Tìm cách đưa nông sản Quảng Nam ra thế giới
Khoảng 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) được thực thi giữa Việt Nam và các đối tác đã giúp nhiều mặt hàng xuất khẩu, trong đó nhóm mặt hàng nông - thủy sản Quảng Nam có cơ hội xâm nhập thị trường thế giới. Dù vậy, thực tế không hề đơn giản.
Cơ hội cho nông sản xuất khẩu
Điện Bàn có diện tích trồng ớt lớn với 350ha, sản lượng ớt tươi thu hoạch khoảng 1.200 tấn/vụ, Nhiều năm qua câu chuyện về giá luôn là nỗi trăn trở vì phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái, dù vậy vẫn không thể có giải pháp khả dĩ cho vấn đề này.
Ông Nguyễn Đức Chơi - Trưởng phòng Kinh tế Điện Bàn thừa nhận, mặc dù phần lớn sản lượng ớt xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, Trung Quốc... nhưng qua đường tiểu ngạch và do các doanh nghiệp trung gian đảm nhận, các chủ thể địa phương khó thể tham gia do quy mô sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ dẫn đến phụ thuộc vào giá thương lái.
“Chúng tôi cùng từng kết nối, triển khai các mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nhưng do nhiều nguyên nhân nên không thành công” - ông Chơi cho biết.
Ngày 17/10, Sở Công Thương tổ chức tập huấn về việc tận dụng lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) để đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông - thủy sản Quảng Nam sang thị trường châu Á, châu Âu với sự tham dự của các phòng kinh tế/kinh tế hạ tầng; các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh xuất nhập khẩu; sản xuất sản phẩm OCOP, công nghiệp nông thôn tiêu biểu và các sở, ngành liên quan. Nội dung, tập trung vào việc đẩy mạnh các mặt hàng nông thủy sản của tỉnh, các yêu cầu về quy tắc xuất xứ đối với hàng hóa xuất nhập khẩu theo từng hiệp định giúp doanh nghiệp tận dụng được các ưu đãi về thuế quan để phát triển mở rộng thị trường.
Câu chuyện ớt Điện Bàn chỉ là điển hình về việc đưa hàng nông sản Quảng Nam ra thị trường thế giới do phụ thuộc khâu trung gian. Trong Quyết định 795 ban hành Chương trình đẩy mạnh xuất khẩu đối với các sản phẩm có khả năng cao của Quảng Nam giai đoạn 2022 - 2025 được UBND tỉnh phê duyệt cuối tháng 3/2022, có 4 loại nông sản được xác định đóng vai trò chủ lực trong xuất khẩu của tỉnh, gồm: sâm Ngọc Linh, măng cụt, dưa hấu, chuối. Tuy vậy thực tế không hề dễ dàng do quy mô và nguồn cung các sản phẩm này chưa nhiều.
Ông Nông Đức Lai - đại diện Thương vụ Việt Nam tại châu Á cho biết, hiện tại Việt Nam tham gia rất nhiều hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, đây là điều kiện thuận lợi để hàng hóa Việt Nam xâm nhập một số thị trường Âu, Á do được hưởng những ưu đãi, đặc biệt hàng rào thuế quan cơ bản được dỡ bỏ giúp cạnh tranh về giá với các đối thủ khác.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất và là thị trường xuất khẩu đứng thứ hai (sau Mỹ), nhất là hàng nông sản như rau, củ, quả, sắn và các sản phẩm từ sắn, cao su… Riêng với nhóm hàng thủy sản, thị trường Trung Quốc đứng thứ ba (tỷ trọng 14%) sau Mỹ và Nhật Bản. Năm 2021 Việt Nam xuất khẩu hàng nông sản qua Trung Quốc trị giá 92,2 tỷ USD, riêng 8 tháng của năm 2022 Việt Nam xuất sang Trung Quốc 53,8 tỷ USD hàng nông - thủy sản.
“Trong nhóm 10 sản phẩm nông nghiệp tiềm năng xuất sang Trung Quốc (gồm thanh long, xoài, chuối, măng cụt, chôm chôm, nhãn, sầu riêng, hạt điều, dưa hấu, vải), một số sản phẩm Quảng Nam có lợi thế. Dù vậy, yêu cầu của thị trường Trung Quốc cũng đang ngày càng khắt khe liên quan đến một số quy chuẩn về hệ thống quản lý, giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc…
Vì vậy, ngoài phát huy lợi thế đáp ứng tối đa nhu cầu to lớn của thị trường này thì việc tổ chức sản xuất cũng phải tuân thủ các tiêu chuẩn về VietGap, GlobaGap, bao bì đóng gói, xây dựng thương hiệu, thông thạo ngoại ngữ, am hiểu thị trường xuất khẩu…” - ông Lai phân tích.
Xác định năng lực hàng xuất khẩu
Có thể nhận thấy, cùng với sự phát triển của các hoạt động sản xuất kinh doanh, hoạt động thương mại thế giới cũng có sự đổi mới ngày càng đa dạng thể hiện ở nhu cầu giao thương, loại hình sản phẩm, dịch vụ, nguyên tắc, phương thức giao dịch...
Trong đó, các thỏa thuận thương mại tự do song phương và đa phương, cơ chế thực thi cũng chặt chẽ, bao hàm nhiều lĩnh vực hơn. Một số hiệp định như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ailen (UKVFTA); Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP); ASEAN và Trung Quốc (ACFTA)… đã mở ra nhiều cơ hội hơn cho hàng hóa Việt Nam, Quảng Nam, nhất là hàng nông - thủy sản xâm nhập các thị trường.
Theo ông Hường Văn Minh - Phó Giám đốc Sở Công Thương, các FTA đã đóng góp tích cực cho kết quả hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa trên cả nước nói chung và tỉnh Quảng Nam nói riêng.
Các doanh nghiệp ngày càng tận dụng tốt các ưu đãi trong các hiệp định để đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh và mở rộng thị trường. UBND tỉnh cũng đã ban hành nhiều quyết định nhằm triển khai, hướng dẫn các cơ quan, doanh nghiệp và người dân trong tỉnh nắm được nội dung của từng hiệp định và cách thức thực thi cam kết trong từng lĩnh vực một cách kịp thời, đẩy đủ và đạt được hiệu quả nhất định.
Dù vậy, bên cạnh các yếu tố về quy mô sản phẩm hàng hóa hay thiếu doanh nghiệp đầu đàn có năng lực thì tiêu chuẩn sản phẩm hay quy tắc xuất xứ cũng là hạn chế cần khắc phục nhằm đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Thực tế, thời gian qua, danh sách hàng hóa nông sản Quảng Nam xuất qua hải quan hầu như không có.
Ông Trần Ngọc Quân - đại diện Thương vụ Việt Nam tại châu Âu khuyến nghị, mặc dù có những ưu đãi và lợi thế từ các FTA, nhưng để nông sản Quảng Nam, Việt Nam ra thế giới, nhất là thị trường châu Âu cần phải đảm các tiêu chí về vệ sinh an toàn, thân thiện môi trường, đảm bảo chất lượng hàng hóa, kể cả chất lượng nguyên liệu đầu vào, nếu không sẽ khó thể xâm nhập các thị trường này.