Nỗ lực đảm bảo thông tin di động

VINH ANH 30/09/2022 10:38

Hàng trăm trạm viễn thông bị mất điện từ khi bão Noru đổ bộ vào đất liền cho đến nay. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ kỹ thuật, sóng di động và mạng 3G, 4G ở nhiều nơi vẫn được duy trì, đảm bảo thông tin liên lạc cho chính quyền và người dân toàn tỉnh.

Nhân viên kỹ thuật Viettel Quảng Nam vận chuyển máy phát điện phục vụ trạm BTS trong thời gian điện lưới chưa được khắc phục. Ảnh: CTV
Nhân viên kỹ thuật Viettel Quảng Nam vận chuyển máy phát điện phục vụ trạm BTS trong thời gian điện lưới chưa được khắc phục. Ảnh: CTV

Theo báo cáo nhanh của Sở TT-TT, sau bão số 4, số trạm BTS của Viettel bị mất điện là 720/911 trạm, VNPT là 429/600 trạm, Mobifone 600/850 trạm. Với sự chuẩn bị kỹ về nhân lực, phương tiện và nhiên liệu, mạng thông tin di động liên lạc cho các khu vực trung tâm tỉnh, huyện, xã trên địa bàn toàn tỉnh vẫn được đảm bảo.

Theo đại diện các nhà mạng, trong điều kiện mất điện lưới diện rộng, để duy trì sóng di động, máy phát điện tại các trạm BTS phải hoạt động liên tục. Lúc này, nhân viên kỹ thuật nhà trạm phải làm việc hết công suất để vận chuyển nhiên liệu, sửa chữa sự cố hỏng hóc từ trạm này đến trạm khác trong một khu vực rộng lớn.

Nhiều ngày liền, anh Nguyễn Tấn Thiện, nhân viên kỹ thuật nhà trạm Viettel tại khu vực thị xã Điện Bàn không có thời gian nghỉ ngơi. Bắt đầu từ sáng sớm cho tới 10 - 11 giờ đêm là thời gian anh Thiện làm việc mỗi khi có sự cố thời tiết, mất điện lưới.

“Mỗi khi có thiên tai, bão lũ là lúc anh em kỹ thuật làm việc vất vả nhất. Ban ngày phải đảm bảo nhiên liệu phát điện cho các trạm, đến tận 10 - 11 giờ đêm, khi tiếp đầy nhiên liệu cho máy phát hoạt động đến sáng rồi mới dám nghỉ” - Thiện chia sẻ.

Anh Nguyễn Tấn Thiện, nhân viên kỹ thuật nhà trạm của Viettel đang xử lý sự cố tại một trạm BTS. Ảnh: CTV
Anh Nguyễn Tấn Thiện, nhân viên kỹ thuật nhà trạm của Viettel đang xử lý sự cố tại một trạm BTS. Ảnh: CTV

Mỗi nhân viên như anh Thiện phải phụ trách hơn 25 trạm BTS trên nhiều địa bàn khác nhau. Vào thời điểm mưa bão nguy hiểm rình rập nhưng nhân viên kỹ thuật phải xuyên đêm ứng cứu nhằm đảm bảo thông tin.

Anh Thiện kể: “Tôi phụ trách 28 trạm BTS tại nhiều khu vực ở thị xã Điện Bàn, trong đó có 3 xã Gò Nổi với 8 trạm BTS. Bão số 4 đi qua, khu vực Gò Nổi mất điện hoàn toàn, cây cối ngã đổ, nước lũ dâng cao khiến việc đi lại rất khó khăn. Tuy nhiên, để đảm bảo thông tin cho người dân, tôi và anh em cộng tác viên phải tìm mọi cách để vận chuyển, tiếp nhiên liệu cho nhà trạm hoạt động”.

Theo Sở TT-TT, trên lĩnh vực bưu chính - viễn thông, bão số 4 không gây thiệt hại về người nhưng hạ tầng và đường truyền mạng đang bị ảnh hưởng lớn do tình trạng mất điện diện rộng và đứt cáp quang ở nhiều tuyến.

Do gió lớn, cây ngã, gãy đổ khiến mạng lưới cáp quang các nhà mạng Viettel, VNPT, Mobifone bị đứt khoảng 3% toàn tuyến. Ngoài tình trạng mất điện diện rộng, riêng VNPT có 15 tuyến và Viettel có 120 tuyến cáp quang bị đứt, gây mất mạng internet ở nhiều địa phương.

Hiện nay, các doanh nghiệp viễn thông đang tập trung toàn bộ nhân lực, phương tiện để khắc phục thiệt hại sau bão, trong đó tổ chức chạy máy nổ, duy trì hoạt động các trạm BTS, đảm bảo thông tin liên lạc mạng di động trên địa bàn toàn tỉnh.

Đồng thời tổ chức lắp đặt lại thiết bị đã hạ tải trên các trụ ăng ten để đảm bảo lưu lượng, dung lượng mạng thông tin di động. Lên phương án khắc phục nhanh các sự cố đứt cáp quang để phục hồi đường truyền internet cáp quang trong thời gian sớm nhất…

Theo đại diện các nhà mạng, ngoài nguồn nhân lực, vật lực sẵn có, tỉnh Quảng Nam còn nhận được sự hỗ trợ về nhân lực, phương tiện từ các tỉnh, thành lân cận, với mục tiêu cố gắng nối lại mạng viễn thông và internet một cách nhanh chóng nhất có thể.

VINH ANH