Cơ hội cho sản phẩm đặc trưng Quảng Nam

VĨNH LỘC 03/08/2022 07:47

Trong khuôn khổ Hội chợ quốc tế thương mại, du lịch và đầu tư Hành lang kinh tế Đông Tây, lần đầu tiên gần 300 sản phẩm đặc trưng của tỉnh sẽ tham gia Ngày hội sản phẩm Quảng Nam tại TP.Đà Nẵng. Đây được xem là cơ hội xúc tiến thương mại và quảng bá du lịch địa phương hiệu quả, góp phần kết nối, tiêu thụ nông sản Quảng Nam đến các đối tác, thị trường trong và ngoài nước.

Ngày hội sản phẩm Quảng Nam tại TP.Đà Nẵng được xem là cơ hội xúc tiến thương mại cho các sản phẩm nông thôn địa phương hiệu quả. Ảnh: V.L
Ngày hội sản phẩm Quảng Nam tại TP.Đà Nẵng được xem là cơ hội xúc tiến thương mại cho các sản phẩm nông thôn địa phương hiệu quả. Ảnh: V.L

Kết nối đối tác

Những ngày qua, ông Phạm Đức Hoàng - chủ Cơ sở kinh doanh trầm hương Phượng Hoàng (xã Quế Trung, Nông Sơn) tất bật đóng gói, chuẩn bị hàng hóa để kịp mang ra Đà Nẵng tham gia Ngày hội sản phẩm Quảng Nam (chính thức khai mạc vào tối mai 4.8).

Theo ông Hoàng, tham gia hội chợ là cơ hội quý giá để sản phẩm tiếp cận thị trường. “Không biết người khác thế nào chứ riêng tôi thấy tham gia các hội chợ rất hiệu quả, không chỉ ở việc bán hàng mà còn giúp tôi kết nối được nhiều đối tác, bình quân mỗi hội chợ tôi có thêm vài khách hàng mới nên hơn mười năm nay rất ít khi tôi vắng mặt hội chợ nào” - ông Hoàng nói.

Hội chợ quốc tế thương mại, du lịch và đầu tư Hành lang kinh tế Đông Tây - Đà Nẵng 2022 (EWEC - Đà Nẵng 2022) do Sở Công Thương TP.Đà Nẵng phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức diễn ra từ ngày 3 - 8.8 quy tụ hơn 400 gian hàng của 235 tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia. Sự kiện với mục tiêu thúc đẩy giao lưu thương mại, du lịch và đầu tư giữa các địa phương thuộc các nước nằm trên tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây, trong khu vực ASEAN và các nước đối tác...

Bà Trần Thị Tuyết Nhung - chủ Cơ sở gốm Sơn Thúy (phường Thanh Hà, TP.Hội An) cũng bày tỏ sự kỳ vọng trong chuyến đi lần này. Khác với phần lớn cơ sở gốm Thanh Hà hiện nay chỉ làm gốm đỏ (đất nung), cơ sở gốm Sơn Thúy chủ yếu làm gốm tráng men.

“Gốm tráng men thủ công Thanh Hà từng là sản vật tiến vua rất nổi tiếng trong lịch sử nhưng bây giờ ít người biết đến. Tham gia ngày hội lần này tôi muốn giới thiệu sản phẩm gốm tráng men của làng đến người tiêu dùng, nhất là những đối tác, khách hàng lớn để quảng bá và tiêu thụ sản phẩm lâu dài trong tương lai” - bà Nhung bộc bạch.

Ngày hội sản phẩm Quảng Nam tại TP.Đà Nẵng diễn ra từ 4 - 8.8 dự kiến có gần 300 sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm đặc trưng và nông sản đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, VietGAP đến từ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể toàn tỉnh tham gia.

Ngoài ra, còn có 25/268 sản phẩm làng nghề, làng nghề truyền thống được công nhận là sản phẩm OCOP từ 3 đến 4 sao đến từ các làng nghề nổi tiếng như mộc Kim Bồng, gốm Thanh Hà (Hội An), nước mắm Duy Trinh, khăn lụa Mã Châu (Duy Xuyên), thổ cẩm Cơ Tu (Đông Giang)… cũng tham gia sự kiện.

Mở rộng thị trường

Quảng Nam là địa phương có nhiều sản phẩm OCOP. Đến nay, toàn tỉnh có 268 sản phẩm OCOP (222 sản phẩm 3 sao, 45 sản phẩm 4 sao, 1 sản phẩm tiềm năng 5 sao) của 207 chủ thể, chủ yếu tập trung vào các ngành hàng như thực phẩm, đồ uống, thảo dược, thủ công mỹ nghệ, vải, may mặc, dịch vụ du lịch nông thôn, điểm du lịch...

Mặc dù nhiều sản phẩm nông sản đã tham gia vào chuỗi cung ứng của các hệ thống phân phối lớn trong nước như Big C, Coopmart, Lotte hoặc tiêu thụ trên sàn giao dịch thương mại điện tử Sendo, Postmart, Shopee... Tuy vậy, tìm đầu ra cho nông sản vẫn luôn là vấn đề được quan tâm.

Ngày hội sản phẩm Quảng Nam tại TP.Đà Nẵng được xem là cơ hội xúc tiến thương mại cho các sản phẩm nông thôn địa phương hiệu quả. Ảnh: V.L
Ngày hội sản phẩm Quảng Nam tại TP.Đà Nẵng được xem là cơ hội xúc tiến thương mại cho các sản phẩm nông thôn địa phương hiệu quả. Ảnh: V.L

Theo ông Hường Văn Minh – Phó Giám đốc Sở Công Thương, Hội chợ quốc tế thương mại, du lịch và đầu tư Hành lang kinh tế Đông Tây là một trong các sự kiện lớn nhất miền Trung – Tây Nguyên với sự tham gia của doanh nghiệp cả nước, kể cả những doanh nghiệp đến từ Lào, Thái Lan.

Do đó, việc ban tổ chức bố trí một diện tích lớn (450m2) cho phép Quảng Nam tổ chức Ngày hội sản phẩm của tỉnh tại hội chợ được xem là cơ hội lý tưởng để quảng bá sản phẩm đến bạn bè trong nước và quốc tế.

Đặc biệt, thông qua sự kiện sẽ góp phần quảng bá, giới thiệu các điểm đến du lịch, đồng thời nắm bắt được thị hiếu của thị trường đối với các điểm đến Quảng Nam. Từ đó tiến hành điều chỉnh sản xuất, đổi mới công tác tuyên truyền, nâng cao chất lượng sản phẩm.

“Ngày hội sản phẩm Quảng Nam sẽ tạo ra kênh kết nối giao thương giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước với các doanh nghiệp, HTX tỉnh Quảng Nam, góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Bên cạnh đó, trong khuôn khổ sự kiện cũng sẽ diễn ra hội nghị kết nối cung cầu do Sở Công Thương TP.Đà Nẵng và Sở Công Thương tỉnh Quảng Nam đồng chủ trì, đây sẽ là diễn đàn để các chủ thể, doanh nghiệp găp gỡ, kết nối nhau nên chúng tôi rất kỳ vọng sự kiện lần này” - ông Minh nói.

VĨNH LỘC