Cầu nối tín dụng hiệu quả

ĐĂNG CAO 16/08/2022 05:05

Quảng Nam hiện có 3.443 tổ tiết kiệm vay vốn. Đây là những cầu nối đưa tín dụng ưu đãi của ngân hàng chính sách đến với hộ nghèo, hộ chính sách.

Tín dụng chính sách giúp người dân Nam Trà My phát triển kinh tế rừng hiệu quả. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Tín dụng chính sách giúp người dân Nam Trà My phát triển kinh tế rừng hiệu quả. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Những tổ trưởng tâm huyết

Thực tế, thời gian qua nhiều tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) đã phát huy vai trò cầu nối tín dụng ưu đãi. Trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều tấm gương tổ trưởng gương mẫu, nhiệt huyết. Như bà Tăng Thị Lang - Tổ trưởng Tổ TK&VV thôn Phương Tân (xã Bình Nam, Thăng Bình).

Hiện bà Lang quản lý 37 hộ vay vốn với dư nợ 1,7 tỷ đồng. Người dân rất cần vốn vay để làm ăn nên bà Lang bình xét khách quan, trung thực để Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH Thăng Bình giải ngân vốn vay. Công tác tuyên truyền, vận động hộ vay vốn chú tâm làm ăn, trả nợ đúng hạn luôn được bà Lang chú trọng...

“Ngoài trả nợ đúng hạn, các hộ vay vốn còn mạnh dạn gửi tiết kiệm để làm giàu thêm nguồn vốn. Tôi rất vui mỗi khi có hộ nghèo vay vốn được thoát nghèo và vươn lên trong cuộc sống” - bà Lang nói.

Điểm chung ở các tổ TK&VV được xếp loại tốt là hình ảnh tổ trưởng nhiệt tình, trách nhiệm, nắm vững thủ tục quản lý nguồn vốn chính sách, qua đó hướng dẫn các thành viên trong tổ được vay vốn thuận tiện và sử dụng đồng vốn đúng mục đích, đạt hiệu quả kinh tế cao.

Ông Đặng Công Tương - Tổ trưởng Tổ TK&VV thôn Thanh Nhứt (xã Cẩm Thanh, TP.Hội An) cho biết, hiện địa phương có 58 hộ vay vốn với dư nợ hơn 2,2 tỷ đồng. Trong quá trình thu lãi định kỳ và kêu gọi gửi tiết kiệm, có không ít hộ chây ỳ.

Vậy là ông Tương kiên quyết, cố gắng bằng nhiều hình thức như vận động liên tục, nếu không hiệu quả thì nhờ UBND xã Cẩm Thanh xử lý. Đến nay, 100% hộ nộp lãi, gửi tiết kiệm.

Cứ vào ngày 9 hằng tháng, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH TP.Hội An tổ chức giao dịch ở xã Cẩm Thanh, ông Tương đều có mặt, lắng nghe các nội dung về tín dụng chính sách để nắm rõ, phổ biến cụ thể đến các hộ vay vốn. Để quản lý tốt nguồn vốn, ông Tương tham gia đầy đủ các lớp tập huấn của cán bộ tín dụng chính sách.

“Phải ghi chép cụ thể, rõ ràng vào sổ để quản lý vốn chính sách hiệu quả. Với các cách làm hay của hộ vay vốn, biểu dương để lan tỏa rộng hơn trong cuộc sống. Mình chia sẻ các khó khăn của hộ vay vốn và đề xuất giải quyết với các ngành, các cấp liên quan” - ông Tương nói.

Giải quyết bất cập

Chất lượng hoạt động của các tổ TK&VV hầu hết được quyết định bởi yếu tố có hay không phát sinh nợ quá hạn, nợ xấu. Trong số đó, có nguyên nhân là công tác tuyên truyền của tổ trưởng chưa hiệu quả, hộ vay vốn sử dụng vốn vay không hiệu quả, chây ỳ trách nhiệm trả nợ, bỏ đi khỏi nơi cư trú. Cũng có nguyên nhân khách quan là rủi ro do thiên tai, dịch bệnh nên hộ vay vốn chưa kịp thời trả nợ.

Bà Trần Thị Minh - Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH Quảng Nam cho biết, có tổ TK&VV chưa đạt là do tổ trưởng chưa thể hiện hết trách nhiệm trong đôn đốc, kiểm tra, giám sát quá trình sử dụng vốn của người vay.

Có tổ trưởng chưa tham dự đầy đủ các buổi họp giao ban hằng tháng của ngân hàng chính sách tại điểm giao dịch xã nên chưa nắm bắt được thông tin mới, do vậy khi thực hiện còn gặp khó khăn, nhất là lúng túng trong xử lý vụ việc phát sinh. Cũng có trường hợp lưu trữ hồ sơ sổ sách theo dõi hoạt động vay vốn tại một số tổ TK&VV chưa đầy đủ, chưa khoa học.

Ông Nguyễn Hậu - Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH Núi Thành cho biết, rất cần sự quan tâm, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, các hội, đoàn thể đối với hoạt động của tổ TK&VV để kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc và có biện pháp tháo gỡ, xử lý kịp thời.

Các tổ trưởng cùng các tổ viên trong tổ TK&VV cần thực hiện đúng quy ước, sinh hoạt định kỳ hằng tháng, trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất, chuyển giao khoa học - kỹ thuật để sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Theo ông Lê Hùng Lam - Giám đốc Ngân hàng CSXH Quảng Nam, chất lượng hoạt động của các tổ TK&VV có ý nghĩa đặc biệt quan trọng bởi là mạng lưới trực tiếp làm nhiệm vụ ủy thác vốn vay, quyết định chất lượng tín dụng chính sách.

Điều cần thiết là phối hợp giữa chính quyền địa phương, các hội, đoàn thể và ngân hàng chính sách cần chặt chẽ hơn, qua đó theo dõi, đánh giá chất lượng tổ TK&VV sâu sát hơn. Chỉ có vậy mới kịp thời củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động tổ TK&VV, đảm bảo hoạt động ủy thác thông suốt, liên tục và hiệu quả.

ĐĂNG CAO