Tiếp tục nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP

HOÀNG ĐẠO - THẢO VIÊN 10/07/2022 15:42

(QNO) - Hiện các địa phương, chủ thể OCOP trên địa bàn tỉnh đang tích cực rà soát, lập hồ sơ đánh giá, phân hạng các sản phẩm OCOP. 

Hợp tác xã Nông nghiệp Hoàng Hải Tam Quangđăng ký nâng cấp sản phẩm trà linh chi Hoàng Hải thành sản phẩm OCOP 4 sao. Ảnh: H.Đ
Hợp tác xã Nông nghiệp Hoàng Hải Tam Quang đăng ký nâng cấp sản phẩm Trà linh chi Hoàng Hải thành sản phẩm OCOP 4 sao. Ảnh: H.Đ

Nâng sao, nâng chất lượng sản phẩm

Thời gian này, ông Nguyễn Thanh Vũ - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Hoàng Hải Tam Quang (xã Tam Quang, Núi Thành) gấp rút từng ngày để hoàn thiện các phần việc để sản phẩm Trà linh chi Hoàng Hải có thể được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao.

Trước tiên, hợp tác xã đã gấp rút cải tạo lại nhà máy sản xuất trà nấm linh chi đạt tiêu chuẩn Halal Assurance System (HAS), trong đó, phải xây dựng lại một số hạ tầng cứng cũng như quy trình sản xuất an toàn, chất lượng hơn với chi phí bỏ ra hơn 150 triệu đồng. Cùng với đó, ông Vũ không ngừng đẩy mạnh quảng bá, thương mại cho sản phẩm, thay đổi mẫu mã, bao bì đẹp mắt hơn, bảo quản chất lượng trà tốt hơn.

“Đến thời điểm này, Hợp tác xã Hoàng Hải Tam Quang đã có 3 sản phẩm 3 sao OCOP là trà linh chi, nấm linh chi, bột nấm mộc nhĩ. Riêng trà nấm linh chi thì dự kiến trong năm 2022 này sẽ đạt được tiêu chuẩn 4 sao. Các cơ quan chức năm của tỉnh, huyện tạo điều kiện tập huấn cho chúng tôi về các tiêu chuẩn để đạt được 4 sao OCOP hỗ trợ phát triển quảng cáo thương mại điện tử, đổi mới bao bì sản phẩm, nhãn mác. Giờ thì đã tạm yên tâm để chờ ngày các cơ quan đến kiểm tra, và đánh giá hồ sơ. Tôi rất mong sẽ có được thành công với sản phẩm tâm huyết của Hợp tác xã Hoàng Hải Tam Quang" - ông Vũ chia sẻ.

Ông Nguyễn Thanh Vũ - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Hoàng Hải Tam Quang đang đẩy mạnh mảng thương mại, tìm kiếm thị trường và xây dựng hệ thống sản xuất mới theo tiêu chuẩn HAS. Ảnh: H.Đ
Ông Nguyễn Thanh Vũ - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Hoàng Hải Tam Quang đang đẩy mạnh mảng thương mại, tìm kiếm thị trường và xây dựng hệ thống sản xuất mới theo tiêu chuẩn HAS. Ảnh: H.Đ

Năm 2022, huyện Núi Thành đặt mục tiêu phát triển đạt 6 sản phẩm đạt hạng 3 sao và 1 sản phẩm nâng hạng đạt 4 sao, gồm các sản phẩm Trà Linh chi Hoàng Hải, Chả mực xà Tâm Lộc, Chả cá mối Tam Tiến, Chả gà đồi Tam Thạnh, Bánh khảo khảo… Đồng thời, phấn đấu nâng doanh số bán hàng OCOP trên địa bàn cấp huyện tăng 1,5 lần so với năm 2021.

[VIDEO] - Trà linh chi Hoàng Hải nâng chất lượng, quy trình sản xuất để nâng sao OCOP:

Trong khi đó, tại TP.Hội An, dịch bệnh Covid-19 kéo dài nhiều năm đã ảnh hưởng không nhỏ đến chương trình OCOP ở địa phương này.

Bà Cao Thị Phương – Chủ Cơ sở sản xuất mực một nắng Cù Lao Chàm Cao Phương (thôn Bãi Làng, xã đảo Tân Hiệp, TP.Hội An) cho biết, trước những khó khăn, cơ sở của bà sẽ không làm hồ sơ dự thi nâng sao sản phẩm mực một nắng Cù Lao Chàm nhằm ưu tiên cho việc nâng cao chất lượng sản phẩm để thu hút khách, mở rộng thị trường và thêm sản phẩm mới của cơ sở là cá trích phơi một nắng.

“Nâng sao thì đòi hỏi sản lượng, nguồn nguyên liệu và nhân lực nên tạm thời chúng tôi chỉ nâng cao chất lượng để chạy doanh số trong thời điểm phục hồi du lịch sau Covid-19. Nếu thuận lợi thì qua năm sau cơ sở mới xin nộp hồ sơ dự thi nâng 4 sao cho sản phẩm mực một nắng Cù Lao Chàm” – bà Phương thông tin.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, Cơ sở sản xuất mực 1 nắng Cù Lao Chàm Cao Phương ưu tiên nâng chất lượng sản phẩm OCOP để tăng sản lượng bán ra thị trường trước khi nâng hạng sao OCOP. Ảnh: H.Đ
Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, Cơ sở sản xuất mực một nắng Cù Lao Chàm Cao Phương ưu tiên nâng chất lượng sản phẩm OCOP để tăng sản lượng bán ra thị trường trước khi nâng hạng sao OCOP. Ảnh: H.Đ

Chặt chẽ khi đánh giá

Bà Nguyễn Thị Xuân Vui – Phó trưởng Phòng Kinh tế TP.Hội An cho biết, năm 2022, các sản phẩm OCOP ở địa phương này vẫn chưa đến thời hạn đánh giá lại nên chủ trương của Hội An đối với 13 sản phẩm OCOP là duy trì kiểm tra để các sản phẩm luôn đúng theo tiêu chuẩn sản phẩm OCOP.

Riêng sản phẩm Trà rừng Cù Lao Chàm không tham gia đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP năm vì dịch Covid-19 đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, không có khả năng để triển khai một số điều kiện, hồ sơ nhằm đáp ứng cho sản phẩm đạt chuẩn 5 sao OCOP. Ngoài các sản phẩm được UBND tỉnh phê duyệt tham gia chương trình OCOP năm 2021, UBND thành phố chỉ đạo Phòng Kinh tế phối hợp với Công ty TNHH DV Hoa Nam, xây dựng hồ sơ sản phẩm Đèn lồng Hội An Dé latana tham gia đánh giá phân hạng và công nhận sản phẩm OCOP 5 sao tại trung ương nhưng vẫn chưa được phản hồi.

“Do phần lớn các sản phẩm liên quan đến du lịch, đặc thù nguồn lao động, nguyên liệu ở Hội An rất khó khăn nên hiện tại chúng tôi đang nỗ lực kết nối với các địa phương khác nhằm hỗ trợ cho các chủ thể OCOP. Và nhiều chủ thể OCOP đang cố gắng duy trì sản xuất, tự mình vượt qua thử thách để các sản phẩm luôn có được thị trường” - bà Nguyễn Thị Xuân Vui nói.

Biểu đồ số lượng sản phẩm tham gia chương trình OCOP tỉnh Quảng Nam năm 2022 của các huyện, thị xã, thành phố. Ảnh: H.Đ
Biểu đồ số lượng sản phẩm tham gia chương trình OCOP tỉnh Quảng Nam năm 2022 của các huyện, thị xã, thành phố. Ảnh: H.Đ

Tại huyện Phú Ninh, địa phương này đang gấp rút hỗ trợ, hướng dẫn chủ thể OCOP các nội dung về phát triển thương hiệu, tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, hướng dẫn ghi nhãn hàng hóa, đăng ký mã số, mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm, chỉ dẫn địa lý... Qua công tác hướng dẫn, rà soát UBND huyện đã có đề xuất tỉnh phát triển mới 5 sản phẩm là trứng gà ác Ngọc Diệp, gà quê um sả - QN Food, mỳ Quảng ăn liền – QN Food, hoa cài áo Cofason, sâm Ngọc Linh ngâm mật ong và nâng cấp 1 sản phẩm từ 3 sao lên 4 sao là sản phẩm trà sâm Ngọc Linh.

“Chúng tối đã phối hợp với tỉnh tổ chức cho các chủ thể 2 đợt tập huấn để xây dựng và triển khai phương án sản xuất kinh doanh, hướng dẫn chuẩn hóa sản phẩm. Đến nay các chủ thể đang triển khai sản xuất sản phẩm và hoàn thiện dần các yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng, chuẩn hóa, hoàn thiện bao bì, nhãn mác sản phẩm, hoàn thiện hồ sơ để tham gia dự thi trong thời gian đến” – ông Trịnh Ngọc An, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phú Ninh cho biết.

Năm 2022, toàn tỉnh có có 9 sản phẩm OCOP công nhận lại và 5 sản phẩm nâng cấp. Ảnh: H.Đ
Năm 2022, toàn tỉnh có có 9 sản phẩm OCOP công nhận lại và 5 sản phẩm nâng cấp. Ảnh: H.Đ

Tương tự, ông Nguyễn Ngọc Linh - Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Núi Thành, cho biết, huyện đang khảo sát, đánh giá nhu cầu, thị hiếu của thị trường đối với sản phẩm, vùng nguyên liệu, lực lượng lao động và khả năng đầu tư phát triển sản phẩm OCOP. Đồng thời, trực tiếp tư vấn xây dựng, xét chọn ý tưởng sản phẩm đăng ký tham gia; xây dựng, kế hoạch tổng hợp ý tưởng sản phẩm của cấp huyện và gửi kết quả về cơ quan quản lý OCOP cấp tỉnh.

Đối với các sản phẩm mới đăng ký 3 sao, sẽ tập huấn, hướng dẫn cho các chủ thể sản xuất xây dựng, triển khai phương án, kế hoạch sản xuất kinh doanh, các quy định về bao bì, ghi nhãn mác hàng hoá, bảo vệ môi trường trong sản xuất an toàn vệ sinh thực phẩm, xây dựng thương hiệu. Và hướng dẫn cụ thể về Bộ tiêu chí đánh giá phân hạng sản phẩm, lập hồ sơ minh chứng...

“Hiện nay chúng tôi đang tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm cấp huyện để tham gia dự thi cấp tỉnh đảm bảo đúng quy định. Về thời gian cấp huyện đánh giá hoàn thành đảm bảo gửi hồ sơ về cấp tỉnh đánh giá, phân hạng thì đợt 1 sẽ trước ngày 10.8 với tối thiểu 50% sản phẩm đã đăng ký và đợt 2 trước ngày 10.11 đối với số sản phẩm còn lại” – ông Linh nói.

Năm 2022, toàn tỉnh có 9 sản phẩm OCOP công nhận lại: Cao chè vằng miền Trung, Yến tinh chế sấy khô – Yến sào Đất Quảng, Nấm bào ngư sấy tẩm gia vị Nhì Tây, Tinh bột nghệ núi Hiệp Đức, Kẹo đậu phộng dẻo Phước Hiệp Đức, Tiêu Tiên Phước - Sơn Tiến, Rượu Lòn Bon Tiên Phước, Tinh dầu sả, tinh dầu quế - Nông dược Xanh.

Và 5 sản phẩm nâng cấp là Bánh tráng cuốn Hương Huệ, Nước mắm cá cơm Ngọc Lan, Trà Linh chi Hoàng Hải, Trà túi lọc giảo cổ lam, Chè dây túi lọc – Mười Cường.

HOÀNG ĐẠO - THẢO VIÊN