Ứng dụng công nghệ số trong điều tiết hồ thủy điện
Các nhà máy thủy điện trên địa bàn Quảng Nam đang tích cực chuyển đổi số trong hệ thống thu thập dữ liệu thủy văn, cảnh báo lũ, xây dựng bản đồ số ở các vùng hạ du để tránh bị động trong hoạt động phòng chống thiên tai.
Áp dụng chuyển đổi số để báo lũ
Với các mục tiêu “kịp thời, chính xác và đồng bộ” trong công tác báo cáo số liệu vận hành hồ chứa, Công ty CP Thủy điện A Vương (AVC) đã đưa vào sử dụng phần mềm “Tự động cập nhật và báo cáo số liệu vận hành hồ chứa” để áp dụng tại nhà máy thủy điện A Vương. Chức năng chính của hệ thống là thu thập số liệu tự động từ hệ thống quan trắc và cập nhật vào hệ thống PMIS.
Ông Trương Xuân Tý - Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết, hiện nay các thủy điện ở Quảng Nam đang phối hợp tích cực với chính quyền địa phương các cấp, tuân thủ nghiêm nguyên tắc điều tiết nước, thao tác, phương thức vận hành các cửa van, đập tràn, công tác chuẩn bị phòng chống lụt bão và chế độ thông tin, báo cáo theo đúng quy trình vận hành liên hồ và đơn hồ. Đồng thời theo dõi 24/24 diễn biến thực tế của mưa lũ, tổng hợp số liệu liên quan kịp thời báo cáo ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các địa phương, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai và các cơ quan, đơn vị liên quan phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành.
Phần mềm sẽ tự động tính toán các thông số và xuất ra các file mềm (word, excel, pdf …) để gửi báo cáo theo mẫu của từng cơ quan chức năng trên cơ sở đồng bộ dữ liệu từ hệ thống PMIS nhằm đảm bảo tính chính xác, thống nhất và kịp thời.
Trong đó, 3 cơ quan chức năng quan trọng mà phần mềm sẽ gửi báo cáo thông qua website là Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Cục Kỹ thuật an toàn (Bộ Công Thương) và Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên - môi trường).
Đặc biệt, trong khi nhà máy thủy điện vận hành xả nước, điều tiết hồ chứa, chạy máy phát điện, nhất là vào thời điểm các đợt mưa lũ phức tạp sẽ được phát thanh rộng rãi đến các địa bàn đông dân cư, khu vực sông suối nguy hiểm ở vùng hạ du...
Theo ông Vũ Đức Toàn - Giám đốc Công ty Thủy điện Sông Tranh, đơn vị đã áp dụng đồng bộ công nghệ 4.0 trong mọi lĩnh vực.
Phương án vận hành nhà máy, an toàn cung ứng điện năng, đều được ký số và lưu trên E-Office, thuận tiện cho công tác lưu trữ và tra cứu, hạn chế tối đa việc in ấn, sử dụng bản cứng.
Mới đây, công ty đã đưa vào sử dụng phần mềm “Sát hạch định kỳ an toàn điện” vào vận hành tại nhà máy thủy điện Sông Tranh 2. Trước đây, công việc kiểm tra an toàn điện chủ yếu bằng phương pháp thủ công, mỗi lần kiểm tra phải huy động 5 - 10 người, rồi ghi chép sổ sách, tốn thời gian, song hiệu quả không cao.
Từ khi sử dụng phần mềm này, chỉ còn 1 người đảm nhận công việc nêu trên, rút ngắn thời gian kiểm tra từ 8 giờ xuống còn 2 giờ. Độ chính xác đạt tuyệt đối, đảm bảo hoạt động điện an toàn, đủ cung ứng điện năng theo kế hoạch.
Tăng cường giám sát
Mới đây, đoàn công tác của Bộ Công Thương do ông Phạm Trọng Thực - Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn - môi trường công nghiệp làm Trưởng đoàn cùng các thành viên trong Hội đồng tư vấn đánh giá an toàn đập đã đến làm việc tại Công ty Thủy điện Sông Bung về công tác quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy điện năm 2022. Qua kiểm tra cho thấy, Công ty Thủy điện Sông Bung đã thực hiện đúng các quy định của pháp luật về công tác quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy điện, đáp ứng yêu cầu quản lý.
Đến nay, Công ty Thủy điện Sông Bung đã hoàn thành tổng kiểm tra 2 nhà máy thủy điện Sông Bung 2 và Sông Bung 4; tiến hành rà soát, xử lý các khiếm khuyết của các hạng mục công trình, thiết bị cơ điện, máy phát diesel dự phòng, hệ thống thông tin liên lạc...
Ông Lê Đình Bản - Giám đốc Công ty Thủy điện Sông Bung cho biết: “Mùa mưa lũ năm nay, công ty đã xem xét đến các kịch bản ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ” thích ứng linh hoạt trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp.
Đến nay, công ty đã hoàn thành xây dựng các kịch bản sự cố có thể xảy ra tại đập tràn hồ chứa thủy điện như: kịch bản mất điện lưới, kịch bản kẹt cửa van khi đang vận hành xả tràn điều tiết hồ chứa, sự cố mất kênh thông tin liên lạc”.
Còn nhà máy thủy điện A Vương được xây dựng trên nhánh sông A Vương thuộc lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn, với công suất nhà máy 210MW, dung tích hồ chứa 343 triệu mét khối. Đến nay, công ty đã làm tốt công tác bảo đảm an toàn công trình và vùng hạ du.
Ông Ngô Xuân Thế - Phó Giám đốc Công ty CP Thủy điện A Vương cho biết: “Đến nay, công ty đã hoàn chỉnh báo cáo hiện trạng an toàn đập; phương án ứng phó thiên tai; thường xuyên kiểm tra, bảo trì các thiết bị công trình phục vụ vận hành và điều tiết hồ chứa đảm bảo các thiết bị ở trạng thái vận hành tin cậy trước mùa lũ. Đồng thời chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết về nhân lực, vật tư, đảm bảo hệ thống thông tin liên lạc luôn được thông suốt, sẵn sàng ứng phó giảm nhẹ thiệt hại khi có thiên tai hoặc sự cố xảy ra”.