Chậm chuyển đổi mô hình quản lý chợ
(QNO) – Chuyển đổi mô hình quản lý chợ từ đơn vị sự nghiệp nhà nước sang doanh nghiệp, hợp tác xã quản lý dù đã được đặt ra từ vài năm trước nhưng đến nay hầu như chưa thể triển khai được.
Thất thu ngân sách
Chợ Thanh Quýt (xã Điện Thắng Trung) sẽ được thị xã Điện Bàn bố trí khoảng 7 tỷ đồng để dọn dẹp sửa chữa sau vụ hỏa hoạn diễn ra từ 2 năm trước. Số tiền này lớn gấp 20 lần doanh thu hàng năm của chợ. Chợ Thanh Quýt có khoảng 110 tiểu thương đăng ký kinh doanh, nguồn thu không đủ hoạt động.
Câu chuyện Nhà nước đầu tư xây chợ, địa phương bố trí biên chế quản lý nhưng ngân sách không thu được đồng nào, thậm chí hàng năm phải bỏ tiền ra duy tu, sửa chữa khi chợ hư hỏng, xuống cấp đã và đang diễn ra ở hầu hết địa phương từ nhiều năm nay. Không ít chợ kinh phí bảo dưỡng, sửa chữa hàng năm lên đến hàng trăm triệu đồng, phần lớn từ ngân sách nhà nước.
Đơn cử, tại chợ Vĩnh Điện, doanh thu mỗi năm khoảng 2 tỷ đồng, tất cả đều được để lại cho Ban Quản lý chợ Vĩnh Điện sử dụng. Nhưng sửa chữa lớn đều xin kinh phí nhà nước. Chợ Vĩnh Điện là một trong những ngôi chợ lớn của thị xã Điện Bàn với hơn 500 tiểu thương đăng ký buôn bán thường xuyên.
Tương tự, chợ Hội An, trước dịch Covid-19, doanh thu bình quân mỗi năm 5 tỷ đồng, ngoài nộp lại thành phố 10% tiền thuế (5% thuế VAT và 5% thuế thu nhập doanh nghiệp), số tiền còn lại được Ban Quản lý chợ Hội An sử dụng.
Tính đến tháng 3.2022, trên địa bàn Quảng Nam có 159 chợ bao gồm 2 chợ cấp 1 (Hội An, Tam Kỳ), 13 chợ cấp 2 (huyện, thị, thành phố quản lý) và 144 chợ cấp 3 (xã, phường quản lý).
Nhiều ý kiến cho rằng, mặc dù mục đích chính của chợ là phục vụ dân sinh nhưng Nhà nước không thể vừa đầu tư (hoặc hỗ trợ vốn đầu tư) xây dựng cơ sở hạ tầng vừa bố trí định biên con người, trái lại ngân sách không thu được đồng nào, thậm chí phải bù thêm chi phí để duy tu, sửa chữa khi chợ xuống cấp. Do đó, việc chuyển đổi mô hình quản lý chợ sang doanh nghiệp quản lý là cần thiết.
Ngày 18.1.2019 UBND tỉnh Quảng
Theo ông Nguyễn Đức Chơi – Trưởng phòng Kinh tế thị xã Điện Bàn, chưa kể đến việc thất thu ngân sách, trình độ quản lý của các ban quản lý chợ cấp xã, phường cũng hạn chế năng lực. Dù vậy, việc chuyển đổi không hề đơn giản bởi không phải chợ nào cũng có thể thu hút doanh nghiệp đầu tư, chưa kể các thủ tục còn liên quan đến Luật Đầu tư và Luật Đất đai.
“Theo Luật Đất đai, đất kinh doanh thương mại dịch vụ phải thông qua đấu giá trong khi Nghị định 02 của Chính phủ và Quyết định 02 của tỉnh quy định giao cho doanh nghiệp quản lý dẫn đến chênh nhau nên Điện Bàn phải tạm dừng để chờ các văn bản điều chỉnh mới” - ông Chơi nói. Điện Bàn hiện có 25 chợ gồm 3 chợ cấp 2, còn lại là chợ cấp 3.
Ông Nguyễn Thế Hùng – Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho rằng, việc chuyển đổi mô hình quản lý chợ cần xem xét ở nhiều góc độ và có phương án phù hợp tùy theo địa phương, nhất là với một số chợ có vị trí, lịch sử đặc thù như chợ Hội An, bởi đây không chỉ là chợ dân sinh mà còn là chợ phục vụ du lịch, nằm trong khu phố cổ, đặc biệt khu chợ cũ cũng là di tích được xếp hạng nên bị điều chỉnh rất nhiều luật, do đó phải xem xét thận trọng trước khi chuyển đổi.
Bao giờ chuyển đổi?
Ngày 29.3.2022, UBND tỉnh gửi công văn đến Sở Công Thương, Sở Tư pháp đồng ý tạm dừng sửa đổi Quyết định 02/2019 quy định “Quy trình chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác chợ trên địa bàn tỉnh Quảng Nam” theo đề nghị của Sở Công Thương đến khi có nghị định thay thế Nghị định 02/2003/NĐ-CP ngày 14.1.2003 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ.
Sau khi nhận được văn bản này, hầu như các địa phương trên địa bàn tỉnh đều tạm dừng việc chuyển đổi mô hình quản lý chợ.
{VIDEO} - Nhà nước phải bỏ ra hơn 7 tỷ đồng để sửa chữa chợ Thanh Quýt:
Ông Đặng Bá Dự - Giám đốc Sở Công Thương cho biết, khi thực hiện Nghị quyết 19 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới đơn vị sự nghiệp thì ban quản lý chợ không còn là đơn vị sự nghiệp công lập. Do đó, phải chuyển sang doanh nghiệp quản lý, bởi nếu tiếp tục duy trì ban này do Nhà nước thành lập sẽ sai với Nghị quyết 19 cũng như Nghị định 120 của Chính phủ về sắp xếp đổi mới đơn vị công lập.
Thực tế, tại một số tỉnh, thành của cả nước như TP.Hồ Chí Minh hay Bà Rịa – Vũng Tàu, việc chuyển đổi ban quản lý chợ kiểu cũ sang mô hình hợp tác xã kiểu mới khá thành công. Trong đó, những tiểu thương cũng chính là thành viên hợp tác xã, chủ nhiệm hoặc giám đốc hợp tác xã do các thành viên bầu ra trong tiểu thương hoặc người ngoài có uy tín.
Ông Dự nhìn nhận, điểm mới của mô hình này là một hợp tác xã có thể quản lý nhiều chợ hoặc làm nhiều công việc khác liên quan đến thương mại. Đặc biệt, thành viên hợp tác xã cũng chính là các tiểu thương nên rất có trách nhiệm với việc quản lý, phát triển kinh doanh của chợ.
“Trong Quyết định 02, chúng tôi xin điều chỉnh về quan hệ tài sản của nhà nước nhưng chưa điều chỉnh được vì Trung ương chưa có văn bản thay đổi Nghị định 02/2003, vì vậy vẫn tiếp tục thực hiện Quyết định 02 chứ không phải dừng chuyển đổi mô hình chợ. Đây là nghị quyết của Tỉnh ủy sao dừng được”, ông Dự quả quyết và gợi ý, mỗi chợ phải lập đề án, đưa ra mức giá khởi điểm rồi chọn người quản lý vận hành khai thác chợ theo hình thức đầu tư công nhưng khai thác vận hành tư. Còn việc quản lý tài sản, đất đai chợ thế nào tùy thuộc vào nội dung từng đề án được xây dựng.