Cây sáng kiến của PC Quảng Nam
Với niềm đam mê nghiên cứu khoa học, kỹ sư Hoàng Ngọc Chung (Công ty Điện lực Quảng Nam) đã có nhiều đề tài, sáng kiến, ý tưởng sáng tạo được áp dụng vào thực tiễn tại đơn vị công tác, làm lợi cho ngành điện hàng tỷ đồng.
Xuất phát từ thực tiễn
Hơn 20 năm công tác, kỹ sư Hoàng Ngọc Chung được xếp vào tốp đầu của những người có nhiều sáng kiến nhất của Công ty Điện lực Quảng Nam (PC Quảng Nam).
Anh Hoàng Ngọc Chung cho hay, khi mới ra trường, anh may mắn được làm ở Phòng Kỹ thuật của công ty, nơi được mệnh danh là chiếc nôi “ươm mầm sáng tạo” của PC Quảng Nam.
Những kiến thức nền tảng của một kỹ sư điện hệ thống đã tạo thuận lợi để anh say mê giải quyết những bất hợp lý trong công việc hằng ngày bằng nhiều giải pháp hữu ích, không chỉ cho bản thân mà còn cho các đồng nghiệp.
Sau thời gian công tác tại Phòng Kỹ thuật, đến tháng 6.2008, anh Chung được điều động về tăng cường cho Điện lực Thăng Bình. Tại đơn vị mới, anh đã “trình làng” 6 sáng kiến và nhiều giải pháp hợp lý hóa công việc. Trong số các sáng kiến của anh Chung, có 4 sáng kiến mang lại giá trị ứng dụng thực tế cao.
Đơn cử, vào năm 2009, thấy toàn bộ các xà néo cuối được thiết kế có tấm áp sứ để lắp sứ đỡ cho dây lèo pha giữa vòng qua đầu cột, khoảng cách từ đỉnh sứ đến đỉnh cột ngắn, nhỏ hơn hoặc bằng 250mm.
Khi chim đậu vào đỉnh cột hay đỉnh sứ đều dẫn đến phóng điện từ sứ qua cột gây ngắn mạch một pha (lưới 22kV) hoặc chạm đất 1 pha (lưới 15kV trung tính cách đất) gây sự cố, mất điện.
Hoàng Ngọc Chung nghĩ ra giải pháp “Nâng sứ đỡ dây lèo pha giữa xà néo cuối để tránh phóng điện tại đầu cột khi có chim đậu, giảm sự cố trên lưới điện”.
Đây là giải pháp được thực hiện bằng cách sử dụng 1 ty sứ khác (loại tận dụng) hàn nối vào ty sứ có sẵn thay cho ty sứ của sứ đứng tại vị trí đỡ dây lèo pha giữa, chiều cao từ vị trí dây lèo trên đỉnh sứ đến đầu trụ 400mm, giảm thiểu hiện tượng phóng điện khi chim đậu vào đỉnh cột hay đỉnh sứ.
Kết quả đã giảm sự cố, giảm lượng điện mất do tắt điện, nâng cao chất lượng cung cấp điện, đỡ tốn công sức khắc phục.
Hay như giải pháp lắp đặt cầu dao cách ly phân đoạn để chuyển tải qua lại giữa 2 xuất tuyến đi vùng Đông và xuất tuyến 478-E152 cho Cụm công nghiệp (CCN) Hà Lam - Chợ Được (Thăng Bình).
Trước đây, tại CCN Hà Lam - Chợ Được nhận điện từ nguồn cung cấp duy nhất ở xuất tuyến 478-E152. Nếu công tác hoặc sự cố trên đường dây này thì CCN mất điện hoàn toàn.
Ngược lại, toàn bộ cánh đông khu vực huyện Thăng Bình nhận điện từ xuất tuyến 474-E152 qua máy cắt Bình Hiệp, trong trường hợp công tác hoặc sự cố trên đường trục 474-E152 thì toàn bộ cánh đông sẽ mất điện.
Anh Chung đề xuất phương án lắp dao cách ly phân đoạn để chuyển tải qua lại giữa 2 xuất tuyến này. Giải pháp có hiệu quả, bởi nó mang lại độ tin cậy và chất lượng cấp điện cho khách hàng trong khu vực.
Không ngừng sáng tạo
Mới đây, Hoàng Ngọc Chung có 2 sáng kiến tham gia dự thi toàn quốc về các giải sáng tạo khoa học kỹ thuật các hội, đoàn thể công nhân. Đề tài sáng kiến “Cải tiến bàn thử nghiệm dây da an toàn để kiểm định ty leo cột bê tông ly tâm” cùng đồng nghiệp của PC Quảng Nam được Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam phối hợp Bộ KH-CN, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam ghi tên vào Sách vàng sáng tạo Việt Nam năm 2020.
Và tháng 4.2022, Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam vừa phối hợp với Bộ KH-CN, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh vừa trao giải thưởng cho các công trình đã đoạt giải tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc (VIFOTEC) lần thứ 16.
Theo đó, đề tài “Xây dựng giáo trình đào tạo cho công nhân lao động tuyển dụng mới và công nhân chuyển đổi nghề theo hướng nâng cao kiến thức thực tế” của kỹ sư Hoàng Ngọc Chung và kỹ sư Phan Văn Tuấn đã đoạt giải ba toàn quốc.
Với những thành tích đã đạt được trong thời gian qua, kỹ sư Hoàng Ngọc Chung cho biết đó là sự khích lệ lớn để anh tiếp tục phấn đấu hơn nữa, chủ động vươn lên nắm bắt, làm chủ khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả công việc và có thêm những đóng góp tích cực cho sự phát triển của ngành điện.
Ông Võ Anh Hùng - Phó Giám đốc PC Quảng Nam cho biết, Hoàng Ngọc Chung là một kỹ sư giàu kinh nghiệm, có trình độ chuyên môn cao, năng động và trách nhiệm; luôn đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp.
Mọi nhiệm vụ được giao, anh đều hoàn thành tốt, đam mê nghiên cứu khoa học, luôn bám sát tình hình thực tế và có những đề xuất, tham mưu với lãnh đạo công ty những ý tưởng, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, nâng cao hiệu suất, chất lượng công việc.
“Sáng kiến của kỹ sư Chung không chỉ làm lợi cho công ty hàng tỷ đồng mà còn góp phần thúc đẩy quá trình hiện đại hóa, tự động hóa hệ thống điện theo lộ trình xây dựng lưới điện thông minh của ngành điện” - ông Hùng nói.