Thúc đẩy kết nối phát triển với thị trường Lào và Thái Lan: Cơ hội của Quảng Nam
Thu hút đầu tư, tăng cường kết nối thương mại, du lịch… với Lào và Thái Lan được xem là “cửa ngõ” để thúc đẩy phát triển theo đà phục hồi kinh tế của Quảng Nam. Gần đây, các ban ngành của tỉnh cũng tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, tìm hiểu môi trường đầu tư của hai nước này.Doanh nghiệp Quảng Nam và hai nước Lào, Thái Lan sẽ có thêm nhiều cơ hội khi “hành lang” kinh tế tiếp tục được mở ra với nhiều tín hiệu khởi sắc, trước hết từ thị trường du lịch, thương mại, kể cả cơ chế chính sách thu hút đầu tư... Một cơ hội mới thật sự đã bắt đầu!
CHỜ SINH LỘ HÀNH LANG KINH TẾ ĐÔNG - TÂY
Cửa khẩu Nam Giang sau 15 năm mở cửa đã chính thức thành cửa khẩu quốc tế vào năm 2021. Con đường ngắn nhất được ví như một sinh lộ kết nối Quảng Nam, miền Trung Việt Nam lên vùng cao nguyên Nam Lào trù phú, giao thương rộng mở Đông Bắc Thái Lan trên hành trình xuyên Á theo Hành lang kinh tế Đông - Tây 2 đang từng ngày chờ khai phóng.
Tiếp tục khai mở
Theo tài liệu công bố tại các diễn đàn Hành lang kinh tế Đông - Tây, Khu kinh tế cửa khẩu Nam Giang gắn liền với việc hình thành ý tưởng Hành lang kinh tế Đông - Tây 2 (EWEC2) nối Đà Nẵng - Nam Giang (Việt Nam) - Sekong - Bolaven - Paksé (Lào) - Ubon Ratchathani - Bangkok (Thái Lan).
Nếu so với các cửa khẩu Thái Lan, cự ly vận chuyển từ vùng Đông Bắc Thái Lan đến cảng Đà Nẵng chỉ mất khoảng 600km, gần hơn khi vận chuyển đến cảng Laem Chabanh (gần Bangkok) 300km và vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu bằng đường biển đến các nước Bắc Á thông qua cảng biển miền Trung (Đà Nẵng, Kỳ Hà) sẽ gần hơn 1.200 hải lý thông qua cảng Bangkok (1.600/2.800 hải lý).
So với các cửa khẩu Bờ Y (Kon Tum) và Lao Bảo (Quảng Trị), cửa khẩu này vẫn chiếm thế thượng phong trong cuộc cạnh tranh thu hút hàng hóa. Chỉ cần 123km đường đến Lạ Màm (thủ phủ Sekong) thông thương, là hàng hóa từ Bangkok về Đà Nẵng chỉ khoảng 300km. Không chỉ vậy, nếu giao thương qua con đường EWEC2 này từ Bangkok về Đà Nẵng chỉ khoảng 1.100km, gần hơn 400km khi phải vận chuyển qua cửa khẩu Lao Bảo.
Vị trí địa lý và dự phóng tương lai đã khiến khu vực này trở thành lực hấp dẫn kéo các nhà đầu tư. Những người “mở đường” phải kể đến là Công ty Tân Nghĩa Sơn (Tam Kỳ) đã đầu tư khai thác khoáng sản ở tỉnh Attapư, Công ty CP Tập đoàn Điện Bàn kinh doanh giống cây trồng và thuốc bảo vệ thực vật tại tỉnh Chămpasak và Sekong (Lào).
Thông qua mối quan hệ hợp tác và sự giới thiệu của Tỉnh trưởng tỉnh Ubon Ratchathani, một số doanh nghiệp của Quảng Nam đã ký kết hợp tác với một số doanh nghiệp của các tỉnh thuộc vùng Đông Bắc Thái Lan.
Công ty TNHH MTV Đại Dương Kính (Cụm công nghiệp Tây An, Duy Xuyên) đã ký kết với Công ty Xây dựng và trang trí nội thất Watsadu tại tỉnh Amnatcharoen để mở đại lý phân phối sản phẩm kính cường lực, kính nội thất tại thị trường Thái Lan và Công ty TNHH Hương Trầm đã ký kết với Công ty Kannika Tour tại tỉnh Udonthani để cung cấp thường xuyên sản phẩm thủ công mỹ nghệ trầm hương và tinh dầu tràm tại thị trường Thái Lan...
Theo thống kê của Ban Quản lý các khu kinh tế và khu công nghiệp Quảng Nam, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2021 qua cửa khẩu quốc tế Nam Giang đạt hơn 62 triệu USD, tăng 217% so với năm 2020.
Sáu tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt hơn 19,6 triệu USD (xuất khẩu đạt hơn 10,5 triệu USD, nhập khẩu đạt hơn 9 triệu USD). Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là máy móc, thiết bị, vật liệu xây dựng thi công, sửa chữa công trình thủy điện bên Lào; nhập khẩu máy móc, thiết bị tái nhập phục vụ thi công công trình, gỗ, nông sản, tinh bột sắn...
Nhìn thấy cơ hội
Có bao nhiêu doanh nghiệp Quảng Nam nhìn thấy EWEC2 chính là “tiền đồn” cho những chuyến xâm nhập lên tận vùng Đông Bắc Thái Lan và là “hậu phương” vững chắc cho những chuyến hải hành dọc ngang trên Thái Bình Dương, lên tận Đông Bắc Á, xuyên Ấn Độ Dương trong tương lai? Bao nhiêu doanh nghiệp Lào, Thái nhìn thấy cơ hội từ sự kết nối của con đường này?
Ông Nguyễn Văn Trương - Giám đốc Công ty CP Xây dựng thanh niên xung phong Quảng Nam (đang đầu tư tại Nam Lào) nói cơ hội đầu tư vẫn còn đầy cho doanh nghiệp với nhiều chính sách cởi mở, người dân địa phương thân thiện, rất dễ cho những cuộc đầu tư làm ăn.
Ông Hồ Văn Lâm - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thái - Việt có chuỗi siêu thị lớn tại Udonthani Thái Lan nói sẵn sàng mở thương vụ, đón hàng Quảng Nam nhập vào bán tại các siêu thị ở Thái Lan.
Theo khảo sát, điều tra của Ban Quản lý các khu kinh tế và khu công nghiệp Quảng Nam, dự báo giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu qua Cửa khẩu quốc tế Nam Giang đến năm 2025 sẽ đạt khoảng 1,16 tỷ USD.
Thống kê và dự báo từ 4 doanh nghiệp đang triển khai các dự án có quy mô lớn, có nhu cầu vận chuyển hàng hóa thông quan qua cửa khẩu này thì nếu quốc lộ 14D được nâng cấp, sửa chữa, kể từ năm 2023, mỗi ngày sẽ có từ 20 đến 30 xe vận chuyển nông sản, vật tư nông nghiệp từ Nam Lào về Quảng Nam với khoảng 600 - 900 tấn/ngày. Sẽ có khoảng từ 10 đến 20 chuyến xe vận chuyển nông sản, quặng than, sắt, đá, boxit, nhôm... từ 6/20 tỉnh vùng Đông Bắc Thái Lan với khoảng 300 tấn/ngày.
Ông Thiều Việt Dũng - Phó ban Quản lý các khu kinh tế và khu công nghiệp Quảng Nam cho biết qua các số liệu phân tích, tuyến đường bộ EWEC2 có nguồn hàng rất lớn và doanh nghiệp có nhu cầu vận chuyển thông quan Cửa khẩu quốc tế Nam Giang ngày càng gia tăng, dễ dàng kết nối cảng biển Quảng Nam thông qua các dự án mở rộng đường, nạo vét, nâng cao năng lực cảng...
Thaco đã sẵn sàng phát triển cảng Chu Lai thành cảng container lớn nhất miền Trung, cửa ngõ trung chuyển quốc tế kết nối Tây Nguyên, Lào, Thái Lan, nhất là nông sản, khoáng sản về cảng Chu Lai để xuất khẩu. Sinh lộ kết nối đầu tư, thương mại hấp dẫn trên hành trình xuyên Á sẽ thêm rộng cửa!
Nâng cấp quốc lộ 14D để nâng cao năng lực vận tải, thông thương hàng hóa
Thông báo kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh về chương trình tổng thể phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Nam Giang (giai đoạn 2022 – 2025, định hướng đến năm 2030) gắn Hành lang kinh tế Đông - Tây 2 (EWEC 2) cho rằng điều chỉnh, định hướng quy hoạch phát triển khu kinh tế này thành khu kinh tế tổng hợp.
Các ngành đề xuất phương án nâng cấp mở rộng tối đa quốc lộ 14D để nâng cao năng lực vận tải, thông thương hàng hóa. Khảo sát, đánh giá thực tế hiện trạng thị trường cung cấp, tiêu thụ hàng hóa, loại hàng, hình thức (nguyên liệu, sơ chế, thành phẩm…), tính chất hàng hóa (xuất nhập khẩu hay quá cảnh) và dự báo tốc độ tăng trưởng, khối lượng hàng hóa; điểm đến, điểm đi, hướng tuyến vận chuyển hàng hóa từ vùng Đông Bắc Thái Lan, vùng Nam Lào qua Cửa khẩu Nam Giang về Việt Nam và ngược lại....
Chuyện kết nối giao thương, đầu tư giữa Lào, Thái với Quảng Nam sẽ được đưa vào chương trình nghị sự cấp cao thường niên giữa các tỉnh Nam Lào - Quảng Nam, theo các chương trình hợp tác phát triển theo tuyến EWEC 2 (2022 - 2025) trên các lĩnh vực thương mại, du lịch, nông nghiệp, công nghiệp chế biến, giao thông kết nối và đẩy mạnh xúc tiến đầu tư theo các thế mạnh của các địa phương.
MỞ RỘNG GIAO THƯƠNG VỚI THÁI LAN
Dù có lợi thế cùng nằm trên Hành lang kinh tế Đông Tây, nhưng thời gian qua hoạt động thương mại giữa Quảng Nam với các địa phương Thái Lan chưa như kỳ vọng. Chọn lựa hàng hóa thế mạnh Quảng Nam xuất khẩu sang thị trường Thái Lan được xem là giải pháp hiệu quả trong thời gian tới.
Hạn chế giao thương
Nhiều năm nay, bình quân mỗi năm Công ty CP Đầu tư và sản xuất Petro miền Trung (Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc) nhập khẩu khoảng 30% nguyên liệu khí đốt hóa lỏng từ Thái Lan. Dù vậy, sản phẩm làm ra chủ yếu tiêu thụ trong nước, một ít xuất khẩu qua Lào. Với thị trường Thái Lan hầu như vắng bóng.
Tại Quảng Nam, ngoài Công ty CP Đầu tư và sản xuất Petro miền Trung, hoạt động trao đổi thương mại với các đối tác Thái Lan đã được một số doanh nghiệp lớn triển khai nhiều năm qua.
Có thể kể đến Công ty TNHH Sản xuất và lắp ráp ô tô du lịch Trường Hải, Công ty TNHH Draexlmaier Automotive Việt Nam, Công ty TNHH xuất nhập khẩu Hiệp Tâm Phát, Công ty TNHH Hi-Tech Việt Nam Apparel, Công ty TNHH Tokai Sand Việt Nam…
Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là ô tô, xe máy, linh kiện sản xuất ô tô, dụng cụ, sản phẩm từ cao su…; ngược lại nhập khẩu các mặt hàng khí đốt hóa lỏng, vải các loại, hạt nhựa, sản phẩm từ chất dẻo…
Ông Nguyễn Tấn Văn - Phó Giám đốc Sở KH-ĐT cho rằng, không có dự án hay biên bản ghi nhớ đầu tư nào được ký kết tại Diễn đàn kết nối doanh nghiệp Thái - Việt vừa qua. Nhưng cuộc gặp gỡ này được đánh giá sẽ mở ra cơ hội cho những thương vụ hay đón các dự án đầu tư từ doanh nghiệp Thái Lan vào địa phương trong tương lai.
Một thông tin đáng chú ý, dự kiến vào tháng 8.2022, một đoàn công tác của Quảng Nam sẽ thăm, làm việc, ký kết hợp tác và xúc tiến đầu tư, thúc đẩy hợp tác với các địa phương nằm trên tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây qua cửa khẩu quốc tế Nam Giang.
Sáu tháng đầu năm tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Quảng Nam và các đối tác Thái Lan đạt 41,91 triệu USD, trong đó kim ngạch nhập khẩu đạt 15,66 triệu USD, kim ngạch xuất khẩu đạt 26,25 triệu USD, chủ yếu các mặt hàng quần áo các loại, dây dẫn điện dành cho xe ô tô, vải mành tirecord đã ngâm tẩm, vải dựng…
Nhìn chung, thương mại giữa Quảng Nam và các địa phương Thái Lan những năm qua chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của 2 bên, mặc dù về thương mại, Thái Lan là đối tác lớn nhất của Việt Nam trong khối ASEAN, và cũng là thị trường xuất khẩu lớn nhất Việt Nam trong khối này.
Không chỉ giao thương hạn chế, đầu tư từ Thái Lan vào Quảng Nam cũng quá ít ỏi. Chỉ có 4 doanh nghiệp Thái Lan đang đầu tư với tổng vốn 43,42 triệu USD vào Quảng Nam, quá ít so với 195 dự án FDI với tổng vốn hơn 6 tỷ USD còn hiệu lực tại địa phương.
Có thể kể đến là Công ty TNHH Hi -Tech Việt Nam Apparel (may mặc xuất khẩu tại Duy Xuyên), Công ty TNHH Thái Việt Agri Group (chế biến thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm tại Điện Bàn) và trang trại chăn nuôi heo sinh sản siêu nạc tại Duy Xuyên và Công ty CP Thái Việt Corporation (trang trại chăn nuôi heo nái sinh sản siêu nạc tại Núi Thành).
Ông Nguyễn Tấn Văn - Phó Giám đốc Sở KH-ĐT cho rằng 4 dự án đầu tư của doanh nghiệp Thái Lan chủ yếu may mặc, chế biến sản phẩm là quá ít ỏi so với tiềm lực của hai phía, chưa thể phát huy thế mạnh của Hành lang kinh tế Đông - Tây.
Khó thâm nhập thị trường Thái Lan
Tại Diễn đàn kết nối doanh nghiệp Quảng Nam - Thái Lan 2022 vừa diễn ra mới đây, ông Ngô Hường Nam - Đại sứ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cho rằng, với kinh nghiệm sống lâu năm tại địa bàn, các doanh nhân kiều bào Thái Lan có thể đóng vai trò dẫn dắt, định hướng và hỗ trợ hàng hóa Việt Nam, Quảng Nam thâm nhập thị trường Thái Lan.
Từ năm 2019, Hội Doanh nhân Việt Nam tại Thái Lan đã thành lập Trung tâm Triển lãm hàng hóa Việt Nam chất lượng cao. Đây được xem là địa điểm trung chuyển quan trọng giúp quảng bá hàng hóa Quảng Nam đến các kênh phân phối trong thị trường của Thái Lan.
“Thái Lan là thị trường tiềm năng không xa Quảng Nam và thuận tiện giao thông về đường bộ trong khu vực Hành lang kinh tế Đông - Tây. Chúng tôi trông đợi Hội Doanh nhân Việt Nam tại Thái Lan có thể đóng vai trò cầu nối về thương mại, du lịch và đầu tư để thúc đẩy giao lưu kinh tế giữa Quảng Nam và Thái Lan” - ông Nam nói.
Dù được xem là cường quốc về xuất khẩu nông sản trên thế giới nhưng Thái Lan cũng có nhu cầu rất lớn về nhập khẩu các loại nông, thủy sản, trái cây, rau củ tươi. Năm 2020, nước này nhập khẩu lượng rau quả tươi và chế biến trị giá hơn 2,6 tỷ USD.
Đây chính là cơ hội để hàng nông sản Quảng Nam khai phá thị trường đầy tiềm năng này. Tuy vậy, theo một số doanh nghiệp, khó nhất hiện nay chính là việc kết nối với đối tác Thái Lan do doanh nghiệp Quảng Nam đa số quy mô vừa và nhỏ.
Ông Lê Văn Tân – Phó Giám đốc Công ty TNHH Đông Phương (Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc) thừa nhận, không thể đưa hàng hóa trực tiếp vào thị trường Thái Lan do thiếu thông tin kết nối, nên chủ yếu qua đơn vị trung gian. Công ty Đông Phương chuyên chế biến thủy sản xuất khẩu, bình quân mỗi tháng xuất khoảng 30 container, thị trường chủ yếu là Nhật Bản và Mỹ.
“Tôi nghĩ để kết nối với thị trường Thái Lan, doanh nghiệp Việt Nam phải tầm quốc tế chứ những doanh nghiệp nhỏ và vừa thì khó. Lâu nay hàng của công ty chúng tôi đã có mặt ở Thái Lan nhưng chủ yếu qua công ty thương mại của Nhật Bản” - ông Tân chia sẻ.
Theo phân tích của các chuyên gia, để đưa hàng vào Thái Lan, doanh nghiệp Việt cần có chiến lược cơ bản và hiểu tâm lý tiêu dùng người Thái. Cụ thể, chất lượng sản phẩm không chỉ tốt, hợp vị bản địa mà bao bì sản phẩm cũng cần được thiết kế tinh tế, đẹp và chuyển tải được thông điệp để chỉ cần nhìn bao bì, mẫu mã sản phẩm, người dùng cũng có thể hình dung, nhận biết được đây là hàng Việt Nam, Quảng Nam.
Ngoài ra, đa dạng dung tích, khối lượng sản phẩm cũng là điểm cần lưu ý để giai đoạn đầu hàng Việt tiếp cận thị trường, người tiêu dùng có thể mua các sản phẩm gói nhỏ để dùng thử. Từ chỗ dùng thử và cảm nhận, khách hàng sẽ làm quen và chuyển từ dùng thử sang mua và dùng thật.
KẾT NỐI NHỊP CẦU DU LỊCH
Thái Lan, Lào được xem là thị trường khách tiềm năng của du lịch Quảng Nam. Tăng cường hợp tác, kết nối doanh nghiệp du lịch, dịch vụ Quảng Nam với các địa phương Thái Lan và Lào không chỉ giúp đa dạng dòng khách mà còn hướng đến tiếp cận thị trường khách quốc tế rộng lớn quá cảnh tại Thái Lan.
Dự kiến, ngày 27.7 này tại Bangkok (Thái Lan) sẽ diễn ra sự kiện “Kết nối bầu trời - Việt Nam 2022” với sự tham gia của khoảng 150 doanh nghiệp du lịch Thái Lan và Việt Nam, riêng hai địa phương Quảng Nam, Đà Nẵng có khoảng 10 doanh nghiệp du lịch tham gia. Đây được xem là sự kiện kết nối du lịch lớn giữa doanh nghiệp hai nước, hứa hẹn mở ra cơ hội mới cho du lịch hậu Covid-19.
Khởi sắc
Từ tháng 4.2022, khi các đường bay trực tiếp giữa hai nước được nối lại, lượng du khách Thái Lan đến miền Trung gia tăng mạnh mẽ. Đến nay, bình quân mỗi ngày có khoảng 30 chuyến bay trực tiếp từ Thái Lan sang Việt Nam gồm Hà Nội (10 chuyến), TP.Hồ Chí Minh (15 chuyến). Riêng đường bay từ Bangkok đến Đà Nẵng, mỗi ngày 5 chuyến, hầu hết từ các hãng hàng không của Thái Lan.
Ông Nguyễn Sơn Thủy - Giám đốc Công ty Du lịch Duy Nhất Đông Dương khẳng định, thời điểm hiện tại, thị trường khách Thái Lan tăng trưởng tốt nhất trong các thị trường khách quốc tế.
“Hiện nay, một số nước Đông Bắc Á như Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc chưa mở cửa hoặc mở cửa hạn chế thì thị trường khách ASEAN như Thái Lan, Malaysia, Singapore, Lào chiếm tỷ lệ lớn, đặc biệt là khách Thái Lan luôn đứng vị trí top đầu ở Quảng Nam” - ông Thủy cho biết.
Quý 2.2022, Quảng Nam đón gần 2.100 lượt khách Thái Lan lưu trú, riêng khách tham quan ước khoảng 20.000 lượt. Dự báo, thị trường khách Thái Lan sẽ tăng mạnh trong những tháng còn lại của năm.
Riêng với khách Lào, số lượng dù có khởi sắc nhưng không đáng kể (khoảng 200 lượt khách đăng ký lưu trú 6 tháng đầu năm). Theo ông Nguyễn Sơn Thủy, nguyên nhân do khách Lào chủ yếu đi vào mùa hè và theo nhóm bằng đường bộ qua cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị) và Cha Lo (Quảng Bình) nên số lượng không nhiều.
Thái Lan không chỉ là trung tâm du lịch lớn của Đông Nam Á và châu Á mà còn là trạm quá cảnh trung chuyển của khách quốc tế. Từ Thái Lan khách có thể lan tỏa đi khắp nơi, trong đó có Việt Nam.
Thống kê 6 tháng đầu năm lượng khách nước ngoài đến Thái Lan đạt khoảng 2 triệu lượt, con số này sẽ tiếp tục tăng vào những tháng cuối năm, mở ra cơ hội để Đà Nẵng, Quảng Nam đón thêm lượng khách quốc tế từ nước thứ 3 quá cảnh tại đây.
Thị trường tiềm năng
Trao đổi khách giữa Quảng Nam và Thái Lan không phải mới diễn ra, thậm chí trước năm 2019, miền Trung được xem là thị trường khách quốc tế top đầu của du lịch Thái Lan. Ngược lại, khá nhiều đoàn khách Thái Lan cũng đã chọn miền Trung, Quảng Nam làm điểm đến tham quan.
Điều này cũng lý giải vì sao, từ cuối tháng 3 đến nay, rất nhiều đoàn famtrip, presstrip Thái Lan đã đến khảo sát, tìm hiểu Hội An, Mỹ Sơn chuẩn bị cho cuộc trở lại của dòng khách đất nước Chùa Vàng.
Ông Đinh Văn Lộc - Giám đốc Công ty Du lịch Việt Đà (Đà Nẵng) thông tin, gần 2 tháng nay, bình quân mỗi tháng Việt Đà tổ chức khoảng 5 đoàn sang Thái Lan, ngược lại các chuyến bay từ Thái Lan xuống sân bay Đà Nẵng hầu như kín chỗ. Ngoài đi theo đoàn, thời gian sau dịch rất nhiều khách Thái Lan cũng tự tổ chức tour đến các điểm vui chơi, giải trí ăn uống, casino ở Đà Nẵng và Nam Hội An.
“Trong tình hình khách Hàn, Trung, Nhật chưa trở lại, khách quốc tế đến miền Trung hiện nay chủ yếu là Thái Lan. Có thể khẳng định, đây là thị trường khách quốc tế đông nhất hiện nay. Riêng với khách Lào thì số lượng ít hơn do chưa có đường bay thẳng tới Đà Nẵng” - ông Lộc nói.
Công ty Du lịch Việt Đà là đơn vị chuyên tổ chức tour đưa khách sang Thái Lan cũng như kết nối đối tác đưa khách Thái Lan về miền Trung, trong đó có Quảng Nam.
Theo ông Văn Bá Sơn - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, trong tình hình khách Tây Âu, Bắc Mỹ, Úc, Đông Bắc Á chưa trở lại, việc chuyển hướng đón khách quốc tế thị trường gần Đông Nam Á, đặc biệt là Thái Lan, Lào được Quảng Nam xác định là mục tiêu hiện nay vì đây là dòng khách có mối quan hệ gần gũi về truyền thống, văn hóa...
CHỦ TỊCH UBND TỈNH LÊ TRÍ THANH: THỜI ĐIỂM THUẬN LỢI ĐỂ ĐẦU TƯ VÀO QUẢNG NAM
“Với sự kỳ vọng của Chính phủ, Quảng Nam phải là địa phương phát triển mạnh của cả nước với tư cách là một tỉnh trong vùng trọng điểm khu vực miền Trung.
Sự phát triển của Quảng Nam không chỉ thúc đẩy cho sự phát triển của miền Trung mà còn kết nối sang Lào, Thái Lan để tạo thành hành lang kinh tế, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế giữa các nước trong khu vực.
Để thực hiện nhiệm vụ này, trong 10 năm gần đây Quảng Nam đã tập trung đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông từ ven biển đến đường cao tốc để kết nối các địa phương trong khu vực, kết nối miền biển lên miền núi...
Quảng Nam đã có 10 khu công nghiệp, trong đó 6 khu công nghiệp đang hoạt động rất hiệu quả với gần 3.000ha đã được đầu tư, tỷ lệ lấp đầy 55%.
Quảng Nam cũng đang đề xuất Chính phủ bổ sung thêm quỹ đất để đầu tư các khu công nghiệp lên khoảng 8.000ha từ nay đến năm 2030, đây là tiềm lực để phát triển công nghiệp.
Bên cạnh đó, hệ thống logistics cũng rất thuận lợi khi gần Đà Nẵng nên có thể tận dụng kết cấu hạ tầng của TP.Đà Nẵng trong dịch vụ logistics về sân bay, cảng biển… Tuy vậy, Quảng Nam cũng có sân bay, cảng biển đang được quy hoạch thành những sân bay, cảng biển tầm cỡ khu vực miền Trung...
Quảng Nam có rất nhiều tiềm năng, lợi thế để các doanh nghiệp đầu tư phát triển lâu dài. Từ những thành công tại Thái Lan, các doanh nghiệp Việt kiều có thể tham gia đóng góp năng lực, công sức trí tuệ, bản lĩnh kinh doanh của mình ở quê hương, và chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm cho cộng đồng doanh nghiệp Quảng Nam, cho địa phương để kết nối, đầu tư ra nước ngoài, nhất là địa bàn Thái Lan.
Hiện nay, chúng tôi đang tập trung đầu tư tuyến đường kết nối từ Quảng Nam sang Thái Lan, về cơ bản tuyến đường này đã được đầu tư xong, có thể thông thương.
Chúng tôi cũng đang tập trung nâng cấp 74km đường để đảm bảo điều kiện phát triển tốt hơn, mạnh hơn trong việc kết nối hành lang kinh tế giữa Quảng Nam, Đà Nẵng với các tỉnh Sekong, Champasak (Lào) và Upon Ratchathani (Thái Lan), từ đó kết nối với các địa phương vùng Nam Lào và Đông Bắc Thái Lan để phát triển mạnh về thương mại, du lịch, xuất nhập khẩu hàng hóa… Đây là cơ hội rất thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp có thể giao thương”.
ÔNG PHẠM QUỐC HÙNG - PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC HIỆP HỘI DOANH NGHIỆP QUẢNG NAM: CHỌN MỘT SỐ DOANH NGHIỆP CÓ THẾ MẠNH KẾT NỐI THỊ TRƯỜNG THÁI LAN
“Chuyến xúc tiến đầu tư thương mại 4 ngày ở Nam Lào chỉ là “nhiệm vụ chính trị”, ủng hộ tinh thần, vật chất cho phía bạn xây dựng trung tâm thương mại nhiều năm không khánh thành được.
Quảng Nam chỉ giới thiệu các sản phẩm của địa phương, kết nối các sản phẩm bởi phía bạn có đất đai, nguyên liệu và mình giới thiệu, trưng bày là chính. Thị trường Lào dân số ít, trình độ sản xuất, thương mại yếu nên khó có nhiều hợp tác đầu tư, thương mại giữa doanh nghiệp hai bên.
Một bản ghi nhớ hợp tác trong các lĩnh vực hợp tác trao đổi thương mại, đầu tư du lịch đã được ký với Hiệp hội Doanh nghiệp Thái Lan. Doanh nghiệp Thái Lan mong muốn hợp tác đầu tư, chuyển giao công nghệ, những sản phẩm, kết nối giao thương hàng hóa Quảng Nam sang thị trường Thái.
Tuy nhiên, chúng tôi rất băn khoăn là làm sao hàng hóa địa phương có đủ tiêu chuẩn, chất lượng để vào thị trường này? Đó là một thị trường nhiều năm gia nhập nền kinh tế thị trường nên tiêu chuẩn của họ tiệm cận tiêu chuẩn châu Âu.
Hàng hóa Thái đến thị trường Việt nhiều chứ Quảng Nam sẽ không dễ dàng đưa hàng hóa của mình sang Thái Lan bởi những hàng rào kỹ thuật khó khăn. Những doanh nghiệp Quảng Nam tiếp cận được thị trường này cũng là một vấn đề.
Sau diễn đàn kết nối ngày 5.7.2022, Hiệp hội Doanh nghiệp Thái – Việt đã gửi thư mời đề nghị phía doanh nghiệp Quảng Nam sang Thái Lan để mở hội nghị kết nối, giao thương hàng hóa.
Hiệp hội Doanh nghiệp Quảng Nam đang chọn lựa một số doanh nghiệp địa phương tham dự diễn đàn này. Những doanh nghiệp chọn lựa phải có thương hiệu, giá trị có thể kết nối được với thị trường Thái Lan thông qua hàng hóa đáp ứng tiêu chuẩn...”.
ÔNG HỒ VĂN LÂM - CHỦ TỊCH HIỆP HỘI DOANH NHÂN THÁI LAN - VIỆT NAM: MỞ RA CHẶNG ĐƯỜNG HỢP TÁC MỚI
“Tham gia Diễn đàn kết nối doanh nghiệp Quảng Nam - Thái Lan, chúng tôi có nhiều thông tin hơn về các chính sách thu hút đầu tư vào Quảng Nam để giới thiệu, quảng bá môi trường đầu tư của tỉnh đến với các tập đoàn, các doanh nghiệp lớn ở Thái Lan, khuyến khích các nhà đầu tư, doanh nghiệp của Thái Lan đầu tư vào Quảng Nam. Mặt khác, thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm thế mạnh của tỉnh vào thị trường Thái Lan.
Đặc biệt, việc ký kết biên bản ghi nhớ giữa Hiệp hội Doanh nhân Thái Lan - Việt Nam với Hiệp hội Doanh nghiệp Quảng Nam là tín hiệu tích cực đầu tiên mở ra chặng đường hợp tác mới. Tôi hy vọng, thời gian tới, các doanh nghiệp nỗ lực đưa hàng Việt Nam, Quảng Nam sang Thái Lan và ngược lại.
Thời gian tới, cần tăng cường kết nối giao thông đường bộ, đường biển, đường hàng không giữa doanh nghiệp hai nước, nhất là vùng Đông Bắc Thái Lan, nơi có nhiều kiều bào sinh sống.
Gắn với đó là các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, du lịch và đầu tư tại Thái Lan để các tập đoàn, doanh nghiệp và người dân Thái Lan, nhất là bà con kiều bào có cơ hội trao đổi thương mại với doanh nghiệp Việt Nam, Quảng Nam”.