[eMagazine] - Làng nghề Quảng Nam thay đổi để tồn tại

VĨNH LỘC 25/07/2022 08:48

(QNO) – Đa dạng mẫu mã sản phẩm, chuyển đổi phương thức kinh doanh, chú trọng thương mại điện tử được xem là “chìa khóa” thành công của một số cơ sở sản xuất làng nghề Quảng Nam hiện nay nhằm mở ra hướng đi mới cho sản phẩm làng nghề xứ Quảng trước sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường.

 
 

Linh hoạt thích ứng

Từ đầu năm đến nay Công ty TNHH Gỗ nghệ thuật Âu Lạc (xã Điện Phong, Điện Bàn) tất bật sản xuất đơn hàng gồm 11 tác phẩm về lịch sử tôn giáo (kích thước trung bình hơn 1m2) cho một nhà thờ công giáo của cộng đồng người Việt sinh sống ở California (Mỹ). Dự kiến cuối năm nay sẽ bàn giao toàn bộ lô hàng. Đây là những tác phẩm làm bằng gỗ anh đào nhập từ Ý về, nội dung chuyển tải câu chuyện tôn giáo trên đất nước Việt Nam liên quan đến Hội An, Dinh trấn Thanh Chiêm sự và ra đời của chữ Quốc ngữ cũng như hành trình truyền giáo của các cha đạo Alexandre de Rhodes, Francesco De Pina…

Theo ông Trần Thu – Giám đốc Công ty TNHH Gỗ nghệ thuật Âu Lạc, không phải ngẫu nhiên mà Âu Lạc có được đơn hàng này. Để tạo dựng được thương hiệu như hôm nay là quá trình nỗ lực không ngừng nghỉ của gỗ nghệ thuật Âu Lạc. Trước khi nhận được đơn đặt hàng từ Mỹ, rất nhiều công trình Phật giáo bên Thái Lan cũng đã đặt hàng cho Âu Lạc sản xuất như tượng Phật Bà nghìn mắt nghìn tay (cao 4,7m x 4m), tượng Phật Thích Ca… Ngoài ra, hàng chục sản phẩm của Âu Lạc cũng đã được khách hàng nhiều nơi trên thế giới đặt mua.

 

Mới đây, Công ty TNHH Gỗ nghệ thuật Âu Lạc đã trở thành doanh nghiệp đầu tiên và duy nhất ở Quảng Nam có kênh Youtube được tặng nút vàng khi đạt 1 triệu người đăng ký theo dõi. Bằng những clip ngắn quay lại quá trình chế tác và hoàn thiện sản phẩm, các nghệ nhân Âu Lạc đã mang đến người xem cảm giác thích thú khi được xem chi tiết sự ra đời của một sản phẩm gỗ mỹ nghệ từ thô sơ đến tinh xảo, giúp yên tâm mua hàng.

Ông Trần Thu cho biết, bên cạnh tay nghề giỏi để trình diễn thì tiếng Anh cũng rất quan trọng vì 90% người theo dõi, bình luận trên kênh Youtube của Âu Lạc là người nước ngoài. Dù vậy, mẫu mã sản phẩm mới được xem là yếu tố then chốt giúp thu hút lượng lớn người theo dõi và đặt mua hàng, nhất là khách hàng trẻ tuổi. Với sự giúp sức của con trai (từng học đại học chuyên ngành mỹ thuật) ông Thu đã đưa ra thị trường nhiều sản phẩm được chế tác theo hình mẫu các nhân vật hoạt hình mà giới trẻ toàn cầu đang yêu thích.

Con trai ông Thu đã mua hàng trăm tập truyện hoạt hình, xem hàng trăm phim hoạt hình và tham gia các nhóm yêu thích phim hoạt hình trên mạng để biết nhân vật nào đang được giới trẻ hâm mộ. Đến nay, thị trường sản phẩm Âu Lạc đã mở rộng đến nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Pháp, Úc, Đài Loan… đối tượng khách hàng chủ yếu là người trẻ tuổi. 

[VIDEO] - Chế tác gỗ theo mẫu các nhân vật hoạt hình tại Công ty TNHH Gỗ nghệ thuật Âu Lạc

Đa dạng mẫu mã, phù hợp thị hiếu khách hàng được xem là một trong những yếu tố giúp sản phẩm làng nghề sống được. Từ vài năm nay, nhiều cơ sở sản xuất làng nghề như gốm Thanh Hà, mộc Kim Bồng (Hội An), dệt lụa Mã Châu (Duy Xuyên) hay sản phẩm đất nung Lê Đức Hạ (Điện Bàn) đã chọn phát triển theo hướng này.

Ông Lê Đức Hạ - chủ cơ sở Đất nung Lê Đức Hạ khẳng định, việc thay đổi mẫu mã đóng vai trò quyết định đối với doanh nghiệp, nếu không thay đổi mẫu mã sản phẩm sẽ thất bại. Tại cơ sở Đất nung Lê Đức Hạ trung bình mỗi tháng có trên 10 mẫu sản phẩm mới ra đời. Hiện tổng số mẫu của cơ sở đạt gần 500, và con số này không ngừng được bổ sung, thay đổi theo yêu cầu, thị hiếu khách hàng như bình hoa, giá đèn, tháp, tư­ợng, phù điêu, linga, vũ nữ... cùng rất nhiều sản phẩm trang trí nội ngoại thất như đèn vườn, đèn trụ, đèn áp tường, đèn treo, tượng tròn, bình, lọ...

 

Thổi hồn vào sản phẩm

Bên cạnh cải tiến công nghệ, phương thức sản xuất, đa dạng mẫu mã sản phẩm luôn được các doanh nghiệp quan tâm đặt lên hàng đầu nhằm đáp ứng yêu cầu thị hiếu khách hàng.

Theo ông Huỳnh Sướng – Chủ cơ sở mộc Kim Bồng Huỳnh Ri (xã Cẩm Kim, TP.Hội An), trong bối cảnh thị trường cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, để tồn tại, làng nghề không chỉ đa dạng mẫu mã sản phẩm mà còn phải chuyển tải được các giá trị văn hóa bản địa, đây vừa là quy luật vừa là yêu cầu bắt buộc của mọi làng nghề.

Tại Kim Bồng, sản phẩm làng nghề đã chuyển dịch từ các công trình nhà cổ, đình chùa, bàn nghế… sang những sản phẩm dân dụng và lưu niệm phục vụ du lịch. Rất nhiều sản phẩm đã chuyển tải được các giá trị văn hóa bản địa đặc trưng của phố Hội như đĩa Chùa Cầu, khay gỗ, phố cố…

Ông Huỳnh Sướng quan niệm, sản phẩm mộc Kim Bồng không phải là những vật hữu hình mà phải hàm chứa các giá trị văn hóa phi vật thể bên trong nó, kể cả gắn với không gian làng nghề tiếng đục tiếng gõ để tạo nên sản phẩm mang bản sắc riêng, giá trị riêng.

 

Còn ông Trần Hữu Phương – Giám đốc Công ty TNHH Tơ lụa Mã Châu (Nam Phước, Duy Xuyên) khẳng định, yếu tố làm nên sức sống làng nghề chính là các giá trị văn hóa bản địa, với sản phẩm lụa tơ tằm, yếu tố này còn rất quan trọng.

“Nếu như lụa Bảo Lộc (Lâm Đồng) sản xuất với quy mô công nghiệp nhờ vào máy móc hiện đại thì lụa Mã Châu được sản xuất theo phương thức truyền thống thủ công tự nhiên gắn với đặc trưng, đặc thù văn hóa Việt Nam, nơi khác không thể nhái được” - ông Phương so sánh.

Mặc dù doanh nghiệp ông Phương cũng đã đầu tư máy móc, công nghệ hiện đại vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất nhưng vẫn giữ được những đặc trưng nổi bật của lụa truyền thống Mã Châu như mềm, rũ, chống ẩm, chống hôi… điều này đã giúp tạo nên sức sống co sản phẩm cho nghề.

 

Theo ông Nguyễn Văn Tiếp – Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ tỉnh Quảng Nam, để làng nghề sống được các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất cần tái cấu trúc sản phẩm trên cơ sở nghiên cứu nhu cầu thị trường, soát xét lại danh mục sản phẩm hiện có, cần xác định những sản phẩm chủ lực cần duy trì, phát triển, những sản phẩm không có thị trường thì nên kiên quyết loại bỏ. Phải ứng dụng công nghệ mới, tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, nghiên cứu đổi mới mẫu mã, khai thác thị trường…  

 

Họa sĩ Lê Thiết Cương, người nổi tiếng với các tác phẩm về làng nghề Việt Nam gợi ý, để làng nghề sống được phải đưa được câu chuyện nghệ thuật hiện đại vào với các sản phẩm truyền thống của nghề, làm cho truyền thống không bị đóng băng, không đứng im một chỗ mà phải chuyển động, hay đúng hơn phải đa dạng mẫu mã sản phẩm, phù hợp với thị hiếu và nhu cầu hiện tại, đây là câu chuyện vô cùng quan trọng và ý nghĩa.

 
 

Những năm gần đây, thị trường thương mại điện tử trở nên khá sôi động, trở thành phương thức kinh doanh phổ biến. Sự đa dạng về mô hình hoạt động, đối tượng tham gia dựa trên những hỗ trợ của hạ tầng internet và các ứng dụng công nghệ đã đưa thương mại điện tử thành phương thức kinh doanh không thể thiếu trong phát triển kinh tế số. Thói quen mua hàng của người tiêu dùng cũng dần dịch chuyển từ truyền thống sang mua hàng online không dùng tiền mặt.

Dịch Covid-19 bùng phát, hoạt động thương mại điện tử càng được đẩy mạnh. Thông qua các hình thức bán hàng trực tuyến và giao dịch trên sàn thương mại điện tử một số cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, làng nghề không chỉ sống được, thậm chí còn tăng trưởng tốt. Khảo sát tại một số doanh nghiệp, cơ sở làng nghề… doanh thu từ thương mại điện tử chiếm bình quân hơn 55% tổng doanh thu đơn vị. Đơn cử, tại Công ty TNHH Tơ lụa Mã Châu, nếu như trước dịch, sản phẩm Mã Châu chủ yếu bán sỉ cho các nhà sản xuất để may xuất khẩu và tiêu thụ tại các khu du lịch (áo, khăn, cà vạt…) tuy nhiên kể từ sau dịch Covid-19, thị trường tiêu thụ chính của doanh nghiệp đã mở rộng đa dạng sang kênh online và sàn thương mại điện tử. Bình quân, mỗi tháng công ty xuất khoảng 10.000 mét lụa nhờ thương mại điện tử.

Tương tự, tại cơ sở Đất nung Lê Đức Hạ, kinh doanh trực tuyến đang dần trở thành kênh bán hàng hiệu quả. Từ năm 2020 khi dịch Covid-19 bùng phát, hoạt động kinh doanh đình trệ cơ sở bắt đầu chuyển hướng kinh doanh sang hình thức online, đến nay doanh thu từ bán hàng qua mạng chiếm khoảng 50% tổng doanh thu đơn vị.

 

Đầu năm nay, Sở Công Thương đã xây dựng và đưa vào hoạt động trang thông tin sản phẩm tỉnh Quảng Nam hoạt động tại tên miền http://sanpham.quangnam.gov.vn và được tích hợp trên ứng dụng di động smart Quang Nam, trở thành trang thông tin chính thức thông tin về các sản phẩm của tỉnh. Trước đó, Bưu điện Quảng Nam cũng đã đưa gần 120 nhà cung cấp sản phẩm OCOP sản phẩm vùng miền với khoảng 245 sản phẩm, cập nhật thông tin của gần 50 nghìn hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn và hệ thống điểm bán hàng của bưu điện.

Theo ông Đặng Bá Dự - Giám đốc Sở Công Thương, thương mại điện tử đang và sẽ là xu hướng của tương lai. Vì vậy, sàn thương mại điện tử http://sanpham.quangnam.gov.vn ra đời cũng chính là cách hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp và người tiêu dùng thuận lợi trong việc tìm kiếm, kết nối mua bán sản phẩm, hàng hóa.

Mọi người dân, doanh nghiệp đều có thể đưa sản phẩm lên giới thiệu, giao dịch mà không phải đóng phí. Đặc biệt, do được tích hợp nhiều tính năng liên kết trực tiếp đến đơn vị cung ứng cũng như tích hợp chỉ dẫn địa lý trên hệ thống bản đồ GIS nên rất thuận lợi trong hoạt động tìm kiếm, quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm.

Đến nay, khoảng 500 sản phẩm đã được kết nối vào trang sản phẩm Quảng Nam theo nhiều nhóm ngành hàng khác nhau như sản phẩm OCOP, nông sản, thủ công mỹ nghệ, hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu, hàng tiêu dùng… qua đó không chỉ đưa những sản phẩm chủ lực của tỉnh lên sàn mà còn giúp giới thiệu đến các sàn thương mại khác như Postmart, Sendo… thông qua chức năng liên kết.

Dù vậy, phát triển thương mại điện tử cũng không hề dễ dàng với các doanh nghiệp. Ngoài yếu tố công nghệ hay ngoại ngữ còn đòi hỏi cơ sở làng nghề phải có khả năng quản trị và tiếp cận khách hàng theo phương thức mới (đăng hình, clip, giới thiệu online, quảng bá sản phẩm…), điều này hoàn toàn khác với các hoạt động thương mại thông thường.

[VIDEO] - Ông Trần Thu - Công ty TNHH Gỗ nghệ thuật Âu Lạc 

Ông Lê Đức Hạ thừa nhận, kinh doanh thương mại điện tử rất khó khăn, doanh nghiệp phải tự làm hoàn toàn. Tại cơ sở gốm của mình, ông Lê Đức Hạ phải đích thân ngồi thường trực trên máy tính để tương tác, tư vấn khách hàng, chưa kể tiền chạy quảng cáo rất lớn, bình quân mỗi tháng khoảng 10 triệu đồng.

 
 

Du lịch phục hồi đã tạo cơ hội đầu ra cho sản phẩm làng nghề. Một số cơ sở sản xuất làng nghề Quảng Nam bắt đầu đặt văn phòng giao dịch, giới thiệu sản phẩm tại Hội An, gửi tập gấp giới thiệu sản phẩm đến các khách sạn, cơ sở lưu trú, dịch vụ ăn uống, mua sắm…

Thành công nhất của mô hình phát triển du lịch làng nghề phải kể đến các làng nghề Hội An, nhiều năm qua du lịch làng nghề đã trở thành hoạt động thu hút khách với các điểm đến nổi tiếng như gốm Thanh Hà, rau Trà Quế, mộc Kim Bồng…

Ông Nguyễn Văn Lanh – Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An chia sẻ, nghề và làng nghề Hội An có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội địa phương. Hiện tại, Hội An có 4 nghề và một phố nghề gồm làng gốm Thanh Hà, rau Trà Quế, mộc Kim Bồng, làng tre dừa Cẩm Thanh và phố nghề đèn lồng Hội An.

Trước khi xảy ra đại dịch Covid-19, mỗi năm 4 làng nghề Hội An gồm: gốm Thanh Hà, rau Trà Quế, mộc Kim Bồng, làng tre dừa Cẩm Thanh đón trên 1 triệu lượt khách tham quan, riêng năm 2019 hơn 1,4 triệu lượt khách tham quan, trải nghiệm những làng nghề này, doanh thu từ bán vé tham quan hơn 7 tỷ đồng, góp phần thúc đẩy các nghề và làng nghề trên địa bàn thành phố được bảo tồn, phát triển bền vững.

 

Ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở VH-TT&DL khẳng định, Quảng Nam có nhiều tiềm năng phát triển du lịch làng nghề. Đến nay, trong số hơn 30 làng nghề đã được công nhận của tỉnh khoảng 10 làng nghề đã được đưa vào đón khách du lịch. Với những kết quả đạt được, thời gian qua, Sở VH-TT&DL và các sở, ngành liên quan đã tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản, cơ chế, chính sách phát triển du lịch trong đó có du lịch làng nghề.

Một số địa phương như Hội An, Điện Bàn, Nam Giang… cũng đã tập trung đầu tư nguồn lực cho phát triển du lịch làng nghề, làng quê gắn với các hoạt động, dịch vụ trải nghiệm độc đáo, đặc biệt hạ tầng giao thông kết nối các làng nghề cũng được chú trọng đầu tư tạo điều kiện cho các doanh nghiệp lữ hành đưa khách đến…

 

Năm 2019, khoảng 1,9 triệu lượt khách tham quan du lịch các làng nghề Quảng Nam, chiếm trên 24% tổng lượt khách đến Quảng Nam. Nhiều sản phầm làng nghề như đèn lồng, lụa, gốm, con tò he… đã trở thành sản phẩm lưu niệm được nhiều du khách ưa chuộng, mua sắm. Bên cạnh du lịch, việc chủ động thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm làng nghề thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá trưng bày… cũng được nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất làng nghề triển khai mạnh mẽ nhằm kết nối khách hàng, tìm đầu ra cho sản phẩm. Đặc biệt, thông qua các nền tảng mạng xã hội thị trường tiêu thụ sản phẩm cũng trở nên rộng lớn hơn, không chỉ trong nước mà còn ngoài nước. Tại một số cơ sở như gỗ Âu Lạc, gốm Lê Đức Hạ, dệt lụa Mã Châu… khách hàng là người nước ngoài chiếm số lượng tương đối cao và con số này không ngừng tăng trưởng. 

 

VĨNH LỘC