Cơ hội kết nối đầu tư, giao thương với châu Âu
Không dự án đầu tư hay thương vụ nào được ký kết, nhưng cuộc họp với Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) diễn ra mới đây sẽ tạo cơ hội kết nối giao thương và thu hút đầu tư vào địa phương trong một ngày không xa.
Giao thương, đầu tư chưa nhiều
Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1.8.2020. Châu Âu đã chính thức mở cửa thị trường cho Việt Nam.
Ông Phạm Quốc Hùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Quảng Nam nói, EVFTA được kỳ vọng là cơ hội lớn cho giao thương, đầu tư. Dệt may, da giày, hàng nông sản… là những lợi thế của địa phương.
Cơ hội thâm nhập thị trường EU rộng mở, đầy hấp dẫn và chiều ngược lại thu hút làn sóng đầu tư từ khu vực này cũng sẽ khả quan hơn. Khá nhiều doanh nghiệp địa phương đã đưa hàng đến châu Âu, sẵn sàng đón làn sóng đầu tư, hợp tác từ các doanh nghiệp EU.
Số liệu Cục Hải quan cung cấp, Quảng Nam có 60 doanh nghiệp xuất nhập khẩu, trao đổi thương mại sang thị trường EU. Kim ngạch xuất nhập khẩu với các nước EU trung bình hàng năm khoảng 500 triệu USD. Thị trường xuất khẩu chủ yếu sang Đức, Áo, Italia, Slovenia, Hungari, Pháp, Ba Lan, Tây Ban Nha…
Chủ yếu xuất đi hàng may mặc, giày da, tụ điện và linh kiện sản xuất tụ điện, cuộn cảm biến và nguyên liệu sản xuất cuộn cảm biến, màng phủ và nguyên liệu sản xuất màng phủ PE, máy móc thiết bị, vải mành và nguyên liệu sản xuất vải mành, bàn, ghế, các sản phẩm nội thất bằng gỗ...
Chiều ngược lại, doanh nghiệp Quảng Nam nhập máy móc thiết bị, nguyên liệu sản xuất gia công, nguyên liệu sản xuất kim may, ống dây thủy tinh cách nhiệt và hàng tiêu dùng hải sản đông lạnh từ Đức, Italia, Slovakia, Hà Lan, Đan Mạch, Bỉ...
Doanh nghiệp Pháp, Ý, Đức... đã đầu tư nhiều dự án tại địa phương. Thaco đã ký kết hợp đồng chuyển giao công nghệ, sản xuất, phân phối ô tô, xe bus của các tập đoàn như Daimler, BMW (Đức), Peugeot - Pháp, MINI (Anh) và IVECO DAILY (Ý)... Tuy nhiên, con số 38 dự án do doanh nghiệp EU đầu tư vào địa phương (gần 395 triệu USD) vẫn còn quá nhỏ bé.
Ông Hồ Quang Bửu - Phó chủ tịch UBND tỉnh nói, những cuộc tiếp xúc với EuroCham, hai bên đều thừa nhận hiệu quả khai thác hiệp định EVFTA chưa như kỳ vọng.
Thiếu sự gắn kết giữa hiệu quả của thu hút đầu tư với xúc tiến thương mại song phương giữa hai bên, nhất là sự thiếu vắng các hoạt động chuyển giao công nghệ, hỗ trợ kỹ thuật... Số lượng, quy mô các dự án đầu tư của các doanh nghiệp EU chưa thực sự tương xứng với tiềm năng, triển vọng hợp tác từ hai phía
Mở rộng cơ hội
Tại sao phải đầu tư vào Quảng Nam? Quảng Nam có gì để các doanh nghiệp sinh lợi khi chọn địa phương đầu tư? Những câu hỏi luôn đặt lên bàn nghị sự bất kỳ diễn đàn kinh tế hay xúc tiến đầu tư nào, thêm một lần nữa đặt ra tại cuộc họp trực tuyến giữa 3 tỉnh “tam giác di sản” và EuroCham hồi đầu tháng 6.2022.
Mối quan tâm của các nhà đầu tư EU không ngoài việc tìm kiếm cơ hội đầu tư vào kinh tế tuần hoàn, xử lý môi trường, rác thải, tái chế, hướng đến một nền kinh tế xanh, từ thương mại, du lịch, đến việc đầu tư xây dựng các khu thương mại.
Theo EuroCham, những rào cản về thương mại, đầu tư sẽ sớm được gỡ bỏ. Niềm tin của các doanh nghiệp châu Âu đã đạt mức cao nhất kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát.
Hơn 2/3 doanh nghiệp đã bày tỏ tin tưởng vào khả năng phát triển kinh tế mạnh trong vòng 3 tháng tới. Sự lựa chọn đầu tư của cộng đồng doanh nghiệp này dựa trên sự minh bạch và các hoạt động hỗ trợ hiệu quả của địa phương.
Không có thương vụ hay dự án đầu tư nào được ký kết thông qua phiên xúc tiến đầu tư trực tuyến này. Nhưng, những cơ chế, chính sách hay dự án mời gọi đầu tư hay những cam kết từ phía địa phương đã nhận được sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp châu Âu.
Bà Delphine Rousselet - Giám đốc EuroCham cho hay, cuộc gặp gỡ này đã mở ra cơ hội hợp tác giữa cộng đồng doanh nghiệp châu Âu với các địa phương trên lĩnh vực kinh tế xanh cả hai bên đều quan tâm. EuroCham sẵn sàng hỗ trợ các yêu cầu về thông tin, duy trì sự kết nối, làm cầu nối để địa phương và cộng đồng doanh nghiệp châu Âu có thể ký kết những dự án đầu tư hoặc hợp đồng giao thương.
Xu hướng thúc đẩy tự do hóa, thuận lợi hóa thương mại xuyên biên giới đã mở ra nhiều cơ hội lớn cho cộng đồng doanh nghiệp và sẽ đón làn sóng đầu tư vào địa phương.
Nhưng làm gì để có thể tận dụng tối đa cơ hội từ hiệp định thương mại tự do với liên minh châu Âu để thu hút thêm dòng vốn các nhà đầu tư lớn, đa dạng nguồn thu, không dựa vào một vài doanh nghiệp lớn, tránh bị động, bấp bênh ngân sách?
Câu trả lời là Quảng Nam đã lên kế hoạch thu hút đầu tư vào Khu kinh tế mở Chu Lai, Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Nam Giang, khai thác tiềm năng, thế mạnh của Hành lang Kinh tế Đông - Tây.
Chọn ngành nghề tiên tiến, đóng góp ngân sách nhiều, hiệu quả cao trên một đơn vị diện tích sử dụng đất vào các khu công nghiệp. Ưu tiên phát triển du lịch xanh, dịch vụ du lịch, y tế, chăm sóc sức khỏe, đào tạo nghề, logistics, phát triển chuỗi giá trị sản xuất - chế biến - tiêu thụ bền vững...
Không chỉ chuẩn bị các hạ tầng gia nhập “cao tốc EVFTA” như quy hoạch cảng biển, hàng không, mạng lưới giao thông, hệ thống logistics, mọi vẫn đề liên quan đến đầu tư tại địa phương đều sẽ được công khai, minh bạch.
Từ cơ sở dữ liệu, quy hoạch, cơ chế, chính sách đến các dự án đầu tư cơ hội mời gọi đều được tải lên một website có tên miền dễ hiểu, dễ truy cập của riêng Quảng Nam.
Việc lựa chọn nhà đầu tư, danh mục dự án đầu tư đều thực tế, phù hợp quy hoạch, yêu cầu phát triển của địa phương. Tất cả kế hoạch hay sự chuẩn bị này không ngoài việc mở rộng các cuộc giao thương hay đón làn sóng đầu tư đang ngày càng gia tăng.
Ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh nói, sẽ có nhiều nhiều doanh nghiệp châu Âu tìm hiểu, đầu tư vào địa phương (thương mại - đầu tư, khoa học công nghệ, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, nông nghiệp chất lượng cao, du lịch xanh, kinh tế tuần hoàn...). Sự kết nối, hợp tác sẽ góp phần gia tăng kim ngạch xuất nhập khẩu, mở rộng mói quan hệ hợp tác giữa địa phương và cộng đồng doanh nghiệp châu Âu.