Định danh thương hiệu tiêu Tiên Phước
Dự án Đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm tiêu Tiên Phước đã được khởi động tại Tiên Phước, hướng đến định danh thương hiệu sản phẩm này của địa phương.
Mở rộng diện tích
Tiêu Tiên Phước là một trong những sản phẩm đặc trưng của địa phương, được nhiều người biết đến và mang lại thu nhập đáng kể cho người dân nơi đây. Huyện Tiên Phước đã triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo vệ nguồn gốc, phát triển cây tiêu Tiên Phước.
Đề án phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, du lịch sinh thái mang đặc trưng vùng trung du xứ Quảng 2018 - 2025 đã hỗ trợ tích cực cho nhân dân Tiên Phước phát triển giống tiêu bản địa.
Ông Nguyễn Hùng Anh - Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước cho biết, để bảo hộ thương hiệu, có chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm tiêu là điều mà huyện mong muốn từ lâu. Xây dựng dữ liệu vùng trồng rất quan trọng, khi có mã QR Code thì thương hiệu được tin tưởng.
“Tiêu Tiên Phước có tham vọng vươn ra một số thị trường nước ngoài có triển vọng. Vì vậy, huyện sẽ phối hợp chặt chẽ, tích cực với Sở Khoa học - công nghệ, Viện Thổ nhưỡng nông hóa thuộc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam thực hiện dự án này” - ông Hùng Anh nói.
Tại Tiên Phước, diện tích tiêu bản địa được trồng mới tăng dần theo các năm, xuất hiện nhiều mô hình, khu vườn đầu tư theo hướng áp dụng công nghệ cao, an toàn dịch bệnh, nâng diện tích tiêu từ 10ha năm 2010 lên 300ha năm 2020.
Diện tích tiêu đang cho thu hoạch hiện nay hơn 50ha, với năng suất trung bình từ 1,5 đến 2 tấn/ha thì sản lượng hàng năm là 80 - 100 tấn, có thể đạt doanh thu hơn 50 tỷ đồng.
Theo kế hoạch, địa phương sẽ phát triển lên 800ha vào năm 2025. Tiêu hạt Tiên Phước đã được Cục Sở hữu Trí tuệ Việt Nam cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể năm 2009 và đã được UBND tỉnh, Sở Khoa học - công nghệ hỗ trợ xây dựng tạo lập quản lý phát triển thương hiệu năm 2017.
Năm 2015, hạt tiêu Tiên Phước đạt giải thưởng sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh Quảng Nam. Năm 2018 sản phẩm hạt tiêu khô Tiên Phước được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao tỉnh Quảng Nam.
Xây dựng thương hiệu
Nhiệm vụ đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm tiêu Tiên Phước của Quảng Nam do Viện Thổ nhưỡng nông hóa thực hiện từ tháng 4.2022 đến tháng 10.2024.
Theo ông Nguyễn Quang Hải - Phó Viện trưởng Viện Thổ nhưỡng nông hóa, trước khi triển khai nhiệm vụ, viện đã khảo sát ở vùng trồng, nhà vườn trồng tiêu tại Tiên Phước.
Theo số liệu phân tích từ Trung tâm Giám định tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa Đà Nẵng, hạt tiêu Tiên Phước có nhiều chỉ tiêu đạt và vượt trên tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) như hàm lượng piperin 4,03% (TCVN ≥4,0), đặc biệt hàm lượng chất chiết ete không bay hơi là 9,78%, cao hơn rất nhiều so với TCVN và so với các giống tiêu khác của VN (TCVN ≥6,0).
Đây là đặc điểm riêng của hạt tiêu Tiên Phước mà không giống tiêu nào có được. Từ đó tạo cơ sở, lợi thế để định danh sản phẩm tiêu Tiên Phước trên thị trường, hướng tới xuất khẩu khi xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với Chỉ dẫn địa lý (CDĐL) “Tiên Phước” cho sản phẩm tiêu gắn với xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ đăng ký mã số vùng trồng, kiểm soát chất lượng và nguồn gốc sản phẩm được bảo hộ.
Khi nhiệm vụ xác lập quyền sở hữu trí tuệ được hoàn thiện, Viện Thổ nhưỡng nông hóa khuyến nghị huyện Tiên Phước cần xây dựng các điều kiện, phương tiện phục vụ quản lý và khai thác, phát triển CDĐL phù hợp với điều kiện của địa phương, khu vực và tính chất của sản phẩm tiêu được bảo hộ.
Xây dựng hệ thống công cụ phục vụ quản lý và kiểm soát chất lượng sản phẩm được bảo hộ CDĐL, phát triển chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ tiêu nhằm nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị và hướng đến đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm tiêu...