Khó quản lý giết mổ gia súc ở Núi Thành
Công tác quản lý, kiểm soát giết mổ gia súc trên địa bàn huyện Núi Thành gần đây gặp nhiều khó khăn. Địa phương đang đề ra nhiều giải pháp để khắc phục.
Thực hiện phương án giảm dần các điểm giết mổ gia súc nhỏ lẻ và thành lập các cơ sở giết mổ tập trung trong các năm qua, đến nay, từ 108 điểm giết mổ gia súc nhỏ lẻ, trên địa bàn Núi Thành chỉ còn 2 cơ sở cơ sở giết mổ tập trung (tại thị trấn Núi Thành và xã Tam Mỹ Đông) và 14 điểm điểm giết mổ gia súc nhỏ lẻ ở các xã Tam Anh Nam, Tam Xuân 2, Tam Xuân 1, Tam Tiến, Tam Quang.
Huyện đề xuất xây dựng thêm 3 điểm giết mổ gia súc tập trung nằm trong quy hoạch của tỉnh tại Tam Xuân 2, Tam Anh Nam, Tam Nghĩa và đã điều chỉnh quy hoạch 1 điểm giết mổ gia súc tập trung tại thị trấn Núi Thành thay thế cho điểm ở xã Tam Nghĩa, Tam Anh Nam.
Trong năm 2018, UBND xã Tam Hòa xin điều chỉnh quy hoạch điểm giết mổ gia súc tập trung, nhưng Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai không đồng ý, do đất thuộc quy hoạch. Đối với điểm giết mổ gia súc tập trung ở Tam Xuân 2 vẫn còn giữ nguyên hiện trạng, nhưng kinh phí xây dựng quá lớn nên vẫn chưa kêu gọi được nhà đầu tư.
Từ khi sáp nhập Trạm thú y huyện vào Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện (từ tháng 1.2018), công tác quản lý, kiểm soát giết mổ gia súc gặp nhiều khó khăn. Ông Đặng Văn Quang - Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp Núi Thành cho biết, đơn vị chỉ có 2 viên chức thực hiện nhiệm vụ chăn nuôi - thú y mà khối lượng công việc phải thực hiện rất lớn.
Trung tâm đang đề xuất cấp thẩm quyền tăng thêm 3 biên chế cho đơn vị. Mặt khác, đất đai bố trí quy hoạch điểm giết mổ gia súc tập trung đều do Khu kinh tế mở Chu Lai quản lý, nên các nhà đầu tư rất khó tiếp cận.
UBND huyện đề xuất đầu tư thêm 1 cơ sở giết mổ gia súc tập trung ở các xã cánh bắc Núi Thành. Trường hợp không xây dựng thêm được thì tiến hành kiểm tra và cho nâng cấp các điểm giết mổ gia súc nhỏ lẻ để hoạt động và giao về cho địa phương quản lý.
Theo ông Ngô Đức An - Phó Chù tịch UBND huyện Núi Thành, địa phương đề xuất UBND tỉnh cần có cơ chế, chính sách hợp lý trong việc tuyển dụng, đãi ngộ đối với nhân viên thực hiện nhiệm vụ kiểm soát giết mổ gia súc và có cơ chế, chính sách thu hút đối với hoạt động giết mổ gia súc tập trung.
Cạnh đó, tỉnh cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ 100% kinh phí đầu tư xây dựng đường, điện và giải phóng mặt bằng cho điểm giết mổ gia súc tập trung. Đối với Núi Thành, tỉnh phải có sự can thiệp đối với Khu kinh tế mở Chu Lai về đất quy hoạch khu giết mổ gia súc tập trung tại xã Tam Anh Nam, Tam Hòa đã quy hoạch theo Quyết định 1967 năm 2008 của UBND tỉnh để các địa phương có cơ sở thực hiện.