Biến động thị trường hàng tiêu dùng

VĨNH LỘC 07/07/2022 10:03

Xăng dầu liên tục tăng giá đã tác động mạnh mẽ đến hầu hết mặt hàng tiêu dùng và nhóm đối tượng có thu nhập thấp, cần có giải pháp hữu hiệu để quản lý, kiểm soát thị trường.

Xăng dầu tăng giá đã tác động đến giá cả nhiều mặt hàng tiêu dùng khiến sức mua giảm. Ảnh: V.LỘC
Xăng dầu tăng giá đã tác động đến giá cả nhiều mặt hàng tiêu dùng khiến sức mua giảm. Ảnh: V.LỘC

Sức mua giảm

Sáu tháng đầu năm, hoạt động kinh doanh của siêu thị Pikamart (phường Vĩnh Điện, Điện Bàn) sụt giảm khoảng 30% do sức mua giảm.

Ông Nguyễn Hoàng Vỹ - Giám đốc siêu thị Pikamart chi nhánh Điện Bàn cho biết, do hàng hóa đầu vào tăng cao dẫn đến sức cạnh tranh kém. Nếu như các đợt dịch trước đây, một số sản phẩm có thể lên giá, số khác có thể bình thường thì nay với việc xăng dầu tăng giá đã tác động đến tất cả đầu vào hàng hóa, hầu hết đều tăng từ 25 - 40% vì liên quan đến vận chuyển.

Ông Vỹ cho biết thêm, phần lớn hàng hóa của Pikamart được nhập về từ hai đầu đất nước nên chịu tác động của chi phí vận chuyển, kể cả một số sản phẩm sản xuất tại Đà Nẵng, Quảng Nam cũng không thể rẻ hơn do liên quan đến nguồn nguyên liệu đầu vào.

Khảo sát tại các chợ truyền thống và hệ thống siêu thị trên địa bàn tỉnh như Vinmart hay CoopMart Tam Kỳ… nhận thấy sức mua bị ảnh hưởng mạnh do giá cả tăng cao. Đơn cử, giá thịt heo bán lẻ tại các chợ dao động từ 90 - 170 nghìn đồng/kg tùy loại. Ngay cả mặt hàng trứng gia cầm vốn tương đối ổn định về giá cũng tăng lên khoảng 30 - 50% so với hồi đầu năm.

Theo một số tiểu thương, bên cạnh giá các loại thịt heo, thịt gia cầm tăng giá thì đây cũng là thời điểm hè, các bếp ăn của trường học tạm ngưng hoạt động nên sức tiêu thụ mặt hàng thịt heo, thịt gia cầm giảm hơn trước . Tuy vậy, nguyên nhân chính do người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu.

Bà Trần Thị Như Lai - Giám đốc Siêu thị CoopMart Tam Kỳ nhìn nhận, việc xăng dầu biến động ngay sau đại dịch khiến sức mua khó thể phục hồi hoàn toàn, điều này ảnh hưởng lớn đến hoạt động doanh thu của đơn vị.

“Hàng hóa nhập vào siêu thị vẫn khá dồi dào, đáp ứng được hầu hết yêu cầu của khách, nhưng lại thiếu người mua” - bà Lai nói. Theo ông Nguyễn Hoàng Vỹ, để thúc đẩy tăng trưởng, Pikamart đã phải linh hoạt bằng cách đa dạng sản phẩm và tìm kiếm các nguồn hàng tại chỗ, kể cả điều chỉnh chi phí khác để thu hút khách hàng.

“Mình chỉ là nhà phân phối thương mại nên phụ thuộc hoàn toàn vào nhà sản xuất và thị trường; do đó khó quyết định giá cả hàng hóa được” - ông Vỹ nói.

 Từ đầu năm đến nay xăng dầu liên tục tăng giá (tăng hơn 55,5% so với cùng kỳ năm 2021). Theo các chuyên gia, xăng dầu là mặt hàng chiếm tỷ lệ tương đối cao trong chi tiêu hàng ngày của các hộ gia đình (khoảng 3,6%).

Với nhóm người có thu nhập thấp và trung bình trong xã hội, tác động từ việc xăng dầu tăng giá càng nghiêm trọng. Khi giá xăng tăng, tỷ trọng chi tiêu cho mặt hàng này cũng sẽ cao hơn dẫn đến giảm chi tiêu vào những mặt hàng khác.

Chưa kể, giá xăng tăng kéo theo sự tăng giá của những loại hàng hóa khác, do xăng dầu là nguyên liệu đầu vào của nhiều ngành sản xuất, trong khi mức thu nhập hầu như không tăng, đồng nghĩa người dân chỉ mua được một lượng hàng hóa ít hơn hay sức mua của người dân sẽ giảm.

Khó kiểm soát thị trường

Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh, xăng dầu biến động đã khiến thị trường hàng hóa chịu sức ép lớn do chi phí đầu vào tăng. Đặc biệt, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6.2022 đã tăng 0,59% so với tháng trước (trong đó khu vực thành thị tăng 0,48%; khu vực nông thôn tăng 0,63%).

 

So với cùng kỳ năm trước, CPI tăng 4,94% và tăng 4,67% so với bình quân cùng kỳ. Theo Sở Công Thương, 6 tháng đầu năm, lượng hàng hóa vẫn khá dồi dào nhưng sức mua chưa cao, trong đó tiêu thụ hàng hóa của người dân chủ yếu tập trung vào hàng hóa thiết yếu. Xu hướng tăng giá của nhiều loại hàng hóa và lạm phát khiến người dân chi tiêu tiết kiệm hơn.

Ông Đặng Bá Dự - Giám đốc Sở Công Thương thừa nhận, vấn đề giá cả tăng cao hoàn toàn theo quy luật thị trường và phụ thuộc vào chính sách vĩ mô. Trong phạm vi của tỉnh, sở cũng đã tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều chính sách để ổn định thị trường như điều chỉnh giá, công bố giá, công khai minh bạch theo đúng quy định, đồng thời tăng cường kiểm soát quản lý thị trường, tránh trường hợp lợi dụng thị trường biến động để thu lợi bất chính.

“Việc tăng giá ai cũng thấy hết nhưng phải chờ chính sách điều chỉnh từ trung ương; còn ở cấp tỉnh cũng chỉ tập trung vào các vấn đề kiểm soát không để diễn ra tình trạng ngâm hàng, ép giá hay xáo trộn xã hội… ” - ông Dự chia sẻ.

Theo ông Đoàn Ngọc Sơn - quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, trước tình hình xăng dầu tăng giá, việc kiểm tra kiểm soát hoạt động thương mại trên địa bàn tỉnh được các đội quản lý thị trường thường xuyên triển khai, kịp thời chấn chỉnh, xử lý các trường hợp vi phạm như không niêm yết giá hoặc lợi dụng xăng dầu tăng giá để tăng giá hàng hóa bất hợp lý, nhất là các mặt hàng thiết yếu.

“Nhìn chung thời gian qua, thị trường hàng hóa trên địa bàn tỉnh không có những biến động lớn, giá cả hàng hóa ổn định, không có tình trạng lợi dụng các yếu tố khách quan của xã hội để nâng giá bất hợp lý thu lợi bất chính” - ông Sơn thông tin. Đồng thời khẳng định từ đây đến cuối năm, việc tuần tra kiểm soát thị trường sẽ được đơn vị tăng cường đẩy mạnh hơn nữa nhằm đảm bảo giá cả hàng hóa được minh bạch, hợp lý…

VĨNH LỘC