyền tạo sự thông thoáng trong các thủ tục đăng ký các sản phẩm mới. Và hỗ trợ kinh phí để chúng tôi cùng các chủ thể, chủ các cơ sở sản xuất được đi tham gia hội chợ ở các thị trường tiềm năng. Vì mỗi chuyến đi chi phí phải từ 20 – 30 triệu đồng mà kinh phí hỗ trợ thì khá thấp nên cũng hạn chế số lượng chuyến đi quảng bá sản phẩm của chúng tôi” – ông Thái chia sẻ.

Còn ông Đỗ Cao Trí cho rằng, việc ưu tiên tư vấn bán các sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng cao xuất phát từ lòng tự tôn dân tộc và giá cả phải chăng của các loại sản phẩm này.

“Nếu mình chỉ chạy theo lợi nhuận từ chiết khấu của các nhãn hàng thì chắc chắn hàng Việt Nam sẽ thua thiệt so với một số sản phẩm hàng tiêu dùng của các nước như Trung Quốc, Thái Lan. Vì vậy, tôi thiết nghĩ không chỉ treo pa nô, áp phích ở các vị trí công cộng mà Nhà nước nên làm các pa nô nhỏ để đặt ở các siêu thị mini, đại lý tạp hóa… để cổ động cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Nếu được như vậy thì tôi tin khách hàng sẽ thay đổi tâm lý mua hàng, chọn sản phẩm trong nước nhiều hơn” – ông Trí nêu ý kiến.

HOÀNG ĐẠO