Kinh tế cửa khẩu bao giờ thịnh vượng? - Bài cuối: Chờ ngày khai thông

TRỊNH DŨNG 07/10/2022 06:26

Quyết tâm đầu tư, nhưng thiếu con đường kết nối đủ năng lực, khó có thể định hình một khu kinh tế cửa khẩu phồn thịnh như mong đợi.

Hạ tầng khu kinh tế sẽ được nâng cấp để đáp ứng nhu cầu phát triển. Ảnh: T.D
Hạ tầng khu kinh tế sẽ được nâng cấp để đáp ứng nhu cầu phát triển. Ảnh: T.D

Sẽ điều chỉnh quy hoạch

Sáu tháng sau ngày khai trương Cửa khẩu quốc tế Nam Giang, ngày 25.2.2022, Tổng Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (Thilogi) thuộc Tập đoàn Thaco đã vận chuyển 500 tấn trái cây từ Lào về cửa khẩu.

Theo kế hoạch, năm 2022, Thilogi sẽ vận chuyển gần 27.600 container trái cây từ các nông trường tại Lào, Camphuchia về cảng Chu Lai và hơn 11.600 container vật tư nông nghiệp theo chiều ngược lại.

Thilogi đã lên kế hoạch khai thác nhu cầu vận chuyển nông sản xuất khẩu từ cao nguyên Boloven (Lào) ở các vùng trồng cà phê, hồ tiêu, dược liệu... tại Sekong, Champasack, Salavan; các nông trường chuối, dứa, thanh long tại Attapeu và các vùng trồng cây ăn trái như sầu riêng, măng cụt, nhãn… ở các tỉnh Ubon Raychathani, Sisaket, Yasothon, Charoen, Buriam… (Thái Lan).

Tổng Giám đốc Thilogi Bùi Minh Trực cho hay, đã làm việc với Ban Quản lý Cửa khẩu quốc tế Nam Giang, Ban Quản lý Các khu kinh tế và khu công nghiệp Quảng Nam để xây dựng đề án thành lập depot cung cấp các dịch vụ kho, bãi, điểm tập kết kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất nhập khẩu, các trạm sửa chữa, tạm nhiên liệu, các dịch vụ phụ trợ... tại cửa khẩu.

Cuộc khảo sát, điều tra của Ban Quản lý Các khu kinh tế và khu công nghiệp Quảng Nam đã đưa ra dự báo khả quan. Kim ngạch xuất nhập khẩu qua cửa khẩu quốc tế sẽ đạt khoảng 1,162 tỷ USD vào năm 2025.

Số phí thu được từ sử dụng hạ tầng tại khu vực này sẽ đạt tối thiểu 18,9 tỷ đồng năm 2023 và đến năm 2025 sẽ khoảng 59,2 tỷ đồng.

Kể từ năm 2023, mỗi ngày sẽ có từ 20 đến 30 xe vận chuyển nông sản vật tư nông nghiệp với 600 - 900 tấn/ngày từ Nam Lào về Quảng Nam và từ 10 đến 20 chuyến xe vận chuyển nông sản, quặng than, sắt, đá, boxit, nhôm với khoảng 300 tấn/ngày từ 6/20 tỉnh vùng Đông Bắc Thái Lan qua cửa khẩu.

Nguồn hàng lớn này là theo thống kê, dự báo của 4 doanh nghiệp đang triển khai các dự án quy mô lớn tại Nam Lào, đang có nhu cầu vận chuyển, thông quan hàng hóa qua cửa khẩu.

Tuyến quốc lộ 14D nhỏ hẹp, xuống cấp sẽ được sửa chữa. UBND tỉnh đề nghị Trung ương thống nhất đầu tư theo hình thức BOT. Ảnh: T.D
Tuyến quốc lộ 14D nhỏ hẹp, xuống cấp sẽ được sửa chữa. UBND tỉnh đề nghị Trung ương thống nhất đầu tư theo hình thức BOT. Ảnh: T.D

Tiềm năng qua khảo sát như trên sẽ gặp thách thức bởi quy hoạch cũ của cửa khẩu quốc tế không thể đáp ứng nhu cầu.

Ông Thiều Việt Dũng - Phó Trưởng ban Quản lý các khu kinh tế và khu công nghiệp Quảng Nam cho biết, chương trình tổng thế phát triển Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Nam Giang giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030 gắn với EWEC 2 đã báo cáo lên UBND tỉnh. Quy hoạch 31.060ha (1.047ha thuộc các phân khu chức năng xây dựng, phát triển khu kinh tế) sẽ được điều chỉnh và phân kỳ đầu tư.

Trong một thông báo kết luận hồi tháng 6.2022, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh yêu cầu đánh giá lưu lượng hàng hóa xuất nhập khẩu, các loại hàng vận chuyển, tốc độ tăng trưởng từng năm để có thể dự báo chính xác hiệu quả đầu tư khi điều chỉnh quy hoạch khu kinh tế này.

Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế cửa khẩu sẽ theo hướng dịch chuyển thêm khu vực nghiên cứu xuống đến Bến Giằng (khu vực dọc theo quốc lộ 14D).

Cụ thể, không bố trí dân cư, ưu tiên bố trí bãi tập kết xe ở tiểu khu I. Tiểu khu II (Chà Vàl) đầu tư các loại kho (kín, hở, lạnh...) để tập kết, trung chuyển hàng hóa giải quyết việc làm, lao động địa phương, bố trí sắp xếp dân cư phù hợp. Tiểu khu III (La Dêê) sẽ dành đất phát triển dịch vụ, công nghiệp, sản xuất (gia công, tái chế, sơ chế, đóng gói), sắp xếp dân cư hiện trạng để tạo quỹ đất, hạn chế tối đa hình thành các khu dân cư mới.

Cấp điện cửa khẩu ổn định, phủ sóng thông tin liên lạc cửa khẩu, dọc tuyến 14D, nước sinh hoạt lâu dài (sửa chữa hay xây mới), hệ thống chống sét đánh hay nhà làm việc sẽ được cải tạo, sửa chữa hoặc đầu tư, đúng tầm của một cửa khẩu quốc tế.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói điều chỉnh, định hướng phát triển quy hoạch một khu kinh tế tổng hợp, cửa ngõ quan trọng kết nối vùng Đông Bắc Thái Lan, Nam Lào với Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung qua tuyến EWEC 2 thời gian tới là cần thiết.

Nâng cấp hạ tầng

Khu kinh tế cửa khẩu là một trong những dự án sẽ được ưu tiên đầu tư trong vòng 5 năm đến. Một đề án phát triển kinh tế - xã hội miền núi giai đoạn 2021 - 2025 cần hơn 26.907 tỷ đồng, nhưng khả năng chỉ có thể đáp ứng kế hoạch đầu tư công trung hạn khoảng 11.467 tỷ đồng.

Có thể thấy số tiền đáp ứng cho miền núi vốn chỉ dành cho các mức hỗ trợ theo chương trình, nghị quyết... Cụ thể bao nhiêu cho khu kinh tế cửa khẩu thì chưa được công bố. Các chương trình hỗ trợ không đủ lực tác động, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào khu vực này.

Những dự báo tăng trưởng kinh tế (nguồn hàng, vận chuyển, logistics...) chỉ có thể hiện thực trên cơ sở đầu tư, mở rộng, nâng cấp quốc lộ 14D, đáp ứng tần suất lưu thông của xe container, các phương tiện vận tải có tải trọng lớn.

Theo Quyết định số 387 ngày 24.3.2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Nam Giang đến năm 2025 thì đến năm 2025 tuyến quốc lộ 14D được nâng cấp đạt tiêu chuẩn đường cấp III miền núi, lộ giới 9m.

Tại những đoạn đi qua các khu dân cư đô thị sẽ mở rộng mặt cắt đường, bố trí dải phân cách và vỉa hè, tổ chức các nút giao cắt phù hợp bảo đảm an toàn giao thông, lộ giới 27m. Tại khu vực Trạm kiểm soát liên hợp lộ giới được mở rộng đến 35m.

Quảng Nam, Đà Nẵng và nhiều doanh nghiệp đang đầu tư tại Thái Lan, Lào có nhu cầu lớn về vận chuyển hàng hóa hai chiều qua quốc lộ 14D đã nhiều lần trong nhiều năm đề đạt đưa tuyến này thành Hành lang kinh tế Đông - Tây 2 (EWEC 2). Họ đã lên tiếng kêu gọi các nhà đầu tư có tiềm lực tham dự vào tiến trình đầu tư phát triển con đường này nhưng bất thành.

Quốc lộ 14D (74,6km, quy mô cấp III - VI với 2 - 4 làn xe) có tên trong danh mục quy hoạch mạng lưới đường bộ 2021 - 2030 (tầm nhìn đến năm 2050) được Chính phủ phê duyệt (1.9.2021). Thế nhưng, Bộ Giao thông vận tải nói chưa có kế hoạch cân đối nguồn vốn (khoảng 2.500 tỷ đồng) để đầu tư, nâng cấp, mở rộng quốc lộ này trong giai đoạn 2021 - 2025.

Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương mở tuyến đường mới từ cửa khẩu về cảng biển Quảng Nam. Tuy nhiên, các cuộc khảo sát về tuyến mới này đều cho thấy khó khả thi. Lý do là xây thêm tuyến mới sẽ không tận dụng được quỹ đất, kết cấu hạ tầng tuyến quốc lộ 14D, tác động xấu đến rừng tự nhiên Vườn quốc gia Sông Thanh và tốn kém chi phí bảo trì, bảo dưỡng (cho cả 2 tuyến).

UBND tỉnh xác định quốc lộ 14D vẫn là huyết mạch, trục chính để phát triển khu kinh tế cửa khẩu. Khi ngân sách chưa thể cân đối được nguồn vốn, ngày 19.9.2022, UBND tỉnh đã đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành thống nhất chủ trương đầu tư, mở rộng, nâng cấp quốc lộ 14D theo hình thức BOT trên tuyến đường hiện trạng. Tuy nhiên, trước mắt sẽ sửa chữa tuyến này.

Ông Văn Anh Tuấn - Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho biết đã được giao chủ trì, phối hợp khảo sát thực tế toàn tuyến quốc lộ 14D (từ cửa khẩu xuống Bến Giằng).

Tính toán lưu lượng phương tiện hoạt động, xác định các điểm, đường gấp khúc, góc cua hẹp, các điểm dừng tránh..., đề xuất phương án nâng cấp, mở rộng để đảm bảo an toàn giao thông, đáp ứng năng lực vận tải, nhu cầu thông thương hàng hóa qua cửa khẩu.

Sẽ khảo sát, đánh giá hiện trạng giao thông kết nối từ vùng Đông Bắc Thái Lan, Nam Lào đến khu vực cửa khẩu. Từ đó, báo cáo đề xuất phương án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 14D (kể cả các đường gom đi qua khu vực trung tâm các xã La Dêê, Chà Vàl, Tà Bhing…).

Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế Nam Giang - Nguyễn Hoàng nói, nếu có đầu tư hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu bao nhiêu đi chăng nữa, nhưng thiếu một con đường rộng mở thì sẽ phải còn rất lâu mới thấy sự phồn thịnh trên vùng biên ải!

TRỊNH DŨNG