Triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% theo nghị định của Chính phủ: Doanh nghiệp khó tiếp cận

VIỆT NGUYỄN 01/08/2022 07:45

Nghị định 31 của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách nhà nước được kỳ vọng sẽ giúp doanh nghiệp tăng thêm vốn, mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh sau ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng hiện doanh nghiệp khó tiếp cận gói hỗ trợ này.

BIDV là một trong những ngân hàng thương mại đang triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2%. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
BIDV là một trong những ngân hàng thương mại đang triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2%. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Nhiều ý kiến cho rằng, hỗ trợ lãi suất 2% là chính sách thiết thực vì mục đích hỗ trợ doanh nghiệp (DN) để khôi phục kinh tế. Nhưng, đối tượng tiếp cận lại là DN “khỏe” - hầu như rất ít chịu tác động xấu của đại dịch; trong khi đó, các DN yếu hơn - suy kiệt trong đại dịch rất cần được trợ giúp thì đành phải đứng ngoài cuộc.

Vướng đủ thứ

Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam đã có nhiều văn bản chỉ đạo các ngân hàng thương mại nhanh chóng triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% có tổng trị giá 40.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, từ tháng 5 - thời điểm có hiệu lực đến nay, nhiều DN chưa thể “với” tới gói hỗ trợ này.

Ông Võ Tấn Sanh - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Bình Đào (Thăng Bình) cho biết đang vay nhiều khoản của một số ngân hàng trên địa bàn. Tuy nhiên, chưa được hỗ trợ lãi suất 2% dù cho gói hỗ trợ này áp dụng cho các khoản vay từ ngày 1.1.2022. “Đối với gói cho vay ưu đãi hỗ trợ lãi suất 2%, có ngân hàng bảo chúng tôi khó đáp ứng điều kiện về tài sản thế chấp, phương án kinh doanh. Mong ngành ngân hàng nới lỏng điều kiện vay vốn để DN có thể tiếp cận gói hỗ trợ” - ông Sanh nói.

Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam, các ngân hàng thương mại cần thông tin, tư vấn đầy đủ cho DN để kịp thời nắm bắt, tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất 2%. Các ngân hàng thương mại cần thống nhất để tránh trường hợp mỗi nơi triển khai mỗi kiểu, cùng một DN nhưng ngân hàng này không cho vay trong khi ngân hàng khác lại cho vay.

Ông Phạm Văn Huệ - Giám đốc HTX Sản xuất dầu thực vật nguyên chất Bảo Tâm (Tam Kỳ) cho biết, rất cần vốn vay, nhất là được hỗ trợ lãi suất để khôi phục hoạt động. Đại dịch đã qua nhưng DN vẫn khó khăn do co cụm thị trường, đơn hàng sụt giảm.

“Ngân hàng thương mại bảo đang triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% nhưng rà soát các điều kiện, thủ tục, quy định chưa thể trả lời là có hay không được hỗ trợ. Tôi biết gói hỗ trợ lãi suất có hiệu lực 2 tháng nay rồi, mong các ngân hàng nhiệt tình vào cuộc giúp DN tiếp cận” - ông Huệ nói.

Ông Phạm Trọng - Phó Giám đốc phụ trách Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam cho biết, có nhiều trường hợp DN không được tiếp cận gói hỗ trợ 2% như lâm vào nợ xấu hoặc được cơ cấu lại thời gian trả nợ. DN tiếp cận gói hỗ trợ phải “khỏe”, có tài sản thế chấp, phương án kinh doanh đáp ứng được các quy định vay vốn theo yêu cầu của ngân hàng thương mại.

Nghị định 31 trước khi được thông qua đã được Chính phủ cân nhắc rất nhiều. Khi đặt điều kiện DN không có nợ đang được cơ cấu, nợ xấu mới được tiếp cận thì chính sách hỗ trợ này gây khó khăn cho DN vừa và nhỏ nhưng an toàn, hạn chế rủi ro, tránh hậu quả như gói hỗ trợ lãi suất 17.000 tỷ đồng trong năm 2009.

Không để xảy ra “điểm nghẽn”

Ông Hà Thạch - Giám đốc Agribank Quảng Nam cho biết, gói hỗ trợ 2% lãi suất là rất thiết thực nên đang khẩn trương triển khai. Vì thời gian triển khai mới chỉ 2 tháng, nhiều DN chưa đến hạn trả nợ nên chưa thể thống kê số lượng cụ thể bao nhiêu DN đã tiếp cận với tổng dư nợ của chương trình.

Ông Phạm Văn Huệ cho rằng đang “khát” vốn và rất cần tiếp cận gói hỗ trợ 2% lãi suất. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Ông Phạm Văn Huệ cho rằng đang “khát” vốn và rất cần tiếp cận gói hỗ trợ 2% lãi suất. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Trong khi đó, ông Phạm Quốc Hùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội DN Quảng Nam cho rằng, nếu không đáp ứng đủ quy định thì nhiều DN không tiếp cận được gói hỗ trợ lãi suất 2% là… bình thường.

“Chúng tôi sẽ rà soát quá trình tiếp cận gói hỗ trợ của các DN để nhận diện các vướng mắc, đề xuất các giải pháp giải quyết, giúp DN tiếp cận gói hỗ trợ trong năm nay và năm tiếp theo” - ông Hùng nói.

Trong khi hầu hết DN đều kiến nghị ngân hàng giảm thủ tục, hồ sơ, quy định, nhất là nới lỏng điều kiện vay gói hỗ trợ 2% thì ông Phạm Trọng khẳng định ngân hàng sẽ không hạ chuẩn tín dụng cho vay gói hỗ trợ để giữ vững chất lượng tín dụng, hạn chế rủi ro vay vốn.

Ông Phạm Trọng cho biết, ngay sau khi Nghị định 31 được Chính phủ ban hành, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam đã đôn đốc và đến nay các ngân hàng thương mại đã hoàn thành đăng ký kế hoạch hỗ trợ lãi suất 2% theo quy định.

Về tổng dư nợ và số lượng DN được tiếp cận gói hỗ trợ 2%, ông Phạm Trọng cho rằng, chưa thể thống kê chi tiết. Thời gian tới, sẽ tổ chức họp với các ngân hàng thương mại để đánh giá thực chất triển khai gói hỗ trợ lãi suất của Chính phủ.

Đặc biệt, kịp thời tháo gỡ vướng mắc của các ngân hàng thương mại; thực hiện việc thông báo hạn mức hỗ trợ lãi suất, thanh quyết toán hỗ trợ lãi suất. Ngoài ra, chú trọng công tác thanh tra, giám sát việc cho vay hỗ trợ lãi suất của các ngân hàng thương mại, đảm bảo chính sách được triển khai đến đúng đối tượng.

“Triển khai gói hỗ trợ lãi suất là nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng Quảng Nam trong năm nay và năm 2023 nên phải thực hiện công khai, minh bạch, rõ ràng, nhất là không để xảy ra điểm nghẽn” - ông Phạm Trọng nói.

VIỆT NGUYỄN