Tăng cường kiểm soát thị trường cuối năm
Theo kế hoạch, đầu tháng 12/2022 Cục Quản lý thị trường sẽ ra quân kiểm tra, kiểm soát hàng hóa cuối năm, thế nhưng trước diễn biến phức tạp của thị trường, đặc biệt liên quan đến lĩnh vực xăng dầu, ngay từ tháng 10 công tác kiểm tra, kiểm soát hàng hóa đã được triển khai mạnh mẽ, qua đó phát hiện xử lý nhiều hành vi phạm pháp luật.
Bám sát thị trường
Qua thông tin, nắm bắt tình hình, ngày 4/10 vừa qua Đội Quản lý thị trường số 2 (Cục Quản lý thị trường Quảng Nam) đã kiểm tra một cửa hàng tạp hóa tại TP.Hội An, phát hiện gần 300kg đường cát có nguồn gốc xuất xứ nước ngoài, quá trình làm việc chủ tạp hóa đã không xuất trình được hóa đơn, chứng từ hợp lệ.
Trước đó, ngày 26/9, Đội Quản lý thị trường số 2 cũng đã kiểm tra một cửa hàng chuyên kinh doanh sản phẩm hàng hóa dành cho bà mẹ và trẻ em, phát hiện nhiều hộp sữa bột nhập lậu từ bên ngoài. Tất cả số hàng hóa trên đã bị tịch thu, xử lý theo pháp luật.
Những tháng cuối năm, hoạt động kinh doanh thương mại diễn ra khá nhộn nhịp, đây cũng là thời điểm xuất hiện nhiều hành vi gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng…
So với một số địa phương khác, thị trường Quảng Nam tương đối ổn định nhưng không phải vì thế công tác tuần tra, kiểm soát lơi lỏng. Qua 10 tháng của năm 2022, Cục Quản lý thị trường Quảng Nam đã kiểm tra, kiểm soát 733 vụ, phát hiện, xử lý sai phạm hành chính 162 vụ, tổng số tiền xử phạt hơn 313 triệu đồng.
Chỉ riêng tháng 10/2022, trong số 77 vụ kiểm tra đã phát hiện 16 vụ vi phạm, chủ yếu tập trung vào một số hành vi như kinh doanh hàng hóa nhập lậu, không niêm yết hoặc niêm yết giá hàng hóa không rõ ràng… Tổng số tiền xử phạt gần 18 triệu đồng.
Theo ông Lê Cần – Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Quảng Nam, bên cạnh các kế hoạch kiểm tra định kỳ, thời gian qua đơn vị cũng chỉ đạo các đội quản lý thị trường trực thuộc tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại, kiên quyết không để xảy ra tình trạng găm hàng, đẩy giá, đảm bảo giữ ổn định giá cả các mặt hàng, nhất là lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm.
“Chúng tôi thường xuyên duy trì các tổ thường trực, số điện thoại người đứng đầu và số điện thoại đường dây nóng đảm bảo thông suốt 24/24 giờ để tiếp nhận, xử lý thông tin cuộc gọi của người dân phản ánh về các hành vi liên quan đến việc niêm yết giá bán, lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa trên thị trường để đầu cơ, găm hàng, tăng giá bán hàng hóa bất hợp lý” - ông Cần nói.
Tăng cường kiểm soát
Dự kiến, ngày 10/12 Cục Quản lý thị trường Quảng Nam sẽ ra quân đồng loạt kiểm tra thị trường hàng hóa trước, trong và sau tết. Cụ thể, tập trung vào một số lĩnh vực trọng tâm như kiểm soát hàng tiêu dùng gắn với đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; kiểm tra hàng nhái, hàng giả, không có nguồn gốc xuất xứ…
Ông Lương Viết Tịnh - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Quảng Nam cho biết, dịp cuối năm thị trường thường diễn biến phức tạp, vì vậy việc kiểm tra, kiểm soát phải được tăng cường.
“Tuy nhiên, lực lượng quản lý thị trường toàn tỉnh hiện khoảng 80 người nên không thể quản hết tất cả địa bàn, nhất là tại những vùng sâu, vùng xa. Đơn cử, Đội Quản lý thị trường số 8 hiện phải quản lý 4 huyện miền núi Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang, Phước Sơn, đường sá đi lại quá khó khăn, trong khi quân số chỉ khoảng 10 người.
Do đó chúng tôi xây dựng kế hoạch với những nội dung, thời điểm cụ thể như tước tết sẽ tập trung ngăn chặn hàng giả, gian lận thương mại, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong tết tập trung vào vấn đề giá cả vì thời điểm này nhu cầu mua sắm của người dân cao, những trường hợp nâng giá bất hợp lý và không công khai giá sẽ bị kiểm tra xử lý” - ông Tịnh nói.
Bên cạnh các mặt hàng cần kiểm soát cuối năm như thực phẩm, rượu, bia, thuốc lá, bánh kẹo… thì xăng dầu được xác định là mặt hàng quan trọng và mang tính nhạy cảm. Qua 10 tháng của năm 2022, Cục Quản lý thị trường tỉnh đã tiến hành kiểm tra 73 vụ, xử lý 6 vụ với số tiền gần 70 triệu đồng.
Ngoài các hành vi vi phạm như đóng cửa hoạt động không đúng giờ, không có lý do thì hành vi vi phạm cũng rơi vào các trường hợp như sử dụng người quản lý hoặc nhân viên trực tiếp kinh doanh tại cửa hàng bán lẻ xăng dầu không được đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ về phòng cháy, chữa cháy và bảo vệ môi trường, vi phạm quy định về niêm yết giá…
“Hiện nay trên địa bàn tỉnh chỉ có 3 cửa hàng xăng dầu xin phép tạm đóng cửa sửa chữa do ảnh hưởng của cơn bão số 4 và đợt mưa lớn vừa qua và đã được Sở Công Thương đồng ý, còn lại hầu như không có cửa hàng xăng dầu nào tự nghỉ.
Những tháng còn lại của năm chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra không chỉ trên lĩnh vực xăng dầu mà tất cả nguồn hàng nếu có dấu hiệu vi phạm, đảm bảo không để diễn ra tình trạng gian lận thương mại, nâng giá bất hợp lý nhằm giữ ổn định thị trường” - ông Tịnh chia sẻ.