Nâng cao hiệu quả khuyến công
Với hàng chục đề án được hỗ trợ kinh phí hàng năm, chương trình khuyến công đã tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở công nghiệp nông thôn tiếp cận các cơ hội phát triển, nâng cao năng suất, chất lượng, năng lực cạnh tranh, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Hỗ trợ thiết thực
Tháng 10.2021, cơ sở gia công đồ gỗ nội thất HDF của ông Viêm Mậu Đợi (thị trấn Tân Bình, Hiệp Đức) được hỗ trợ 160 triệu đồng từ chương trình khuyến công địa phương để mua dàn máy hỗn hợp gia công gỗ (cưa, cắt, dán cạnh và máy khoan).
Từ khi trang bị máy móc hiện đại, năng suất làm việc của cơ sở tăng lên gấp 2 lần, khách hàng không chỉ ở Hiệp Đức mà còn đến từ các vùng xung quanh như Quế Sơn, Tam Kỳ, kể cả Đà Nẵng.
Ông Viêm Mậu Đợi chia sẻ, với một cơ sở nhỏ ở huyện xa như HDF, việc được hỗ trợ 160 triệu đồng là rất quý.
“Khi chưa trang bị máy móc hiện đại, mỗi khi gia công các vật dụng lớn tôi phải gửi hàng ra các cơ sở ở Đà Nẵng rất bất tiện. Từ khi được hỗ trợ kinh phí để mua máy móc tôi có thể nhận những đơn hàng lớn và phức tạp hơn, do đó công việc làm ăn cũng thuận lợi hơn nhiều” - ông Đợi bộc bạch.
Tại huyện Hiệp Đức, bình quân mỗi năm có khoảng 2 - 4 đề án (trong khoảng 8 hồ sơ đề nghị) được nhận hỗ trợ từ chương trình khuyến công của tỉnh, chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực dân dụng như gia công, mỹ nghệ như tre, gỗ nội thất, nhôm kính.
Theo ông Huỳnh Kim Ngọc – chủ cơ sở nhôm kính Ngọc Duyên (thị trấn Tân Bình, Hiệp Đức), chương trình khuyến công đã tạo động lực và chất xúc tác lớn cho những cơ sở sản xuất nhỏ và vừa như ông. Cũng như ông Viêm Mậu Đợi, năm 2019 cơ sở nhôm kính của ông Ngọc được hỗ trợ 160 triệu đồng từ chương trình khuyến công của tỉnh để mua máy móc sản xuất, tạo điều kiện cho ông mở rộng quy mô sản xuất.
“Thật ra, nếu Nhà nước không hỗ trợ thì mình cũng phải vay mượn tiền để sắm máy làm việc nhưng nhờ có chương trình khuyến công này nên đỡ hơn rất nhiều, nhất là tiết giảm được nguồn vốn để đầu tư mua vật liệu. Đặc biệt, cũng giúp năng suất làm việc tăng lên, đơn cử nếu trước đây dập ổ khóa bằng tay thời gian tốn khoảng môt giờ đồng hồ thì bây giờ có máy móc chỉ tốn 2 phút” - ông Ngọc nói.
Những năm qua, thông qua nguồn hỗ trợ khuyến công của tỉnh và quốc gia, rất nhiều doanh nghiệp và cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh được hưởng lợi.
Mới đây, Trung tâm Khuyến công và xúc tiến thương mại Quảng Nam đã tổ chức nghiệm thu Đề án khuyến công quốc gia “Hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến trong sản xuất các sản phẩm từ gỗ và lâm sản ngoài gỗ tại HTX Nông nghiệp kỹ nghệ Quảng Nam” (xã Tiên Mỹ, huyện Tiên Phước). Đây là đề án có số vốn hỗ trợ khá lớn với 300 triệu đồng (trong tổng số 620 triệu đồng) từ quỹ khuyến công quốc gia để mua sắm 2 máy ép mo cau.
Theo đại diện HTX Nông nghiệp kỹ nghệ Quảng Nam, sự hỗ trợ này rất quý báu và kịp thời, qua đó HTX giảm chi phí, giảm giá thành sản phẩm, đặc biệt chất lượng sản phẩm, tính thẩm mỹ sản phẩm được nâng lên rõ rệt. Đây cũng là 1 trong 2 đề án quốc gia được hỗ trợ nghiệm thu từ nguồn khuyến công quốc gia từ đầu năm đến này. Năm 2022, nguồn kinh phí khuyến công quốc gia phân bổ cho Quảng Nam hơn 1,7 tỷ đồng.
Nâng cao hiệu quả
Theo báo cáo của Sở Công Thương, bình quân mỗi năm nguồn kinh phí dành cho khuyến công trên địa bàn tỉnh khoảng 7 - 8 tỷ đồng (bao gồm khuyến công quốc gia). Dù vậy, so với nhu cầu thực tế, nguồn kinh phí trên tương đối hạn chế.
Theo ông Đặng Ngọc Sô – Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Kinh tế & hạ tầng huyện Hiệp Đức, bình quân mỗi năm nguồn kinh phí phân bổ cho chương trình khuyến công của huyện khoảng 300 triệu đồng (bao gồm kinh phí đi hội chợ, quản lý…) nên khá ít. Trong khi nhu cầu thực tế và số lượng hồ sơ đăng ký tại địa phương nhiều.
“Vẫn biết sự hỗ trợ này chủ yếu mang tính khuyến khích, động viên doanh nghiệp, cơ sở trong hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng nếu có kinh phí tốt hơn thì sẽ có nhiều doanh nghiệp cơ sở được hưởng lợi vì nhu cầu thực tế nhiều” - ông Sô nói. Tương tự, tại thị xã Điện Bàn mỗi năm kinh phí hỗ trợ khuyến công khoảng 250 triệu đồng, trong khi nhu cầu thực tế ước khoảng 800 triệu đồng.
Ông Nguyễn Thanh Quang – Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, chương trình khuyến công không hỗ trợ 100% mà chỉ hỗ trợ một phần, còn lại doanh nghiệp phải có vốn đối ứng, dù so với các tỉnh thành khác, kinh phí dành cho chương trình khuyến công của Quảng Nam tương đối lớn.
Hiện tại, ngoài khuyến công địa phương, mỗi năm còn có nguồn khuyến công quốc gia, chưa kể còn các chương trình hỗ trợ như OCOP, khởi nghiệp, HTX…, doanh nghiệp có thể lồng ghép xin hỗ trợ. Tuy nhiên, so với nhu cầu thực tế chắc chắn sẽ không đáp ứng đủ.
“Nguồn khuyến công địa phương chủ yếu dành cho các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, kể cả HTX và hộ kinh doanh cá thể cũng có thể tiếp cận nguồn hỗ trợ này. Với các doanh nghiệp lớn thì họ không quan tâm, và quan điểm của sở cũng không đặt vấn đề hỗ trợ các doanh nghiệp lớn.
Nói chung, chúng tôi quan tâm đến tính hiệu quả của đề án trước khi hỗ trợ. Nếu trước đây, chương trình tập trung một phần vào các chương trình tập huấn, đào tạo nhưng kết quả không thực tế trong khi nhu cầu doanh nghiệp về việc hỗ trợ máy móc thiết bị, thay đổi công nghệ nâng cao năng suất… hiệu quả hơn, nên hiện nay sở đã tập trung chuyển nguồn hỗ trợ theo hướng này” - ông Quang nói.