Tín dụng tạo "lực đẩy" cho kinh tế tập thể
Nguồn vốn tín dụng thời gian qua đã tạo “lực đẩy” cho không ít hợp tác xã, tổ hợp tác mở rộng đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, nhưng cần tháo gỡ khó khăn để việc tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn.
Lực đẩy từ vốn vay
Nhiều hợp tác xã (HTX) Quảng Nam nhờ tiếp cận được vốn vay của các tổ chức tín dụng đã làm ăn tốt, tham gia sâu vào chuỗi liên kết sản xuất, kinh doanh. Như HTX Nông nghiệp Hoàng Hải (thôn Thanh Long, Tam Quang, Núi Thành) đã vay 1,4 tỷ đồng của Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX Quảng Nam để đầu tư sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nấm.
Đến nay, HTX đã được UBND tỉnh công nhận 2 sản phẩm OCOP 3 sao là bột nấm mộc nhĩ, nấm linh chi, còn sản phẩm trà linh chi đã được UBND huyện Núi Thành chấm đạt hạng 4 sao, đang chờ UBND tỉnh công nhận.
Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX Quảng Nam vừa tổ chức lễ kỷ niệm 10 năm thành lập. Đến nay vốn điều lệ của quỹ hơn 104 tỷ đồng, tăng gấp 6,9 lần so với khi thành lập. Trong đó vốn ngân sách nhà nước cấp hơn 100 tỷ đồng, vốn bổ sung từ kết quả hoạt động trong 10 năm qua là hơn 4 tỷ đồng, tổng dư nợ cho vay đến nay là gần 88 tỷ đồng. Từ việc chỉ cho vay đầu tư, đến nay quỹ đã cho các HTX, THT vay vốn lưu động phát triển sản xuất, kinh doanh, làm dịch vụ.
Ông Nguyễn Thanh Vũ - Giám đốc HTX Nông nghiệp Hoàng Hải cho biết, đơn vị đã liên kết với 20 hộ gia đình và 4 doanh nghiệp để tham gia sâu vào chuỗi giá trị sản xuất, cung ứng nguyên vật liệu, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm nấm, trà.
“Mình cung cấp phôi nấm cho các hộ gia đình sản xuất, thu mua nấm thành phẩm khi thu hoạch để chế biến rồi liên kết với các công ty trong và ngoài tỉnh để cung cấp hàng hóa đưa ra thị trường.
Đây là xu thế tất yếu để chủ động nguyên liệu, chế biến sâu, giảm chi phí, nâng cao chất lượng hàng hóa, tăng sức cạnh tranh và khẳng định thương hiệu, vị thế” - ông Vũ nói.
Ông Phạm Trọng - Phó Giám đốc phụ trách Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam cho biết, trong số 26.000 tỷ đồng cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn đến hết tháng 7, có nhiều HTX, tổ hợp tác được tiếp cận.
Hiện nay, kinh tế tập thể bình đẳng với các thành phần kinh tế khác trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước vận động, khuyến khích các tổ chức tín dụng ưu tiên đầu tư vốn vay vào nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là kinh tế tập thể. Đã có nhiều cơ chế, chính sách giúp kinh tế tập thể tiếp cận được nguồn vốn tín dụng để đầu tư sản xuất, kinh doanh.
Theo ông Hà Thạch - Giám đốc Agribank Quảng Nam, ngân hàng chỉ đạo các chi nhánh ở các địa phương tập trung vốn tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn, trong đó chú trọng cho vay các chương trình tín dụng đặc thù đối với các mặt hàng nông sản có thế mạnh như gạo, thủy sản, cây ăn quả, chăn nuôi, cho vay theo chuỗi giá trị đối với các sản phẩm chủ lực. Theo đó, kinh tế tập thể đi đầu trong tiếp cận vốn vay.
Khơi thông tín dụng
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế trong tiếp cận tín dụng của các HTX là phương án sản xuất, kinh doanh chưa khả thi; không có tài sản đảm bảo vốn vay; quản trị hoạt động của HTX còn yếu.
Khó huy động tín dụng nên hoạt động của các HTX còn nhỏ lẻ, nguy cơ “vỡ trận” trong cạnh tranh trên thị trường. Giám đốc một HTX tại Thăng Bình chia sẻ, rất muốn vay vốn lãi suất thấp và vay vốn không tài sản thế chấp nhưng… lực bất tòng tâm.
Ông nói: “Chúng tôi có nhu cầu vay nguồn vốn khá lớn để xây dựng cơ sở hạ tầng, nhà xưởng, máy móc, thiết bị đến văn phòng làm việc, điểm bán hàng. Nghị định 116 ngày 7.9.2018 đã sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 55 của Chính phủ về khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn, nhưng HTX rất khó tiếp cận vốn vay”.
Theo ông Phạm Trọng, có tình trạng HTX thiếu thông tin, không nắm rõ các thủ tục vay vốn, vì thế chưa thể tiếp cận được các khoản tín dụng cho sản xuất, kinh doanh.
Để nâng cao tỷ lệ HTX tiếp cận được vốn vay từ các tổ chức tín dụng, khâu định giá tài sản thế chấp cần được rà soát lại, từ đó thống nhất cách làm và đưa ra những cơ chế ưu tiên khuyến khích cho nhóm kinh tế tập thể.
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam đề xuất các bộ, ngành cần rà soát lại các quy định của Nghị định 116 để tạo điều kiện hỗ trợ cho vay nhiều hơn đối với các khoản vay không có tài sản thế chấp, giúp các HTX hoạt động hiệu quả hơn.