Đa dạng tiếp thị làng nghề sản xuất nước mắm truyền thống ở Tam Thanh
(QNO) - Cùng với việc gìn giữ giá trị truyền thống làng nghề để lại, các cơ sở sản xuất chế biến nước mắm trên địa bàn xã Tam Thanh (TP.Tam Kỳ) đã và đang tiếp cận với các kênh bán hàng theo xu hướng mới và mạnh dạn phát triển du lịch từ chính sản phẩm của mình.
Với người dân xã Tam Thanh, nghề làm nước mắm truyền thống được "cha truyền con nối". Biết bao đứa trẻ vùng biển Tam Thanh lớn lên từ những gánh mắm của mẹ. Trước đây các mẹ, các chị với đôi bầu mắm trên vai, lội bộ khắp nơi để đổi lấy khoai, gạo nuôi sống gia đình. Vì vậy, bây giờ chính quyền Tam Thanh đẩy mạnh việc phục hồi và phát triển nghề sản xuất truyền thống.
Chuyển đổi kênh bán hàng mới
Trước sự ra đời của nhiều dòng nước mắm công nghiệp lẫn truyền thống trên thị trường, làng nghề nước mắm Tam Thanh đứng trước sự cạnh tranh khốc liệt. Chị Lê Thị Ngọc Tầm - HTX nước mắm Ngọc Lan chia sẻ, cách bán hàng truyền thống chở mắm đến từng nhà, hay chờ khách đến tận nơi mua đã không còn phổ biến. Hiện nay, kênh bán hàng online phát triển mạnh, đặc biệt trong thời gian dịch Covid-19. Tình hình mới thì cần phải thay đổi để thích nghi.
Hiện nay, HTX nước mắm Ngọc Lan, Tam Thanh chủ động tham gia vào chương trình OCOP. Tại đây, những người làm mắm truyền thống được tiếp cận thông tin, kiến thức mới, mạnh dạn chuyển đổi cho phù hợp.
Những chuyển đổi đầu tiên về bao bì, mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm mang lại tín hiệu vui cho 2 cơ sở trên khi được công nhận đạt 3 sao OCOP cấp tỉnh. Các sản phẩm đều có mã QR code, mã vạch để khách hàng có thể truy xuất nguồn gốc xuất xứ, kiểm tra thông tin vệ sinh an toàn thực phẩm, an tâm sử dụng.
“Bên cạnh sử dụng các nền tảng xã hội như zalo, facebook để tiếp cận khách hàng, HTX Ngọc Lan còn xây dựng website để khách hàng có cơ hội hiểu rõ hơn sản phẩm, bởi thời đại công nghệ số khách hàng có xu thế tìm kiếm thông tin từ website của doanh nghiệp trước khi quyết định mua hàng” - chị Tầm nói.
Hay HTX Nông nghiệp và kinh doanh dịch vụ Cát Trắng đang áp dụng thành công công nghệ sản xuất nước mắm bằng năng lượng mặt trời, kết hợp hệ thống gia nhiệt bổ sung và náo đảo tự động, giúp nâng cao chất lượng và sản lượng nước mắm. Nhờ quy trình sản xuất khép kín nên nước mắm giữ nguyên được hương vị đặc trưng, quá trình gia nhiệt giúp điều chỉnh độ mặn phù hợp với khẩu vị người dùng, đặc biệt nước mắm không bị đổi màu.
Từ sự hỗ trợ của chính quyền TP.Tam Kỳ và xã Tam Thanh, các sản phẩm nước mắm truyền thống Tam Thanh được tham gia các hội chợ, trưng bày nhiều nơi, được đưa lên các sàn thương mại điện tử như OCOP Quảng Nam, nông sản vùng miền, VNpost, shopee.
Theo các chủ cơ sở sản xuất nước mắm ở Tam Thanh, thêm kênh bán hàng giúp thị trường mở rộng từ “offline” sang “online”, giúp HTX, cơ sở thu hút nhiều khách hàng tiềm năng, lượng đơn hàng bán ra nhiều hơn và sản phẩm đã mở rộng thị trường tiêu thụ đến Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương…
Gắn kết phát triển du lịch cộng đồng
Biển Tam Thanh, Làng bích họa là những địa điểm du lịch hấp dẫn, thu hút đông khách du lịch tham quan. Do vậy, HTX Ngọc Lan đã chủ động khai thác giá trị văn hóa làng nghề nước mắm truyền thống để phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng tại địa phương, đồng thời tận dụng sự phát triển của du lịch cộng đồng kích thích phát triển làng nghề.
“Kênh fanpage, youtube được phát huy, qua những bài chia sẻ, chúng tôi nhận được sự tương tác, tiếp cận được nhiều người. Bằng cách chuyển tải vẻ đẹp của đất và người Tam Thanh, những hoạt động thú vị tại Làng bích họa đã thu hút nhiều người ở khắp nơi đến làng nghề sản xuất nước mắm, kể cả du khách nước ngoài” - chị Tầm nói.
Thời gian gần đây, HTX Ngọc Lan tổ chức các tour trải nghiệm tại xưởng sản xuất nước mắm dành cho học sinh, du khách. Du khách thích thú khi tham quan khu ủ chượp, tìm hiểu cách làm mắm thủ công và quy trình sản xuất của làng nghề. Tại cơ sở chế biến, du khách tham quan tận mắt chứng kiến nguyên liệu đầu vào, ngửi mùi mắm đặc trưng và nếm vị nước mắm nguyên chất...
Từ đó, những chai nước mắm theo chân du khách đi nhiều nơi, theo những "check in" của du khách tiếp cận nhiều người hơn và được khách hàng tin dùng qua những câu chuyện kể của du khách.
Trải nghiệm làng nghề truyền thống không chỉ đưa hình ảnh nước mắm đến gần người tiêu dùng, làm phong phú thêm dịch vụ cho du lịch cộng đồng Tam Thanh, mà còn gìn giữ và phát triển nét đẹp văn hóa địa phương.