Phố và kinh tế đêm
Kinh tế đêm không quá xa lạ với các thành phố lớn, nhưng với Tam Kỳ lĩnh vực này vẫn còn khoảng trống khá lớn, cần một hoạch định mang tính hệ thống, để phố lung linh hơn...
Nhiều người, kể cả dân bản địa, tỏ ra khá hào hứng với những sự kiện thi thoảng được tổ chức vào ban đêm ở Quảng trường 24/3. Những đêm nhạc, một buổi trình diễn của nghệ sĩ nổi tiếng (như danh hài Trường Giang) nhân dịp năm mới, hay đơn giản chỉ là một sự kiện được cấp phép cho các nhãn hàng nhằm quảng bá, giới thiệu… đều rất đông người. Đó chính là dấu hiệu khẳng định sức hút khá mới mẻ tại TP.Tam Kỳ, gọi bằng một khái niệm có lẽ còn hơi xa lạ: kinh tế đêm.
1. Tôi đã rất khó khăn lục tìm trong suy nghĩ của mình một địa chỉ phù hợp, chỉ để trả lời câu hỏi cho người bạn của mình vừa từ Sài Gòn ghé thăm: “Còn điểm nào hay ho để đi chơi không, giờ này”. “Giờ này” mà bạn nói, là 10 giờ tối, khi chúng tôi vừa rời khỏi một bàn tiệc.
Một câu hỏi, tưởng chừng khá đơn giản, nhưng lại đủ sức gây khó cho một người đã sống và làm việc hơn 10 năm ở Tam Kỳ. Ngoài những quán nhậu, vài quán bar, quả thực tôi không biết phải đưa bạn mình đi đâu để tìm kiếm thứ gì đó hay ho như bạn yêu cầu. Thành phố đi ngủ quá sớm và nếu bỏ qua nhu cầu tìm kiếm hàng quán để ăn uống, nhu cầu giải trí ban đêm gần như đơn điệu đến mức tẻ nhạt.
Không quá khó để viện dẫn những nguyên nhân của câu chuyện thành phố tắt đèn đi ngủ sớm. Mật độ dân số ở mức vừa phải, hạ tầng còn khiêm tốn và du lịch vẫn chưa kích hoạt được năng lực thu hút như đánh giá của các nhà quản trị, thì kinh tế đêm rõ ràng vẫn chưa thể là định hình đến mức rõ ràng như ở Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hạ Long, Nha Trang hay nhiều nơi khác. So sánh như vậy có phần khập khiễng, nhưng cần nhìn vào thực tế để tìm kiếm một điểm bắt đầu.
Tam Kỳ vẫn có những quán ăn xuyên đêm, nơi phục vụ đủ thành phần, lứa tuổi, từ người lao động đến những bạn trẻ vừa rời khỏi quán bar vào tầm hai, ba giờ sáng. Vẫn nhiều nhà hàng phục vụ thực khách khá khuya. Và… hết.
Quá khó để tìm kiếm tụ điểm sinh hoạt mang tính cộng đồng, dù thành phố đã từng thí điểm. Chợ đêm Vườn Lài, quảng trường biển Tam Thanh, chỉ sôi động trong những ngày đầu, còn lễ hội mùa hoa sưa thì chỉ diễn ra vài ngày, dưới sự “kích cầu” của chính quyền thành phố.
Sức hút thì đã thấy, nhưng sự đơn điệu trong sản phẩm kinh tế đêm cũng như sự tham gia ở mức hạn chế của người dân, doanh nghiệp - chủ thể thực sự trong mảng này - cũng bộc lộ.
2. Quảng trường 24/3 vẫn là không gian lý tưởng cho những gia đình có nhu cầu tìm kiếm một chỗ dạo chơi vào ban đêm. Cạnh đó, sự xuất hiện của những quán cà phê ngoài trời rực ánh đèn vào đêm bắt đầu nhen nhóm cho một dòng chảy ngầm của kinh tế đêm Tam Kỳ.
“Thành phố đã sớm có những tính toán và bước đầu định hướng về kinh tế đêm, nhưng rõ ràng, các đô thị nhỏ như Tam Kỳ, khi đang ở bước đầu phát triển sẽ gặp nhiều khó khăn. Chính quyền càng phải chủ động tính toán để kéo các thành phần kinh tế tham gia” - ông Nguyễn Minh Nam - Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ nói.
Theo ông Nam, tập trung phát triển kinh tế đêm không chỉ tạo ra không gian sinh hoạt, vui chơi giải trí cho các tầng lớp nhân dân, mà phải hướng đến mục tiêu cao hơn: tạo ra lực hút du khách, thúc đẩy du lịch.
Chính quyền đã quy hoạch, rà soát một khu vực để phát triển các tuyến phố đi bộ, không gian đọc, không gian vui chơi giải trí. Tại Quảng trường 24/3, phác thảo ban đầu sẽ là hình thành điểm sinh hoạt âm nhạc của các nhóm chơi nhạc acoustic, các hoạt động giải trí của thanh thiếu niên.
Không gian từng là quán cà phê Tam Kỳ đã được thành phố duyệt chủ trương hình thành một thư viện số, thúc đẩy văn hóa đọc, tạo ra một điểm sinh hoạt vào ban đêm của các bạn trẻ.
Tại khu vực bờ hồ Nguyễn Du, đã có một doanh nghiệp đăng ký khảo sát, lập dự án để hình thành khu dịch vụ bao gồm chợ đêm, phố đi bộ với vốn đầu tư khoảng 70 tỷ đồng.
Quảng trường biển Tam Thanh cũng được giao cho UBND xã Tam Thanh và các phòng ban chuyên môn tính toán phương án đầu tư xây dựng khu dịch vụ ban đêm, gắn với hoạt động thể dục thể thao, sau đó sẽ tổ chức đấu thầu chọn lựa đơn vị có năng lực tham gia đầu tư không gian này.
Tam Thanh cũng chủ động đề xuất xây dựng không gian du lịch ở làng Bích họa với một số hoạt động trải nghiệm vào ban đêm kết nối với bãi Sậy, sông Đầm (xã Tam Thăng) cũng như duy trì, nhân rộng loại hình dân ca bài chòi phục vụ người dân lẫn du khách.
“Muốn kinh tế đêm phát triển tốt, thành phố xác định phải làm đến nơi đến chốn, nghiên cứu, phát triển một cách bài bản, tìm kiếm địa điểm lẫn sản phẩm phù hợp. Bên cạnh đó, công tác quản lý vận hành, thúc đẩy du lịch, thu hút du khách cũng sẽ phải được tính toán đến tính khả thi, hiệu quả và bền vững.
Một số địa điểm mới như công viên ven sông Bàn Thạch sẽ được đầu tư cải tạo cảnh quan, hướng tới hình thành công viên, hoặc cải tạo bảo tàng thành phố thành không gian giới thiệu, quảng bá du lịch kết hợp sinh hoạt thể dục thể thao cho thanh thiếu niên, có thêm những điểm đến công cộng cho thành phố” - ông Nguyễn Minh Nam thông tin.