Mở lối cho nông sản miền núi
Hội chợ thương mại biên giới Việt – Lào tại Nam Giang đã kết thúc tối qua 28.8. Thành công của sự kiện không chỉ là lượng hàng hóa bán ra mà còn thể hiện ở việc quảng bá, giới thiệu những sản phẩm nông sản địa phương đến người tiêu dùng, đối tác trong và ngoài tỉnh.
Quảng bá nông sản địa phương
Gian hàng nông sản xã Đắc Pring (Nam Giang) thu hút khá đông khách suốt những ngày diễn ra hội chợ. Yếu tố hấp dẫn khách chính là các sản phẩm đặc trưng đang được bày bán tại đây như hạt ươi bay, gạo rẫy, sa nhân, đọt mây, cá chẻ…
Bà Kring Xa, cán bộ Văn phòng UBND xã Đắc Pring cho biết, đây là những nông sản được người dân thu gom gửi UBND xã mang đến bán tại hội chợ.
“Khi nhận được thông báo của huyện, chúng tôi lập tức triển khai đến các thôn, bản huy động người dân tham gia. Ai có hàng hóa gì thì mang đến tập trung tại trụ sở UBND xã và đưa giá bán cho sản phẩm, sau đó xã thành lập đoàn, thuê xe chở xuống hội chợ” - bà Xa kể.
Tham gia Hội chợ thương mại biên giới Việt - Lào lần này, xã Đắc Pring mang đến khoảng 15 nhóm nông sản địa phương như ớt rừng, chuối rừng, gừng, măng khô… Đến chiều 28.8, hầu hết hàng hóa cơ bản được bán.
Diễn ra từ ngày 26 - 28.8, Hội chợ thương mại biên giới Việt - Lào 2022 thu hút 30 gian hàng của 15 doanh nghiệp, cơ sở làng nghề, chủ thể OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu trong và ngoài tỉnh.
Điểm nhấn của hội chợ là 12 gian hàng đến từ 12 xã, thị trấn của huyện Nam Giang. Bên cạnh những sản phẩm chủ lực đặc trưng, nhiều sản phẩm quen thuộc như rau má, măng giang, ớt, củ kiệu… cũng được người dân gửi mang đến hội chợ.
Theo bà Hiên Thị Lên (cán bộ văn hóa xã Đắc Pre), mục đích tham gia hội chợ chủ yếu quảng bá, giới thiệu sản phẩm địa phương đến người tiêu dùng, qua đó sẽ giúp người dân biết sản phẩm nào đang được ưa chuộng nhằm nhân rộng phát triển.
“Đặc sản nổi tiếng của Đắc Pre là cá suối thính nhưng không phải ai cũng biết nên qua hội chợ chúng tôi hy vọng sẽ có nhiều người quan tâm đến sản phẩm này” - bà Lên chia sẻ.
Quãng đường từ xã Đắc Pre xuống thị trấn Thạnh Mỹ (nơi diễn ra hội chợ) dài gần 80km đường núi, xe chở hàng đi khoảng 3 giờ đồng hồ. Tham gia hội chợ lần này, xã Đắc Pre mang theo 14 nhóm sản phẩm hàng hóa, giá bán từ vài mươi nghìn đến dưới 300 nghìn/sản phẩm.
Bà Hiên Thị Lên thừa nhận, nếu không vì mục đích quảng bá, giới thiệu sản phẩm địa phương thì số tiền bán hàng không đủ chi phí vận chuyển, ăn ở tại chỗ trong thời gian diễn ra hội chợ.
Nâng chuỗi giá trị nông sản
Nam Giang là huyện miền núi sở hữu nhiều nông sản đặc trưng của tỉnh như heo đen, rượu tà vạt, ớt rừng, tiêu rừng, lòn bon rừng, dược liệu… Tuy vậy, lâu nay việc sản xuất, tiêu thụ khá nhỏ lẻ, manh mún. Đơn cử, thịt heo đen, dù được đánh giá rất tiềm năng và có thị trường tiêu thụ nhưng việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm đến nay vẫn chưa như kỳ vọng.
Ông A Viết Sơn – Chủ tịch UBND huyện Nam Giang nhìn nhận, hội chợ sẽ là cơ hội để địa phương quảng bá những sản phẩm chủ lực, nhất là các sản phẩm nông sản sạch, sinh thái được người dân canh tác, sản xuất theo phương thức truyền thống.
“Lâu nay người dân canh tác manh mún, nhỏ lẻ nên hội chợ lần này sẽ giúp bà con nhìn thấy triển vọng đầu ra, tự tin hơn trong sản xuất, canh tác. Đồng thời cũng giúp Nam Giang lựa chọn, nâng cao chuỗi giá trị cho những sản phẩm đặc trưng có thế mạnh, từ đó quy hoạch, đầu tư, hỗ trợ để bà con tăng thu nhập, tạo công ăn việc làm bền vững” - ông Sơn nói.
Hội chợ thương mại biên giới Việt - Lào là sự kiện nằm trong Chương trình xúc tiến thương mại được Bộ Công Thương phê duyệt tổ chức hàng năm, mục đích quảng bá hình ảnh, tiềm năng kinh tế - xã hội, đầu tư thương mại và du lịch của các địa phương với các tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư trên tuyến biên giới Việt – Lào.
Theo ông Hường Văn Minh – Phó Giám đốc Sở Công Thương, bên cạnh các sản phẩm chủ lực Quảng Nam, điểm nhấn của hội chợ là các gian hàng đến từ 12 xã, thị trấn thuộc huyện Nam Giang, qua đó không chỉ giới thiệu, kết nối đối tác, nhà đầu tư mà còn giúp người tiêu dùng có cơ hội mua sắm những sản phẩm địa phương tốt nhất.
“Khi làm việc với huyện Nam Giang, chúng tôi thống nhất sản phẩm vào hội chợ không nhất thiết phải là OCOP hay sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, thay vào đó chỉ cần sản phẩm chủ lực nhằm tạo điều kiện cho người dân tham gia, từ đó kích thích họ quay trở lại trong chuỗi liên kết, giúp quá trình sản xuất, sơ chế, chế biến, tiêu dùng tốt hơn, hướng tới mở rộng thị trường, phục vụ khách hàng hiệu quả” - ông Minh nói.