Ngân hàng thương mại tăng lãi suất cho vay: Người dân và doanh nghiệp gặp khó

VIỆT NGUYỄN 21/10/2022 13:07

Người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang gặp khó bởi ngay sau khi tăng lãi suất huy động, các chi nhánh ngân hàng thương mại liền điều chỉnh tăng lãi suất cho vay.

Khách hàng tìm hiểu các chương trình cho vay tại BIDV ở TP.Tam Kỳ. Ảnh: NGUYỄN QUANG
Khách hàng tìm hiểu các chương trình cho vay tại BIDV ở TP.Tam Kỳ. Ảnh: NGUYỄN QUANG

Áp lực từ tăng lãi suất cho vay

Niềm vui mua được chiếc xe ô tô 5 chỗ qua nhanh, anh Nguyễn Đức Mạnh (Tân Thạnh, Tam Kỳ) lo lắng vì ngân hàng điều chỉnh 2 lần tăng lãi suất. Theo anh Mạnh, tháng 8/2021, anh vay mua xe ô tô của một chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn với lãi suất 8,5%/năm.

Sau một năm, đến tháng 8/2022 ngân hàng điều chỉnh lãi suất là 11,5%/năm nhưng đến đầu tháng 10 anh được nhân viên ngân hàng gọi điện báo lãi suất được điều chỉnh tăng lên, dự kiến 12%/năm. “Tôi bắt buộc phải cân đối các khoản chi tiêu. Trước đây tôi trả ngân hàng mỗi tháng 5 triệu đồng nay đã 8 triệu đồng” - anh Mạnh nói.

Hơn 855 tỷ đồng nợ xấu

Tính đến ngày 30/9/2022, tổng nguồn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đạt 74.803 tỷ đồng (tăng 11,65% so với đầu năm, tăng 14,75% so với cùng kỳ năm trước). Trong cơ cấu nguồn vốn huy động, tiền gửi tiết kiệm từ dân cư có mức tăng trưởng ổn định (đạt 56.239 tỷ đồng, tăng 9,46% so với đầu năm và tăng 11,26% so với cùng kỳ), tiếp tục giữ vai trò chủ đạo trong nguồn huy động với thị phần 75,18%. Tổng dư nợ cho vay trên địa bàn đạt 91.895 tỷ đồng (tăng 10,23% so với đầu năm, tăng 12,97% so với cùng kỳ năm trước). Về chất lượng tín dụng, tổng nợ xấu trên địa bàn là 855,32 tỷ đồng (tỷ trọng 0,93% tổng dư nợ, tăng 43,29% so với cùng kỳ).

Ông Dương Đình Duyên - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại & dịch vụ vận tải Duyên Hoa (thị trấn Hà Lam, Thăng Bình) cho biết, đang có dư nợ hàng chục tỷ đồng ở các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn Hà Lam gồm Vietcombank, VietinBank và Sacombank. Các ngân hàng thông báo điều chỉnh lãi suất cho vay tăng 1%/năm khiến ông Duyên lo lắng.

“Hơn 2 năm đại dịch covid-19, kinh doanh của chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Dịch bệnh được khống chế, kinh doanh khởi sắc dần nhưng chưa thể hồi phục kinh tế. Nay lãi suất vay điều chỉnh tăng lên khiến gánh nặng trả nợ ngân hàng của chúng tôi lớn hơn” - ông Duyên nói.

Không ít người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phàn nàn chuyện khi đi vay, ngân hàng thương mại ép phải mua bảo hiểm cho các khoản vay.

“Tôi chịu áp lực rất lớn vì lãi suất cho vay của ngân hàng đang tăng cao. Cuối năm phải gồng gánh rất nhiều chi phí để tái đầu tư sản xuất, kinh doanh, rất cần vốn nên khó chịu vì phải chi thêm phí mua bảo hiểm” - anh Hồ Hải Anh (Tiên Kỳ, Tiên Phước) - chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh trầm hương nói.

Cần trợ giúp người vay

Khảo sát của chúng tôi, đến nay các ngân hàng thương mại đều gia nhập cuộc đua lãi suất tiền gửi tiết kiệm, nâng mức lãi suất lên mốc cao là hơn 8%/năm. Không ít ý kiến cho rằng không thể yêu cầu ngân hàng thương mại phải giữ nguyên mặt bằng lãi suất cho vay trong bối cảnh lãi suất huy động tăng.

Quan trọng là các tổ chức tín dụng cần tăng lãi suất cho vay ở mức độ phù hợp để chia sẻ cùng khách hàng, nhất là góp sức cùng thực hiện chủ trương khôi phục kinh tế sau hao tổn lớn trong đại dịch.

Qua tìm hiểu được biết, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo ổn định mặt bằng lãi suất cho vay nhưng các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn tỉnh chỉ mới áp dụng cho một số lĩnh vực ưu tiên gồm cho vay xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, cho vay công nghiệp hỗ trợ.

Hiện nay, nhóm 4 ngân hàng thương mại nhà nước là Agribank, Vietcombank, VietinBank và BIDV triển khai khá tốt nhiệm vụ trên. Với cho vay tiêu dùng và cho vay sản xuất, kinh doanh, người dân và doanh nghiệp phải chấp nhận mặt bằng lãi suất cao hơn.

Người dân, doanh nghiệp gặp khó trong sản xuất, kinh doanh cuối năm và “cái phao” của họ có thể là chính sách hỗ trợ lãi suất 2%. Tuy vậy, ông Phạm Trọng - Phó Giám đốc phụ trách Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam cho biết, chính sách này chưa đi vào cuộc sống dù thời gian triển khai từ tháng 5 đến nay.

Cụ thể, các tổ chức tín dụng tiếp cận, đồng hành, hướng dẫn khách hàng nắm rõ chính sách hỗ trợ của Chính phủ về điều kiện, đối tượng, ngành nghề được hỗ trợ và trách nhiệm của khách hàng... Tuy nhiên, đến nay chưa phát sinh số liệu cho vay hỗ trợ lãi suất. Nguyên nhân là khách hàng sợ thanh tra, kiểm tra sau khi được hỗ trợ lãi suất 2%.

“Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam đang xây dựng kế hoạch tổ chức hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp để nắm bắt nhu cầu của doanh nghiệp về hỗ trợ lãi suất 2%, giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai để chính sách kịp thời khơi thông” - ông Phạm Trọng nói.

VIỆT NGUYỄN